Elon Musk có thể học hỏi điều gì từ Jeff Bezos và Warren Buffett?

(BĐT) - Để đạt được mục tiêu sản xuất cho hãng xe điện Tesla, CEO Elon Musk nói rằng ông đã làm việc tới 120 tiếng mỗi tuần. Đôi khi, ông không trả lời email và các cuộc điện thoại, và hầu như không có thời gian để tắm hay thậm chí phải ngủ ngay tại nhà máy. Ông gọi năm 2018 là một năm đầy "khó khăn" và "đau đớn".
Ảnh Internet
Ảnh Internet

Mặc dù mệt mỏi và kiệt sức, song trong cuộc phỏng vấn với tờ The New York Times hồi tháng 8, ông Musk vẫn tuyên bố sẽ không từ bỏ vai trò Chủ tịch và CEO của mình. Tình cảnh của ông Musk đã làm nổi bật một vấn đề cố hữu mà nhiều nhà lãnh đạo phải đối mặt, đó là không sẵn lòng ủy quyền trách nhiệm cho người khác. Điều này có thể dẫn tới những đêm dài làm việc mệt mỏi và mất thời gian, tệ hơn là khiến tốc độ tăng trưởng của doanh nghiệp chậm lại.

Các nhà lãnh đạo có rất nhiều lí do để đấu tranh trước quyết định ủy thác trách nhiệm cho người khác. Theo Carol Walker, Chủ tịch hãng tư vấn Prepared to Lead, một số lãnh đạo có xu hướng cầu toàn cho rằng việc đích thân thực hiện công việc là tốt hơn, hoặc tin rằng việc từ bỏ quyền kiểm soát có thể làm giảm tầm quan trọng của họ.

Những nhà sáng lập như Elon Musk có thể cảm nhận được một trách nhiệm đặc biệt, Peter Harms, giáo sư tại Đại học Alabama cho biết. Ông cho rằng các doanh nhân như ông Musk có thể cảm thấy là một phần không thể thiếu bởi họ là một trong số ít những người có thể hiểu được sự phức tạp của công ty do mình điều hành. Họ có thể cảm thấy khó khăn khi phải từ bỏ quyền lực bởi công ty giống như đứa con tinh thần của họ, ông Harms nhận xét. 

Elon Musk, người điều hành cả SpaceX và Tesla, có thể làm tốt công việc của mình bằng cách học hỏi những kinh nghiệm của Jeff Bezos và Warren Buffett.

Tỷ phú Buffett ủy quyền cho các CEO cho các công ty trong danh mục đầu tư của Berkshire Hathaway, và ông làm việc như “nhà quản lý của các nhà quản lý”. Ông Buffett không trực tiếp can thiệp vào công việc, giúp những người được ủy quyền cảm thấy tự chủ và đáng tin cậy hơn.

Trong khi đó, CEO Amazon Jeff Bezos cho biết, ông ủy quyền khi đưa ra quyết định dựa trên 2 dạng. Ông Bezos giải thích trong lá thư gửi tới cổ đông năm 2015: Quyết định loại 1 là các quyết định mang tính chiến lược và quan trọng, và loại 2 là là những quyết định có thể xem xét lại và thay đổi. Ông cho phép nhiều người tham gia góp ý vào quyết định loại 2, trong khi chỉ có các nhà quản lý cấp cao được tham gia vào quyết định loại 1. Vị tỷ phú giàu nhất hành tinh cho biết mục tiêu của ông là thu thập 70% thông tin từ các cấp dưới để đưa ra quyết định, hoặc thực hiện các sửa đổi.

Các chuyên gia quản lý đã chỉ ra một số dấu hiệu mà những nhà lãnh đạo đang phải đấu tranh trong việc ủy quyền trách nhiệm. Những dấu hiệu này bao gồm thời gian làm việc quá lâu trong ngày, cảm thấy kiệt sức, trong khi nhân viên chỉ làm 8 tiếng mỗi ngày.

Các nhà lãnh đạo như Elon Musk nên bắt đầu thực hiện nguyên tắc ra quyết định 90/10, theo Jennifer Dulski – tác giả cuốn sách kinh doanh “Purposeful”. Nguyên tắc này quy định rằng, các nhà quản lý chỉ nên thực hiện 10% các quyết định của công ty, trong khi 90% còn lại nên được xử lý bởi nhân viên.

Sự thay đổi này có thể sẽ là khó khăn đối với các nhà lãnh đạo, song nó rất cần thiết đối với các công ty đang mong muốn tăng trưởng nhanh chóng và hiệu quả. “Khi bạn cung cấp cho đội ngũ của mình một sự tin tưởng, họ sẽ tìm ra những cách sáng tạo nhất để đạt được mục tiêu”, bà Dulski cho hay.

Những nhà lãnh đạo như Elon Musk cần có những người được ủy quyền thực sự đáng tin cậy, song thật không may là ông Musk không có ai như vậy bên cạnh. “Steve Jobs có Tim Cook. Có vẻ như Elon Musk không có ai cả”, ông Harms nhận xét. 

Chuyên đề