Có J-20 tối tân, Trung Quốc vẫn phải mua tiêm kích Su-35 Nga

Bất chấp những ngôn từ to tát về khả năng của tiêm kích tàng hình J-20, Trung Quốc vẫn mua lô máy bay Su-35 của Nga trị giá 2 tỷ USD.
Tiêm kích đa năng Su-35 của Không quân Nga. Ảnh: National Interest.
Tiêm kích đa năng Su-35 của Không quân Nga. Ảnh: National Interest.

Sau khi Trung Quốc ra mắt tiêm kích tàng hình J-20 bằng màn biểu diễn hoành tráng tại triển lãm hàng không Chu Hải cùng những lời tung hô của truyền thông nước này về chiếc máy bay tối tân, chính phủ Nga cho biết sắp bàn giao 4 chiếc đầu tiên trong số 24 chiến đấu cơ Su-35 cho Trung Quốc. Hợp đồng trị giá ít nhất 2 tỷ USD, được ký kết cuối năm ngoái, theoNational Interest.

Nga dự kiến chuyển giao lô Su-35 đầu tiên cho Trung Quốc vào cuối năm nay, số  còn lại sẽ được bàn giao trong vòng 3 năm tới. Nga phải đưa ra nhiều điều kiện trong hợp đồng để bảo vệ bản quyền công nghệ trên máy bay Su-35, tránh tình trạng Trung Quốc sao chép trái phép như những gì đã xảy ra với phiên bản Su-27 và Su-30.

Theo các chuyên gia phân tích quân sự, Trung Quốc vẫn quyết tâm mua Su-35 của Nga bởi chiếc máy bay này sở hữu nhiều công nghệ quan trọng có thể góp phần hoàn thiện tiêm kích tàng hình J-20 của họ.

Dù J-20 có nhiều đặc điểm của máy bay thế hệ thứ năm, Bắc Kinh vẫn chưa thể làm chủ công nghệ chế tạo động cơ và hệ thống điện tử phức tạp. Động cơ Saturn AL-41F1S, radar Irbis-E và hệ thống thiết bị tác chiến điện tử của Su-35 chắc chắn sẽ thu hút Trung Quốc.

Bắc Kinh đến nay chưa hoàn thiện nổi động cơ nội địa WS-10 cho tiêm kích J-11 và J1-6, nên họ sẽ còn rất lâu mới chế tạo thành công mẫu động cơ WS-15 cho tiêm kích J-20. Động cơ này được cho là mới ở giai đoạn thử nghiệm trên mặt đất, cần thêm nhiều thời gian trước khi kiểm tra trên không.

Tại triển lãm hàng không Chu Hải, những chiếc J-20 bị nghi dùng động cơ AL-31FM2 của tiêm kích Su-27SM Nga. Khi mua được Su-35 và động cơ AL-41F1S, Trung Quốc có thể sẽ tìm được hướng đi mới cho bài toán động cơ của mình.

J-20 vẫn phải sử dụng động cơ của Su-27SM nhập khẩu từ Nga. Ảnh: Reuters.

Giới phân tích quân sự Trung Quốc cho rằng tiêm kích J-20 có thể được trang bị radar mảng pha chủ động (AESA) nội địa mang tên KLJ-5. Không có cách nào để chứng thực thông tin này, nhất là khi PLAAF luôn giữ kín mọi chi tiết về các dự án đang phát triển. Tuy nhiên, hầu hết chuyên gia quốc tế đều cho rằng công nghệ radar của Nga vẫn vượt xa Trung Quốc. Việc nắm trong tay radar N035 Irbis-E được trang bị trên Su-35 sẽ mang lại nhiều kiến thức quý báu về công nghệ radar cho Bắc Kinh.

Lợi thế duy nhất của Trung Quốc là hệ thống chỉ thị mục tiêu quang - điện tử và hồng ngoại. Nga bị tụt hậu trong lĩnh vực này kể từ khi Liên Xô tan rã năm 1991. Máy bay J-20 được trang bị một tổ hợp quang - điện tử EOTS-89 bên dưới mũi. Tuy nhiên, các chuyên gia quân sự quốc tế không có thông tin nào về hệ thống này, cho rằng nó có thể vẫn thua kém những sản phẩm cùng loại của Mỹ và Israel.

Truyền thông Trung Quốc tung hô J-20 là một "tuyệt tác" của ngành hàng không quân sự nước này, có thể đánh bại tiêm kích tàng hình hiện đại F-22 của Mỹ. Tuy nhiên, nếu J-20 thực sự mạnh như quảng bá, Trung Quốc chắc hẳn đã không phải ký hợp đồng mua tiêm kích thế hệ 4 Su-35 của Nga như vậy, cây bút Dave Majumdar của National Interest nhận định. 

Chuyên đề