Chuẩn bị tử chiến, IS ngày đêm gia cố thành lũy lớn nhất ở Iraq

Nhà nước Hồi giáo đang dựng hàng loạt bức tường chắn và chiến hào tại các điểm trọng yếu ở Mosul để cố thủ trước kế hoạch tấn công của quân chính phủ Iraq.
Một tay súng cầm cờ IS trên đường phố Mosul sau khi nhóm chiếm giữ thành phố hồi tháng 6/2014. Ảnh: Reuters
Một tay súng cầm cờ IS trên đường phố Mosul sau khi nhóm chiếm giữ thành phố hồi tháng 6/2014. Ảnh: Reuters

Tại thành phố Mosul, phía bắc Iraq, các tay súng Nhà nước Hồi giáo (IS) hiểu rõ rằng họ có thể sắp bị tấn công dồn dập. Nơi đây đang lan truyền nhanh chóng tin đồn về việc quân đội Iraq cùng các lực lượng hỗ trợ chuẩn bị phát động cuộc tấn công tái chiếm Mosul, thành trì lớn cuối cùng nhóm phiến quân còn lại ở Iraq, sớm nhất là trong tháng 10 này.

Do đó, IS đang khẩn trương ngày đêm gia cố hệ thống phòng thủ cho thành phố, nơi chúng giành quyền kiểm soát cách đây hơn hai năm, theo trang tin Niqash.

Dựng tường chắn

Người dân địa phương cho biết trong hai tuần qua, những đoàn xe cơ giới hạng nặng cùng máy móc xây dựng hoạt động không ngừng nghỉ ở Mosul.

"Xe tải của hội đồng thành phố chở những tấm chắn bê tông đến các vùng ngoại vi. Những cần trục lớn liên tục bốc dỡ các tấm chắn này và chúng được sắp xếp tương tự như cách quân đội Iraq đã làm trước đây khi họ còn kiểm soát Mosul", một người dân địa phương giấu tên cho biết.

Các nhân chứng ở Mosul xác nhận tại rìa phía nam thành phố, xung quanh những khu vực như Mamoun, Tal al-Rumman hay Mansour, IS đã dựng xong bức tường bê tông cao tới ba mét.

Một số người cho hay bức tường tương tự cũng xuất hiện ở rìa phía đông Mosul, gần các khu vực Somar, Dumez và Falastin. Tại các khu vực Kokajli và Shamali, IS lại dựng những ngôi nhà lắp ghép nhằm ngăn chặn quân đội người Kurd thiết lập vòng vây ở đây.

Tuy nhiên, là thành phố lớn thứ hai Iraq, chỉ sau Baghdad, với hơn hai triệu cư dân sinh sống, Mosul quá rộng lớn nên IS không có cách nào để dựng một bức tường bao quanh nó. Đó là lý do vì sao nhóm chỉ xây tường chắn tại những khu vực gần các cửa ngõ đi vào thành phố và những nơi IS nghi ngờ đối phương sẽ phát động tấn công.

Theo người dân địa phương, khi lần đầu tiến vào Mosul hồi giữa năm 2014, IS huênh hoang tuyên bố tháo dỡ tất cả hàng rào bê tông mà quân đội Iraq đặt xung quanh thành phố vì chúng không còn cần thiết nữa. IS rêu rao rằng dưới sự cai trị của nhóm, an ninh ở Mosul sẽ được đảm báo. IS cũng tiến hành các chiến dịch vận động rầm rộ nhằm thuyết phục người dân tin tưởng vào sức mạnh của nhóm và đứng về phe tổ chức Hồi giáo cực đoan này.

Một chiếc xe tải của IS bên trong thành phố Mosul. Ảnh: BBC

Thế trận chiến hào

"Chiến tranh sắp ập đến và sự sống còn của vương quốc Hồi giáo chúng ta phụ thuộc vào sự kiên cường của Mosul khi đương đầu với những kẻ ngoại giáo", một giáo sĩ đạo Hồi, chừng 30 tuổi, nói trong cuộc trò chuyện gần đây với những tín đồ đang cầu nguyện tại đền thờ Umar ibn al-Khattab ở Nahrawan, Mosul.

"Các bạn có nghe về trận chiến của người Hồi giáo do đấng tiên tri Muhammad lãnh đạo vào năm 627 chưa? Các bạn có biết họ đã chiến thắng trong trận chiến đó? Người dân đi theo Muhammad và không phản bội ông ấy. Đó là lý do tại sao những người dân của Mosul cần kiên nhẫn và phải chịu đựng đói khát, sợ hãi. Họ cần phải ủng hộ IS và ngăn chặn bọn người ngoại giáo xâm chiếm thành phố này!", vị giáo sĩ hô hào trước các tín đồ.

Trận chiến mà vị giáo sĩ trên nói đến còn gọi là Trận al-Khandaq (Trận Chiến hào). Trong trận chiến này, nhà tiên tri Muhammad và những người dân ủng hộ ông đã đào chiến hào xung quanh thành phố Medina ở Arab Saudi và cố thủ bên trong khi hàng nghìn binh sĩ kẻ thù siết vòng vây bên ngoài. Đội quân kẻ thù không tài nào băng qua được chiến hào và cuối cùng phải rút lui do cạn kiệt lương thực và thời tiết khắc nghiệt.

Trên mạng xã hội, các thành viên IS cũng so sánh trận chiến sắp tới ở Mosul với Trận Chiến hào để lên dây cót tinh thần cho người dân. Những bức tường mà IS dựng lên ở Mosul có kèm bên cạnh một chiến hào, sâu hai mét, rộng hai mét. Chiến hào này đã được đào xong ở vùng rìa phía đông và phía bắc Mosul.

Trước đây, IS tìm cách đào hào cách biên giới thành phố 10 km nhưng sau đó, nhóm phải dừng lại do máy bay của liên quân oanh tạc liên tục, khiến nhiều xe cơ giới bị phá hủy.

Cũng giống như những bức tường chắn, các chiến hào không thể bao quanh hết toàn bộ Mosul nhưng chúng dường như có kết nối với một mạng lưới đường hầm bí mật mà IS đang xây dựng. Các đường hầm được thiết kế để chuẩn bị cho trường hợp IS buộc phải tiến hành tranh du kích bên trong thành phố.

Nhưng ngay cả những người dân sống ở Mosul hiện nay cũng biết rằng bên nào kiểm soát không phận sẽ làm chủ thế trận. Hàng rào và các chiến hào không thể ngăn chặn các lực lượng vũ trang tiến vào thành phố nếu họ có sự yểm trợ của không quân. IS chỉ có thể cầm cự tối đa ở Mosul trong vài tuần hoặc vài tháng, nếu may mắn, chuyên gia nhận định.

Một binh sĩ Đức đang huấn luyện các binh sĩ thuộc lực lượng vũ trang người Kurd ở thành phố Erbil, gần Mosul. Ảnh: Reuters 

Chuyên đề