Doanh nghiệp châu Âu "ứng phó" với việc Mỹ tái áp đặt trừng phạt Iran

Quyết định của Mỹ tái áp đặt các biện pháp trừng phạt nhằm vào Iran, có hiệu lực từ ngày 6/8 tới sau khi Washington rút khỏi thỏa thuận hạt nhân còn gọi là Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA), sẽ ảnh hưởng đến hàng loạt doanh nghiệp châu Âu hoạt động tại Iran.
Kỹ thuật viên người Iran và Pháp lắp ráp ôtô Renault Logan tại nhà máy Khodro, phía Tây Tehran, Iran. (Nguồn: AFP/TTXVN)
Kỹ thuật viên người Iran và Pháp lắp ráp ôtô Renault Logan tại nhà máy Khodro, phía Tây Tehran, Iran. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Trong lĩnh vực ôtô, hãng sản xuất ôtô Renault và PSA của Pháp đang đưa ra các cách tiếp cận khác nhau. Tập đoàn PSA gồm các thương hiệu Peugeot, Citroen và Opel, hồi tháng Sáu cho biết chuẩn bị ngừng các hoạt động tại Iran, thị trường nước ngoài chính của PSA tính theo doanh số bán hàng.

Hồi năm ngoái, PSA - hãng sản xuất xe hơi lớn thứ 2 châu Âu, đã bán được hơn 445.000 chiếc ôtô tại Iran, qua đó Iran trở thành một trong những thị trường lớn nhất của hãng này ngoài Pháp.

Trong khi đó, Renault cho biết hãng này dự định vẫn tiếp tục hoạt động tại Iran dù có thu hẹp lại.

Hồi tháng trước, Renault thông báo doanh số bán hàng tại Iran giảm 10,3%, xuống còn 61.354 chiếc.

Hãng Volkswagen của Đức hồi năm 2017 từng tuyên bố sẽ tìm cách nối lại hoạt động tại Iran sau 17 năm, tuy nhiên quyết định trên của Mỹ có thể buộc hãng này phải từ bỏ kế hoạch.

Về lĩnh vực hàng không, hãng chế tạo máy bay ATR của Pháp và Italy đang lo ngại về số phận 20 chiếc máy bay mà Iran đã đặt hàng, dù hãng hàng không Iran Air ngày 4/8 cho biết sẽ tiếp nhận năm chiếc ATR-72600 vào ngày 5/8, trước khi các biện pháp trừng phạt của Mỹ có hiệu lực.

Trong khi đó, hãng Airbus lại cho rằng không bị thiệt hại quá nặng nề tại thị trường Iran dù đến nay mới chuyển giao được ba máy bay trong số 100 chiếc mà hãng này đã ký thỏa thuận cung cấp cho Iran.

Trong lĩnh vực dầu mỏ, tập đoàn năng lượng Total của Pháp đang phải tránh những thiệt hại đáng kể trong một dự án trị giá 5 tỷ USD nhằm phát triển mỏ khí ở ngoài khơi South Pars của Iran.

Trong khi đó, tập đoàn BP của Anh không có mặt tại Iran. Tập đoàn Royal Dutch Shell liên doanh Anh-Hà Lan dù đã ký thỏa thuận để tìm hiểu các khoản đầu tư có thể tại Iran, song hiện tập đoàn này vẫn chưa có bất kỳ hoạt động nào tại đây.

Italy có thể phải chịu thiệt hại trong lĩnh vực đường sắt và đóng tàu vì công ty đường sắt quốc gia Ferrovie dello Stato Italiano đã ký một hợp đồng xây dựng tuyến đường cao tốc nối Qom với Arak ở miền Bắc Iran. Các công ty đóng tàu Fincantieri, công ty kỹ thuật Maire Tecnimont và công ty sản xuất nồi hơi Immergas cũng đang lo ngại do đã ký một loạt thỏa thuận với Iran.

Về lĩnh vực du lịch, hãng hàng không British Airways của Anh và Lufthansa của Đức có nguy cơ phải ngừng các chuyến bay thẳng đến Tehran mới được nối lại gần đây hoặc đối mặt với việc mất hoạt động kinh doanh xuyên Đại Tây Dương.

Tình trạng "tiến thoái lưỡng nan" cũng xảy ra đối với một loạt công ty kinh doanh dịch vụ, như chuỗi khách sạn AccorHotels của Pháp vốn mở một khách sạn tại Iran hồi năm 2015 hay chuỗi khách sạn quốc tế Melia của Tây Ban Nha vốn ký một hợp đồng điều hành khách sạn 5 sao Gran Melia Ghoo tại Iran hồi năm 2016.

Ngoài ra, các doanh nghiệp châu Âu trong các lĩnh vực khác như công nghiệp, dược phẩm, ngân hàng, dự kiến cũng chịu tác động khi các biện pháp trừng phạt của Mỹ nhằm vào Iran có hiệu lực trở lại vào đầu tuần tới. Tập đoàn khí công nghiệp Air Liquide của Pháp cho biết sẽ ngừng tất cả các hoạt động thương mại tại Iran. Các ngân hàng khu vực như Helaba và DZ Bank đã rút khỏi Iran sau khi Mỹ tuyên bố sẽ tái áp đặt trừng phạt nước này.

Trong khi đó, một nguồn tin trong ngành công nghiệp của Hàn Quốc ngày 5/8 cho biết xuất khẩu của Hàn Quốc sang Iran, vốn đã giảm 15,4% trong nửa đầu năm nay, dự kiến sẽ tiếp tục giảm khi các lệnh trừng phạt Iran do Mỹ áp đặt có hiệu lực.

Theo phóng viên TTXVN tại Seoul, Hiệp hội Thương mại Quốc tế Hàn Quốc (KITA) cho biết trong sáu tháng đầu năm, xuất khẩu của Hàn Quốc sang Iran đã giảm ở mức 2 con số xuống còn 1,72 tỷ USD. Riêng trong tháng Bảy, kim ngạch xuất khẩu của Hàn Quốc sang Iran đã giảm tới 19,4% so với cùng kỳ năm ngoái./. 

Chuyên đề