Đối thoại Mỹ - Trung: Bài đã chia, ai là người chiến thắng?

Trong 2 ngày 6-7/6 tới, các quan chức kinh tế cao nhất tại Mỹ và Trung Quốc sẽ tiến hành gặp gỡ tại Bắc Kinh trong khuôn khổ chương trình “Đối thoại kinh tế chiến lược Mỹ - Trung” (S&ED). 
Ảnh Internet
Ảnh Internet

Hội nghị này khiến thị trường toàn cầu mường tượng ra khung cảnh của một ván bài poker lịch sử, nơi quan chức từ hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đều đã biết rõ lá bài trong tay mình và đang đoán định bước đi của đối thủ.

Cuộc gặp gỡ diễn ra trong bối cảnh, các quan chức của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đang trong quá trình dần thắt chặt tiền tệ, mà đa phần các thành viên thị trường tài chính tin chắc rằng cơ quan này sẽ nâng lãi suất thêm hai lần nữa trong năm nay. Trong khi đó, Trung Quốc đang muốn nới lỏng bớt mối liên kết giữa đồng Nhân dân tệ và đồng USD, đồng thời với mục tiêu kiểm soát nguồn tiền tháo chạy khỏi Đại lục.

Thực tế trong 9 tháng qua cho thấy, hai mục tiêu trên hoàn toàn xung đột với nhau. Điển hình là việc nhà đầu tư Mỹ rút tiền khỏi Trung Quốc đã thúc đẩy dòng vốn đầu tư nhanh chóng thoái lui khỏi quốc gia này và việc Trung Quốc bất ngờ hạ giá đồng Nhân dân tệ trong tháng 8/2015 được coi là nguyên nhân chính khiến Fed chùn bước đối với kế hoạch nâng lãi suất. 

Fed có thực sự “không sợ” tác động từ Trung Quốc?

Đây là lần thứ 8, đồng thời cũng là lần cuối cùng “Đối thoại kinh tế chiến lược Mỹ -Trung” được tổ chức kể từ khi chính quyền của Tổng thống Mỹ Barack Obama đồng ý với cuộc gặp gỡ thường niên, bắt nguồn từ sáng kiến dưới thời Tổng thống Bush (năm 2009).

Theo nhận định của các chuyên gia, một trong những nhiệm vụ đối với Phó chủ tịch Fed Stanley Fischer, Bộ trưởng Bộ Tài chính Jacob J.Lew và các đồng sự khác trong cuộc gặp gỡ này là tránh để xảy ra mối xung đột lớn về tài chính đối với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

“Cả Trung Quốc và Mỹ đều có chung mối quan tâm là tránh việc bị bất ngờ bởi các chính sách tiền tệ, có thể khiến mỗi bên bị giới hạn trong việc sử dụng các chính sách tại nội địa”, Eswar Prasad, cựu trưởng bộ phận Trung Quốc của Qũy Tiền tệ quốc tế (IMF) và hiện tại là giáo sư tại Cornell University (New York) cho biết.

Trong tháng 3/2016, đa phần các quan chức Fed đều thống nhất nên nâng lãi suất thêm 2 lần trong năm 2016 và cuộc họp định kỳ diễn ra vào 14-15/6 tới chính là thời điểm thích hợp để bắt đầu trong năm nay. Bên cạnh đó, Fed tỏ rõ quan điểm rằng, những diễn biến trái chiều trong chính sách tiền tệ của các quốc gia khác, cũng như những biến động bất thường từ Trung Quốc sẽ không có nhiều tác động tới quyết định của Fed. Điều duy nhất ảnh hưởng tới tiến trình này là các số liệu kinh tế Mỹ.

Nếu thực sự như vậy, việc Fed nâng lãi suất trong tháng 6 gần như là chắc chắn, bởi các thông tin kinh tế quan trọng của Mỹ được công bố gần đây đều rất tích cực, thậm chí vượt xa ước tính của các quan chức Fed. Trong tháng 3, Fed dự báo kinh tế Mỹ sẽ tăng trưởng 2,2% trong năm nay và may mắn thì quý I sẽ thoát khỏi tăng trưởng âm. Hiện tại, các số liệu kinh tế khiến dự báo này đã thay đổi, số liệu GDP quý I của Mỹ cho thấy, nền kinh tế lớn nhất thế giới đang tăng trưởng ở mức 2,9%. 

Trung Quốc dựng rào chắn

Đối với Trung Quốc, việc Fed nâng lãi suất sẽ tạo áp lực lớn lên đồng Nhân dân tệ, đồng thời có thể khiến tình trạng dòng tiền tháo chạy khỏi Đại lục thêm trầm trọng. Trong năm 2015, Trung Quốc ghi nhận mức kỷ lục 1.000 tỷ USD được rút khỏi các thị trường tài chính của quốc gia này, mà khởi đầu từ kỳ vọng của giới đầu tư đối với việc Mỹ nâng lãi suất.

Cuối tuần trước, Bloomberg đưa tin từ một nguồn giấu tên cho biết, các quan chức Trung Quốc dự định sẽ hỏi thẳng những người đồng cấp tại Mỹ về khả năng Fed sẽ nâng lãi suất trong tháng 6. Tất nhiên, từ góc nhìn của Đại lục, câu trả lời “không nâng lãi suất” sẽ mang lại niềm vui lớn hơn.

Hiện tại, đối với Thống đốc Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) Zhou Xiaochuan, viễn cảnh Fed nâng lãi suất sẽ khiến dòng tiền chảy ra khỏi Trung Quốc vốn đang rất khó kiểm soát, sẽ mạnh mẽ hơn nữa. Để ngăn chặn dòng tiền tháo chạy, Trung Quốc đã thực hiện rất nhiều biện pháp để bịt những “lỗ hổng”, tuy nhiên, các công ty cũng như cá nhân ở Trung Quốc vẫn tiếp tục chuyển tiền ra khỏi biên giới nước này dưới nhiều hình thức, điển hình là việc làm giả hóa đơn bán hàng thông qua các công ty tại Hồng-Kông.

Trước nguy cơ Fed có thể nâng lãi suất trong tháng tới, Trung Quốc đang tích cực xây dựng các rào chắn để bảo vệ nền kinh tế. Theo đó, các công ty Trung Quốc đang tích cực trả bớt các khoản nợ bằng đồng USD, trong khi giới chức Đại lục thúc đẩy hoạt động cấp phép đối với các khoản đầu tư nước ngoài. Quỹ dự trữ ngoại tệ quốc gia tăng trưởng 2 tháng liên tiếp, tính tới tháng 4 vừa qua, sau khi giảm hơn 500 tỷ USD trong năm 2015, mức giảm đầu tiên kể từ khi các số liệu được công bố.

Bên cạnh đó, với diễn biến tích cực của TTCK toàn cầu kể từ cuối tháng 3, Trung Quốc đang để đồng Nhân dân tệ giao dịch ở mức thấp hơn so với đồng USD, nhằm giảm bớt tác động giảm giá khi Fed nâng lãi suất trong tháng tới.

“Có vẻ như giới chức Trung Quốc đang thích ứng khá linh hoạt với rủi ro từ Fed. Mặc dù vậy, Trung Quốc vẫn phải đối mặt với nhiệm vụ khó khăn để ổn định nền kinh tế và việc Fed nâng lãi suất chắc chắn chỉ khiến mọi việc phức tạp hơn”, Frederic Neumann, trưởng nhóm nghiên cứu kinh tế châu Á tại HSBC Holdings Plc cho biết.        

Chuyên đề