Chiến lược cổ đại có thể giúp Philippines đối phó Trung Quốc ở Biển Đông

Áp dụng phương pháp đấu tranh trường kỳ, tận dụng sự ủng hộ từ đối tác, đồng minh có thể là cách để Philippines đối phó Trung Quốc trong tranh chấp ở Biển Đông.
Một nhà hoạt động Philippines giơ cao lá cờ của nước này khi một tàu bảo vệ bờ biển Trung Quốc đi qua. Ảnh:AFP
Một nhà hoạt động Philippines giơ cao lá cờ của nước này khi một tàu bảo vệ bờ biển Trung Quốc đi qua. Ảnh:AFP

Tòa Trọng tài  Thường trực do Liên Hợp Quốc bảo trợ ở The Hague, Hà Lan, ngày 12/7 ra phán quyết về vụ kiện của Philippines, khẳng định Trung Quốc không có cơ sở pháp lý để đòi quyền lịch sử với các nguồn tài nguyên bên trong yêu sách "đường lưