Con đường từ giáo viên tiếng anh đến tỷ phủ công nghệ của Jack Ma

(BĐT) - Jack Ma, doanh nhân giàu có đứng đằng sau gã khổng lồ thương mại điện tử Trung Quốc Alibaba, sẽ chuyển giao quyền lực tại công ty mà ông đồng sáng lập cách đây gần hai thập kỷ trước.
Ảnh Internet
Ảnh Internet

Theo CNN, hôm thứ Hai (10/9), tỷ phú Jack Ma cho biết ông sẽ từ chức vị trí Chủ tịch Alibaba vào năm tới, mở ra một kỷ nguyên mới cho công ty trị giá 420 tỷ USD. Từ một website được điều hành tại căn hộ của Jack Ma, “đế chế” Alibaba đã vươn lên trở thành doanh nghiệp công nghệ hàng đầu thế giới. Hoạt động của hãng được trải rộng trên nhiều lĩnh vực, từ điện toán đám mây, ngân hàng số tới tin nhắn trực truyến và sản xuất phim.

Jack Ma, người thẳng thắn ủng hộ toàn cầu hóa, sẽ bắt đầu chuyển giao vai trò của mình vào một thời điểm nóng về chính trị. Mỹ và Trung Quốc đang trong cuộc chiến thương mại leo thang. Trong khi đó, nền kinh tế Trung Quốc đang có dấu hiệu chậm lại.

Tuy nhiên, Duncan Clark – tác giả cuốn “Alibaba: The Houst That Jack Ma Built” – không cho rằng thông báo nghỉ hưu của ông Ma xuát phát từ mối lo căng thẳng địa chính trị. “Ông ấy từ lâu đã nói về mong muốn trở lại điểm xuất phát của mình là một giáo viên”, ông Clark cho biết. Do đó, kế hoạch nghỉ hưu của ông Ma “không phải là bất ngờ lớn”. 

“Câu chuyện Hollywood”

Jack Ma sinh ra trong một gia đình nghèo tại Hàng Châu, Chiết Giang (Trung Quốc) vào năm 1964. Ông từng bị Đại học Harvard từ chối 10 lần và liên tục bị khước từ khi đi xin việc. Ông trượt đại học 2 lần trước khi theo học tại Trường cao đẳng Sư phạm Hàng Châu. Ông tốt nghiệp năm 1988 và ở lại trường dạy tiếng Anh trong nhiều năm.

Trong một cuộc phỏng vấn với tờ The New York Times năm 2005, ông Ma mô tả sự đi lên của ông để trở thành một trong những ông trùm công nghệ nổi tiếng nhất Trung Quốc là một “câu chuyện Hollywood”.

Năm 1995, Jack Ma đến California để giúp thu khoản nợ mà một doanh nhân Mỹ nợ một công ty Trung Quốc. Tuy nhiên, vị doanh nhân Mỹ này đã giam giữ ông trong một biệt thự ở Malibu suốt 2 ngày. Ông thoát ra được sau khi hứa sẽ hợp tác với vị doanh nhân trong một công ty Internet.

Sau đó, Jack Ma không liên lạc với vị doanh nhân kia, nhưng ông đã hỏi bạn bè ở Seattle về Internet. Được truyền cảm hứng về công nghệ, ông trở lại Trung Quốc, nơi mà Internet chưa được biết đến.

“Ngày chúng tôi kết nối với web, tôi đã mời bạn bè và phóng viên truyền hình đến nhà tôi. Chúng tôi đã đợi 3 tiếng rưỡi và chỉ tải được một nửa trang. Chúng tôi đã uống rượu, xem TV và chơi bài trong lúc chờ đợi. Nhưng tôi rất tự hào, Tôi đã chứng minh được rằng có Internet”, ông Ma chia sẻ với New York Times.

