Chứng khoán châu Á xuống đáy 3 tháng rưỡi

Thị trường chứng khoán Trung Quốc đã trải qua một phiên giằng co mạnh, với dấu hiệu có sự hỗ trợ của quỹ nhà nước...
Giới đầu tư toàn cầu đang đối mặt mối lo lớn từ chiến tranh thương mại Mỹ-Trung.
Giới đầu tư toàn cầu đang đối mặt mối lo lớn từ chiến tranh thương mại Mỹ-Trung.

Những bước leo thang mới của chiến tranh thương mại Mỹ-Trung gây sức ép lên thị trường chứng khoán châu Á trong phiên giao dịch ngày thứ Ba. Tuy nhiên, phát biểu của Tổng thống Donald Trump rằng ông hy vọng đàm phán thương mại sẽ thành công đã giúp giải tỏa phần nào nỗi lo của nhà đầu tư.

Theo tin từ Reuters, thị trường chứng khoán Trung Quốc đã trải qua một phiên giằng co mạnh. Vào đầu phiên, các chỉ số chứng khoán tại Trung Quốc đại lục đã giảm mạnh, sau đó liên tục thay đổi trạng thái giữa "đỏ" và "xanh", rồi kết thúc phiên với mức giảm nhẹ. 

Giới phân tích cho rằng biến động mạnh của chứng khoán Trung Quốc trong phiên này là một dấu hiệu cho thấy có sự can thiệp của các quỹ nhà nước nhằm cứu thị trường khỏi một phiên giảm sâu.

Tối ngày thứ Hai theo giờ Mỹ, ông Trump nói đàm phán thương mại Mỹ-Trung "sẽ rất thành công". Tuyên bố này giúp các chỉ số chứng khoán tương lai của Mỹ tăng nhẹ, đảo ngược phiên "đỏ lửa" ở Phố Wall vào ngày thứ Hai, dù tâm lý nói chung của nhà đầu tư vẫn còn mong manh.

Hôm thứ Hai, Trung Quốc đã "tung đòn" đáp trả Mỹ bằng cách tăng thuế quan lên 60 tỷ USD hàng hóa Mỹ. Đây là câu trả lời của Bắc Kinh đối với việc chính quyền ông Trump hôm thứ Sáu tăng thuế trừng phạt từ 10% lên 25% đối với 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc.

Chỉ số MSCI châu Á-Thái Bình Dương không bao gồm Nhật Bản giảm 1,1% vào lúc khoảng 3h chiều ngày thứ Ba theo giờ Việt Nam. Trước đó, chỉ số có lúc giảm 1,25%, xuống mức thấp nhất kể từ ngày 30/1.

Chỉ số Shanghai Composite Index của chứng khoán Trung Quốc giảm 0,7%. Chỉ số Hang Seng của chứng khoán Hồng Kông sụt hơn 1,5% khi đóng cửa.

Tại thị trường Nhật Bản, chỉ số Nikkei 225 chốt phiên giảm 0,6%, trong đó cổ phiếu tập đoàn công nghệ SoftBank sụt hơn 5,4%.

Thị trường Hàn Quốc đi ngược xu hướng chung của khu vực, với chỉ số Kospi chốt phiên tăng hơn 0,1%. Chỉ số ASX 200 của chứng khoán Australia giảm 0,9%.

Chuyên gia kinh tế Prakash Sakpal thuộc ngân hàng ING ở Singapore nói rằng biến động trên thị trường chứng khoán khu vực và toàn cầu những ngày gần đây cho thấy sự leo thang của chiến tranh thương mại Mỹ-Trung đã khiến thị trường hoảng loạn tới mức nào.

"Chúng tôi cho rằng tình trạng này của thị trường sẽ không sớm chấm dứt, mà sẽ còn kéo dài cho tới khi có một giải pháp nào đó, như một cuộc đối thoại, hay triển vọng đạt thỏa thuận trở nên chắc chắn. Tuy nhiên, vào lúc này, hy vọng đó là khá mong manh", ông Sakpal nói với hãng tin Reuters.

"Các chính trị gia sẽ không quá chú trọng tình hình thị trường cho tới khi mọi thứ trở nên tồi tệ hơn. Bởi vậy, rất khó có một giải pháp sớm cho sự gián đoạn đàm phán gần đây nếu chỉ dựa vào biến động thị trường", chiến lược gia Kerry Craig thuộc JPMorgan Chase Asset Management nhận định.

"Ngoài ra, vẫn chưa có lịch cụ thể nào cho cuộc gặp tiếp theo giữa các nhà đàm phán Trung Quốc và Mỹ. Cho tới khi đó, thị trường sẽ còn tiếp tục biến động".

Hiện tại, cả Mỹ và Trung Quốc đều thể hiện thái độ cứng rắn. Mỹ đã chuẩn bị sẵn sàng cho việc áp thuế 25% lên thêm khoảng 300 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc, cho dù ông Trump tuyên bố sẽ gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bên lề thượng đỉnh G20 tại Nhật Bản vào cuối tháng 6. Trung Quốc thì đã thề "không bao giờ đầu hàng sức ép từ bên ngoài" và sẽ có sự đáp trả tương xứng đối với bất kỳ hành động thương mại nào của Mỹ.

Trong bối cảnh kinh tế Mỹ đối mặt nguy cơ suy giảm do tác động của chiến tranh thương mại, nhiều nhà phân tích lại đang nói đến khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) giảm lãi suất trong 2019. Dữ liệu từ sàn CME cho thấy thị trường đang đặt cược khả năng 70% FED có một đợt hạ lãi suất trong thời gian từ nay đến cuối năm.

Trong một dấu hiệu cho thấy nguy cơ suy thoái xuất hiện đối với kinh tế Mỹ, đường cong lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ lại đảo ngược, với lợi suất trái phiếu 10 năm giảm dưới lợi suất tín phiếu kỳ hạn 3 tháng. Trong 50 năm qua, tình trạng đảo ngược kéo dài của đường cong lợi suất luôn báo hiệu trước suy thoái kinh tế Mỹ.

Một số nhà giao dịch cũng đang lo ngại rằng Trung Quốc, chủ nợ lớn nhất của Chính phủ Mỹ, có thể bán tháo trái phiếu kho bạc Mỹ để trả đũa. Tuy nhiên, hầu hết các nhà phân tích đều cho rằng điều này sẽ không xảy ra, bởi Trung Quốc làm vậy sẽ không khác gì "tự sát".

Tỷ giá đồng Nhân dân tệ có lúc chạm mức đáy mới kể từ đầu năm trong phiên hôm nay, nhưng đã hồi phục sau đó. Đồng Nhân dân tệ giao dịch ngoài thị trường Trung Quốc đại lục tăng gần 0,2% vào cuối phiên, đứng ở 6,9 Nhân dân tệ đổi 1 USD. Tại thị trường Trung Quốc đại lục, Nhân dân tệ cũng tăng nhẹ sau khi chạm đáy 4 tháng vào phiên ngày thứ Hai, lên gần 6,88 Nhân dân tệ/USD.

Chuyên đề