Đòn 'cây gậy và củ cà rốt' để nước Mỹ vĩ đại trở lại của Trump

Trump muốn tạo thêm việc làm cho người Mỹ bằng chiến thuật mua chuộc, đe dọa các công ty không chuyển dây chuyền sản xuất ra nước ngoài.
Trump và các trợ lý tới thị sát nhà máy của hãng Carrier ở bang Indiana. Ảnh:NYTimes
Trump và các trợ lý tới thị sát nhà máy của hãng Carrier ở bang Indiana. Ảnh:NYTimes

Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump sáng qua tung ra một đòn đe dọa nhắm vào các doanh nghiệp Mỹ, khi cảnh báo trên Twitter rằng chính quyền của ông sẽ có những biện pháp trả đũa đối với những công ty cố tình chuyển hoạt động sản xuất ra nước ngoài, sau đó nhập hàng trở về Mỹ, theo NYTimes.

Đây được coi là những động thái của ông Trump nhằm thực hiện chính sách "làm nước Mỹ vĩ đại trở lại" của mình, với khẩu hiệu "nước Mỹ trên hết", ưu tiên giải quyết công ăn việc làm cho người Mỹ. Tuy nhiên, nhiều học giả, chuyên gia phân tích tỏ ra hoài nghi về sự khôn ngoan trong chính sách gây sức ép với các doanh nghiệp bằng "cây gậy và củ cà rốt" của ông Trump.

Hôm 1/12, ông Trump tuyên bố đã giữ được khoảng 1.000 việc làm cho người Mỹ ở bang Indiana, sau khi đe dọa tập đoàn điện lạnh nổi tiếng Carrier rằng họ sẽ phải đối mặt với "cơn thịnh nộ" của chính quyền mới nếu thực hiện kế hoạch chuyển dây chuyền sản xuất sang Mexico.

Trong một bài viết đăng trên website Young Conservatives, bà Sarah Palin, cựu ứng viên phó tổng thống Mỹ, đã gọi thỏa thuận giữa ông Trump và tập đoàn Carrier là một biểu hiện của "chủ nghĩa tư bản thân hữu" – khái niệm ám chỉ sự cấu kết giữa các tập đoàn tư bản với chính quyền để thao túng thị trường.

Bà Palin cho rằng dù các thông tin chi tiết trong quyết định giữ lại 1.000 việc làm ở Mỹ thay vì chuyển đến Mexico của tập đoàn Carrier theo yêu cầu của Tổng thống đắc cử còn chưa rõ ràng, đây vẫn là một trường hợp "can thiệp chính trị bằng cách dùng chính sách cây gậy và củ cà rốt để mua chuộc hoặc ép buộc một doanh nghiệp làm những điều các chính trị gia mong muốn".

"Khi chính phủ cấu kết một cách tùy tiện với các công ty, ưu đãi một doanh nghiệp hơn những người khác, họ đã tạo ra một tiền lệ đối lập, bất công, phi lô-gic", bà Palin nhấn mạnh.

Tờ WSJ tuần trước cũng lên tiếng phản đối thỏa thuận Trump – Carrier, cho rằng nó đã giết chết các nguyên tắc của thị trường tự do. Việc một người như bà Palin cũng lên tiếng phản đối cách làm này là một đòn giáng rất mạnh, bởi nữ nghị sĩ này từng là tiếng nói ủng hộ Trump rất mạnh mẽ, thậm chí còn được xem xét giữ vị trí Bộ trưởng Các vấn đề Cựu binh trong chính quyền của tỷ phú.

Hành động của ông Trump cũng vấp phải sự chỉ trích của nhiều chuyên gia khi họ cho rằng chính sách của ông sẽ không hề phát huy hiệu quả, tệ hơn nữa là nó có thể biến ông thành một người ủng hộ lợi ích nhóm hoặc cai trị độc đoán.

"Chính sách này của ông Trump ngầm chứa hình thức tống tiền rất nguy hiểm", Tyler Cowen, giảng viên kinh tế học tại Đại học George Mason, nhận định. "Ông Trump đang đàm phán với một doanh nghiệp ngoại phạm vi quy định của pháp luật và thủ tục hành chính".

Đe dọa và mua chuộc

Lời đe dọa đánh thuế nặng của Trumptrên Twitternhắm vào các công ty chuyển hoạt động sản xuất ra nước ngoài.Ảnh chụp màn hình.

Hôm thứ 6 tuần trước, ông Trump đã nhắm mục tiêu vào hãng Rexnord ở bang Indianapolis, doanh nghiệp vừa công bố kế hoạch chuyển hoạt động sản xuất sang Mexico. "Không thêm nữa nhé!", ông Trump viết trên Twitter, góp phần đẩy giá cổ phiếu của Rexnord giảm 8% trong tuần qua.