Xây dựng Alibaba

Con đường từ giáo viên tiếng anh đến tỷ phủ công nghệ của Jack Ma ảnh 2

Ông Ma đã bỏ công việc giảng dạy và đi vay 2.000 USD để mở China Pages, một trong những website thương mại điện tử đầu tiên của Trung Quốc. Sau khi dự án thất bại, ông tiếp tục huy động gần 60.000 USD từ bạn bè và các nhà đầu tư để thành lập Alibaba vào năm 1999. Website thương mại điện tử B2B này sớm nhận được sự hậu thuẫn từ những ông lớn như Goldman Sachs và SoftBank.

Alibaba đã sống sót sau bong bóng công nghệ khủng khiếp nhất lịch sử vào năm 2000, công ty bắt đầu thu được lợi nhuận một vài năm sau đó. Năm 2003, Alibaba ra mắt Taobao.com – một trang đấu giá tương tự eBay, và đó là một thành công đột phá.

Yahoo đã mua một lượng cổ phần lớn trong Alibaba vào năm 2005 với giá trị 4 tỷ USD, đồng thời cho phép Alibaba kiểm soát các hoạt động của hãng tại Trung Quốc.

Trong một thập niên sau đó, Alibaba đã thu hút được thêm hàng triệu khách hàng; và có công lớn trong việc thay đổi xã hội Trung Quốc bằng cách giúp người dân lao động tiếp cận với thương mại trực tuyến và tạo ra nhiều công ăn việc làm mới.

Thương vụ IPO kỷ lục

Con đường từ giáo viên tiếng anh đến tỷ phủ công nghệ của Jack Ma ảnh 3

Alibaba ra mắt trên Sàn Giao dịch chứng khoán New York vào tháng 9/2014 và thu về 25 tỷ USD vốn huy động. Tuy nhiên, những ngày đầu giao dịch, cổ phiếu Alibaba đã phải vật lộn để đáp ứng kỳ vọng to lớn của Phố Wall.

“Chúng tôi tin khách hàng là số 1, nhân viên là số 2, và cổ đông là số 3. Nếu họ không muốn mua cổ phiếu của chúng tôi, điều đó không sao cả… Họ có thể bán chúng đi. Tôi tôn trọng các cổ đông, song họ chỉ đứng thứ ba. Bởi khi bạn chăm sóc khách hàng, chăm sóc nhân viên thật tốt, thì cổ đông sẽ được chăm sóc”, ông Ma trả lời phỏng vấn đài CBS năm đó.

Ông Ma sau đó đã bày tỏ sự hối tiếc vì thực hiện IPO. “Nếu tôi có thêm một cuộc đời khác, tôi sẽ giữ công ty cho riêng mình”, ông nói.

Luôn hướng tới tương lai

Tỷ phú Jack Ma hiện sở hữu khối tài sản khoảng 40 tỷ USD vẫn là gương mặt của Alibaba. Tuy nhiên, ông đã bắt đầu dần dần tử bỏ quyền kiểm soát công ty trong vài năm trước. Ông từ chức CEO vào năm 2013 và giữ vai trò Chủ tịch. CEO hiện tại của Alibaba là ông Daniel Zhang – người sẽ trở hành Chủ tịch sau khi ông Ma thôi chức vào năm 2019.

Tuy nhiên ông Clark cho rằng Jack Ma sẽ không hoàn toàn cắt đứt ràng buộc với công ty. “Ông Ma có một vị trí quan trọng tại Alibaba cho dù ở cương vị nào đi nữa”, ông Clark nhận định.

Trả lời phỏng vấn với Bloomberg TV, ông Ma cho biết mong muốn trở lại giảng dạy vào một ngày nào đó trong tương lai. “Đây là công việc tôi nghĩ rằng mình có thể làm tốt hơn chức vụ Chủ tịch Alibaba”, ông Ma chia sẻ.

Vị tỷ phú này cũng cho biết ông đang dành nhiều thời gian và tài sản của mình để làm từ thiện với mong muốn thành lập một quỹ quyên góp tập trung vào giáo dục, giống như Bill Gates – người đã cam kết quyên góp từ thiện ít nhất một nửa số tài sản của mình trong suốt cuộc đời.

Chuyên đề