Chứng khoán Mỹ tăng điểm nhờ dữ liệu kinh tế khả quan

Chỉ số Nasdaq đóng cửa ở mức kỷ lục phiên thứ hai liên tiếp, hai chỉ số Dow Jones và S&P 500 cũng đi lên...
Một nhà giao dịch cổ phiếu trên sàn NYSE ở New York hôm 4/6 - Ảnh: Reuters.
Một nhà giao dịch cổ phiếu trên sàn NYSE ở New York hôm 4/6 - Ảnh: Reuters.

Chỉ số Nasdaq của thị trường chứng khoán Mỹ đóng cửa ở mức kỷ lục lần thứ hai liên tiếp trong phiên giao dịch ngày thứ Ba, nhờ cổ phiếu công nghệ đồng loạt tăng. Hai chỉ số Dow Jones và S&P 500 cũng đi lên nhờ dữ liệu kinh tế khả quan.

Tuy vậy, cổ phiếu ngân hàng giảm điểm cùng với lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ, khi các nhà đầu tư tỏ ra ưa thích trái phiếu hơn là những cổ phiếu phòng vệ như nhóm dịch vụ công cộng và hàng tiêu dùng.

Hoạt động của ngành dịch vụ Mỹ tăng tốc trong tháng 5, phản ánh tốc độ tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ trong quý 2, dù nỗi lo chiến tranh thương mại và tình trạng thiếu lao động đang đặt ra rủi ro đối với triển vọng của nền kinh tế lớn nhất thế giới - hãng tin Reuters cho hay.

"Nền kinh tế tiếp tục là một nền tảng rất vững chãi cho thị trường chứng khoán. Điều có vẻ như khiến thị trường lo ngại ngày hôm nay là khả năng giảm tốc tăng trưởng bên ngoài nước Mỹ", bà Tracie McMillion, trưởng bộ phận chiến lược phân bổ tài sản toàn cầu thuộc Wells Fargo Investment Institute ở Winston-Salem, North Carolina, nhận định.

Các nhà đầu tư đang hy vọng vào những tín hiệu ổn định chính trị ở Italy, khi Chính phủ mới của nước này giành chiến thắng trong cuộc bỏ phiếu tín nhiệm tại Thượng viện và tân Thủ tướng cam kết sẽ có những cải tổ mạnh mẽ, bao gồm tăng cường phúc lợi và siết chặt quản lý người nhập cư.

"Các nhà đầu tư hiện đang lo ngại về sự giảm tốc tăng trưởng ở các thị trường mới nổi và liệu Italy có thể ổn định chính phủ của họ. Kết quả cuộc bỏ phiếu tín nhiệm sẽ giúp ích cho thị trường", bà McMillion nhận xét.

Lúc đóng cửa, Dow Jones tăng 0,06%, đạt 24.799,98 điểm. S&P 500 tăng 0,07%, đạt 2.748,8 điểm. Nasdaq tăng 0,41%, đạt 7.637,86 điểm, một mức điểm cao chưa từng thấy.

Cú huých mạnh nhất cho phiên tăng này của Nasdaq đến từ cổ phiếu hãng bán lẻ trực tuyến Amazon.com. Tăng 1,9%, cổ phiếu Amazon cũng dẫn đầu sự tăng điểm của nhóm cổ phiếu hàng tiêu dùng thiết yếu thuộc S&P 500.

Tăng 0,8%, Apple là cổ phiếu có mức tăng mạnh thứ hai trong Nasdaq phiên này.

Chỉ số VIX đo lường sự biến động kỳ vọng trong ngắn hạn của S&P 500 đóng cửa giảm 0,34 điểm, còn 12,4 điểm, mức thấp nhất kể từ ngày 26/1.

Nhóm tài chính là nhóm cổ phiếu gây áp lực giảm lớn nhất lên S&P 500, với mức giảm 0,4%. Cổ phiếu Bank of America và Citibank cùng giảm khoảng 0,9%. Cổ phiếu ngân hàng thường tăng, giảm cùng với lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ vì lợi suất cao hơn đồng nghĩa lãi suất tăng và lợi nhuận cao hơn cho các nhà băng.

Bà Liz Ann Sonders, chiến lược gia trưởng về đầu tư thuộc Charles Schwab Corp ở New York, nói rằng dữ liệu ngành dịch vụ Mỹ công bố ngày thứ Ba là "rất tốt", nhưng nhấn mạnh việc chỉ số giá dịch vụ tăng khá mạnh lên mức 64,3 điểm trong tháng 5 từ mức 61,8 điểm trong tháng 4.

"Chúng ta bắt đầu chứng kiến những dấu hiệu cho thấy lạm phát bắt đầu được đẩy mạnh", bà Sonders nói.

Với lạm phát tăng, tốc độ tăng lãi suất có thể được Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đẩy nhanh, gây bất lợi cho tăng trưởng và thị trường chứng khoán.

Cổ phiếu mạng xã hội Twitter và cổ phiếu hãng dịch vụ thuê phim Netflix đóng cửa với mức tăng tương ứng 5,1% và 1,1% sau khi có tin hai cổ phiếu này sẽ được đưa vào S&P 500.

Trái lại, cổ phiếu của các công ty thực phẩm đóng gói của Mỹ đồng loạt giảm sau khi Mexico áp thuế quan lên nhiều nông sản nhạy cảm của Mỹ, từ thịt lợn tới rượu whiskey và một số loại pho mát. Cổ phiếu Kellogg và General Mills cùng giảm khoảng 2%.

Trên sàn NYSE, số cổ phiếu tăng giá trong phiên này nhiều gấp 1,43 lần số cổ phiếu giảm giá. Trên sàn Nasdaq, tỷ lệ tương ứng là 1,79 lần.

Có tổng cộng 6,58 tỷ cổ phiếu được các nhà giao dịch ở Phố Wall chuyển nhượng trong phiên này, so với mức bình quân 6,64 tỷ cổ phiếu mỗi phiên của 20 ngày giao dịch gần nhất.

Chuyên đề