Trump tuyên bố rằng hình phạt đối với những công ty chuyển dây chuyền sản xuất ra nước ngoài sẽ là mức thuế 35% đối với những sản phẩm mà họ nhập trở lại Mỹ. Hiện vẫn chưa rõ ông Trump liệu có quyền trừng phạt các doanh nghiệp mà không có sự cho phép của Quốc hội hay không, nhưng ông đã cam kết sẽ xem xét lại thuế doanh nghiệp và bãi bỏ các quy định mà ông cho là đang "bóp nghẹt" các công ty Mỹ. Bên cạnh đó, ông cũng thúc đẩy các hình thức "củ cà rốt", chẳng hạn như gói ưu đãi trị giá 7 triệu USD mà bang Indiana dành cho tập đoàn Carrier sau khi thực hiện thỏa thuận.

Mike Konczal, nhà kinh tế học tại Viện Roosevelt, dự đoán rằng chính sách của ông Trump chắc chắn sẽ thất bại, đặc biệt là khi ông giữ lời hứa tranh cử, giảm thuế cho các doanh nghiệp và nhà đầu tư.

"Cắt giảm thuế cho các cổ đông sẽ hủy hoại nhiều nhà máy hơn tất cả những gì ông ấy giữ được bằng cách gây sức ép với các công ty", Konczal nói. Những gói ưu đãi như những gì Carrier nhận được chỉ trì hoãn xu hướng dịch chuyển không thể tránh khỏi của các tập đoàn đa quốc gia tới những nơi có chi phí sản xuất thấp như Mexico hay châu Á. "Họ chỉ đơn giản là hoãn thời gian rời đi, sau khi bỏ túi một ít tiền", ông khẳng định.

Việc đàm phán với các tập đoàn lớn cũng khó khăn hơn những gì ông Trump chịu thừa nhận. Dù ông đã tung ra cả cây gậy đánh thuế lẫn củ cà rốt 7 triệu USD, Carrier cũng chỉ chịu nhượng bộ một nửa trong số 2.000 việc làm ở Mỹ mà ông yêu cầu.

Carrier không phải là tập đoàn duy nhất ở Mỹ muốn chuyển các công việc trình độ thấp ra nước ngoài, chỉ giữ các nhân viên trình độ cao chuyên về kinh doanh, nghiên cứu và phát triển ở trong nước. Bởi vậy, ông Trump dường như đang chống lại cả một thế lực kinh tế mang tính kiến tạo đang vận động không ngừng nghỉ.

"Đó không phải là viên đạn bạc", Steven Rattner, chuyên gia tài chính kỳ cựu từng dẫn dắt chiến dịch giải cứu ngành công nghiệp ôtô Mỹ năm 2009, tuyên bố. "Điều trớ trêu là đội ngũ chiến dịch của ông Trump chẳng có bất cứ thứ gì có thể giúp đỡ những người bị tổn thương bởi xu thế đó".

Dù vậy, có nhiều dấu hiệu cho thấy Tổng thống đắc cử Mỹ sẽ tiếp tục các cuộc thương thảo kiểu Carrier sau khi chính thức nhậm chức ngày 20/1.

"Đây không phải là thỏa thuận một lần", ông Trump tuyên bố khi tới thăm xưởng sản xuất của Carrier ở Indianapolis hôm thứ 5 tuần trước giữa những tiếng hò reo của công nhân. "Đó là một trong những lý do tôi ở đây chứ không phải trong hành lang ở Manhattan".

Bà Sarah Palin ví chính sách của Trump với chủ nghĩa tư bản thân hữu. Ảnh:AP

Justin Wolfers, giảng viên kinh tế tại Đại học Michigan, cho rằng chiến thuật của ông Trump vẫn có khả năng khiến các chủ tịch tập đoàn nhìn nhận lại về trách nhiệm xã hội của mình và có những biện pháp thay đổi để cân bằng lợi ích. "Nếu là về thay đổi cách nghĩ rằng việc làm giàu cá nhân trên mồ hôi công sức của người lao động không còn được xã hội chấp nhận, đó sẽ là một thông điệp quan trọng", Wolfers nhận xét.

Thế nhưng bà Palin lại có cái nhìn bi quan hơn rất nhiều. "Một đất nước đang gánh khoản nợ công 20 nghìn tỷ USD không thể nào chịu được cách làm ngu ngốc tội lỗi như vậy. Hãy cảnh giác theo dõi xem nó có tiếp diễn hay không, nếu không tất cả chúng ta sẽ thất bại", bà nhấn mạnh. 

Chuyên đề