Đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Trung Quốc tăng mạnh trong tháng 11

Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào thị trường Trung Quốc Đại lục trong tháng 11/2017 đạt gần 125 tỷ nhân dân tệ (khoảng 19 tỷ USD), tăng 90,7% so với cùng kỳ năm 2017.
Vận chuyển hàng hóa tại cảng ở Thanh Đảo, tỉnh Sơn Đông, miền Đông Trung Quốc. (Nguồn: AFP/TTXVN)
Vận chuyển hàng hóa tại cảng ở Thanh Đảo, tỉnh Sơn Đông, miền Đông Trung Quốc. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Động lực lớn nhất thúc đẩy tốc độ tăng trưởng đầy ấn tượng này là sự gia tăng nhanh chóng về số lượng các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được thành lập mới. Tuy nhiên, hoạt động đầu tư trực tiếp ra nước ngoài phi tài chính (ODI) của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới trong 11 tháng qua lại xuất hiện xu hướng suy giảm so với một năm trước đây.

Phóng viên TTXVN tại Bắc Kinh dẫn phát biểu của người phát ngôn Bộ Thương mại Trung Quốc (MOC) Cao Phong tại buổi họp báo ngày 14/12 cho biết con số các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được thành lập mới trong tháng 11/2017 đã tăng tới 161,5% lên 4.641 doanh nghiệp. Đây là nguyên nhân chính khiến lượng FDI đổ vào Trung Quốc tăng trưởng đột biến so với tháng 10/2017 (tăng 5%).

Tính gộp trong 11 tháng qua, đã có tổng cộng 30.815 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được thành lập mới tại Trung Quốc (tăng 26,5% so với cùng kỳ năm ngoái), với số vốn FDI đổ vào thị trường đạt 803,62 tỷ nhân dân tệ (khoảng 126 tỷ USD), tăng 9,8% so với cùng kỳ năm 2016, và cao hơn nhiều so với tốc độ tăng trưởng chỉ 1,9% trong 10 tháng đầu năm nay.

Ông Cao Phong cho biết lĩnh vực dịch vụ của Trung Quốc đã chứng tỏ năng lực hết sức mạnh mẽ trong hoạt động thu hút đầu tư nước ngoài, trong khi lượng FDI đổ vào lĩnh vực công nghiệp chế tạo vẫn tiếp tục tăng vững. Trong khoảng thời gian từ tháng 1-11/2017, lĩnh vực dịch vụ của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đã thu hút được 582,75 tỷ nhân dân tệ FDI (tương đương 86 tỷ USD), tăng 13,5%, và chiếm 72,5% tổng lượng FDI. Trong cùng kỳ, lĩnh vực công nghiệp chế tạo thu hút được 207,76 tỷ nhân dân tệ FDI (tương đương 30 tỷ USD), tăng 0,2% và chiếm 25,9% tổng lượng FDI.

Trái ngược với tình hình khả quan trong hoạt động thu hút FDI, bức tranh ODI của Trung Quốc thời gian qua lại thể hiện nhiều gam màu xám. Số liệu chính thức của MOC cho thấy trong 11 tháng đầu năm, ODI sụt giảm 33,5% so với cùng kỳ năm 2016, thấp hơn so với mức độ suy giảm 40,9% trong 10 tháng đầu năm. Cụ thể, các nhà đầu tư Trung Quốc đã đầu tư tổng cộng 107,55 tỷ USD vào 5.796 doanh nghiệp tại 174 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.

Trong 11 tháng qua, dự án ODI của các doanh nghiệp Trung Quốc chủ yếu tập trung vào những lĩnh vực như dịch vụ cho thuê và thương mại, chế tạo công nghiệp, bán buôn và bán lẻ, và công nghệ thông tin; đồng thời không xuất hiện thêm bất cứ dự án ODI mới nào trong các lĩnh vực bất động sản, thể thao hoặc giải trí. Người phát ngôn MOC khẳng định tình trạng đầu tư “phi lý tính” đã được ngăn chặn một cách hiệu quả.

ODI của Trung Quốc đã tăng trưởng hết sức nhanh chóng trong những năm gần đây. Tuy nhiên, các cơ quan quản lý của Trung Quốc kể từ năm 2016 đã đưa ra nhiều quy định ngày càng chặt chẽ và khuyến cáo các doanh nghiệp nước này cân nhắc thận trọng hơn đối với những quyết định đầu tư ra nước ngoài.

Trong “Chỉ thị về việc tiếp tục định hướng hoạt động đầu tư ra nước ngoài,” được ban hành vào giữa tháng Tám năm nay, Quốc vụ viện (Chính phủ) Trung Quốc đã tuyên bố hạn chế các dự án ODI trong những lĩnh vực như bất động sản, khách sạn, rạp chiếu phim và câu lạc bộ giải trí, đồng thời nghiêm cấm đầu tư vào những lĩnh vực như sòng bạc.

Tiếp đó, Ủy ban Phát triển và Cải cách Quốc gia Trung Quốc (NDRC) ngày 3/11 đã đưa ra dự thảo “Biện pháp quản lý đầu tư ra nước ngoài của các doanh nghiệp,” trong đó đưa hoạt động đầu tư ở nước ngoài của các công ty được doanh nghiệp nội địa thành lập bên ngoài lãnh thổ Trung Quốc vào khuôn khổ quản lý./.

Chuyên đề