Đế chế kinh doanh níu chân Trump trước ngày nhậm chức

Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump được cho là vẫn chưa giải quyết triệt để những vấn đề nhằm rút lui khỏi công việc kinh doanh trước khi nhậm chức.
Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump. Ảnh:Politico
Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump. Ảnh:Politico

Mặc dù từng cam kết rút hẳn khỏi đế chế kinh doanh bất động sản của gia đình trước khi bước chân vào Nhà Trắng, Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump dường như còn rất nhiều công việc tồn đọng, không thể giải quyết trước ngày nhậm chức 20/1 tới, theo AP.

Đầu tư nước ngoài

Ông Trump mới đây hủy bỏ các kế hoạch kinh doanh tại Azerbaijan, Brazil, Gruzia, Ấn Độ và Argentina, cũng như giải thể những công ty "vỏ bọc" liên quan đến hoạt động thương mại tại Arab Saudi.

Tuy nhiên, luật sư chính của tập đoàn Trump Organization, Alan Garten từng tuyên bố rằng việc đóng cửa những công ty này hoàn toàn không liên quan đến chiến thắng của ông Trump trong cuộc bầu cử tổng thống, mà đơn giản chỉ là công việc tái cơ cấu thông thường.

Trên thực tế, tập đoàn Trump Organization vẫn đang mở rộng hoạt động trên quy mô toàn cầu. Câu lạc bộ Golf quốc tế Trump tại Dubai, UAE, dự kiến mở cửa vào tháng tới.

Tổng thống đắc cử Mỹ khẳng định sẽ không thực hiện những giao dịch mới, một khi bước chân vào Nhà Trắng, nhưng con trai ông, Eric Trump, cũng là phó giám đốc điều hành Trump Organization, tuần trước, tiết lộ với truyền thông Argentina rằng tập đoàn này có kế hoạch mở rộng công việc làm ăn tại đây.

Con trai Tổng thống đắc cử Mỹ cũng đề cập đến khả năng mở rộng hoạt động sang Nga.

"Hiện tại thì không, nhưng có khả năng chúng tôi sẽ có mặt tại Nga trong 20-30 năm tới", Eric tuyên bố.

Kinh doanh trong nước

Trong danh mục kinh doanh của Trump tại Mỹ, tổ hợp khách sạn tại tòa nhà bưu điện cũ ở Washington D.C, mới khai trương chỉ vài ngày trước khi bầu cử, là hoạt động đầu tư tiềm ẩn nhiều nguy cơ tạo ra xung đột lợi ích nhất mà ông phải đối mặt trong thời gian tới.

Trong hợp đồng thuê tòa nhà này, vốn do chính phủ liên bang nắm giữ, có những điều khoản cấm các quan chức được bầu nhận lợi ích tài chính từ tài sản này.

Nhiều nghị sĩ của đảng Dân chủ lên tiếng cảnh báo cục Quản lý Dịch vụ chung (GSA) đã xác nhận với họ rằng ông Trump sẽ vi phạm điều khoản hợp đồng này ngay khi nhậm chức.

Ngoài ra, mặc dù tuyên bố sẽ không dành thời gian cho chương trình truyền hình thực tế "Celebrity Apprentice" nữa, ông Trump vẫn được coi như nhà sản xuất của chương trình này.

Quỹ từ thiện

Tháng 12/2016, ông Trump tuyên bố sẽ dừng hoạt động của quỹ Donald J. Trump để tránh xung đột lợi ích. Quyết định được đưa ra sau khi quỹ này thừa nhận đã vi phạm quy định của sở Thuế vụ Mỹ (IRS), khi dùng tiền quyên góp để phục vụ lợi ích riêng của ông Trump và gia đình hoặc các thành viên khác của quỹ.

Tuy nhiên, văn phòng Tổng công tố New York cho biết quỹ này chưa thể giải thể cho đến khi chính phủ hoàn tất cuộc điều tra về việc ông Trump sử dụng tiền quỹ để tư lợi cá nhân, nhưng không tiết lộ thời điểm kết thúc điều tra có diễn ra trước khi ông Trump nhậm chức hay không.

Các thành viên gia đình

Dư luận Mỹ cũng đang chờ đợi xem con gái Ivanka Trump cùng chồng là Jared Kushner, người dự kiến sẽ trở thành cố vấn cao cấp của ông Trump, sẽ tách khỏi hoạt động kinh doanh như thế nào.

Ngày 7/1, đại diện của ông Kushner cho biết ông đã làm việc với văn phòng Đạo đức của chính phủ Mỹ (OGE), và nghiên cứu những bước đi nhằm rút khỏi vị trí giám đốc điều hành của doanh nghiệp bất động sản với khối tài sản trị giá tới 7 tỷ USD.

Bên cạnh vị trí giám đốc điều hành công ty của bố, Ivanka cũng sở hữu một công ty thời trang của riêng mình.

Các vụ kiện

Ông Trump cũng đang đối mặt với một số vụ kiện chưa được giải quyết dứt điểm, như vụ ông kiện đầu bếp nổi tiếng Jose Andres do đơn phương phá vỡ hợp đồng làm việc cho khách sạn mới khai trương.

Ông Andres cho biết ông quyết định nghỉ làm việc bởi nghe được những tuyên bố xúc phạm người Mexico của ông Trump trong khi tranh cử.

Tổng thống đắc cử Mỹ cũng kiện một đầu bếp nổi tiếng khác là Geoffrey Zakarian vì lý do tương tự. 

Chuyên đề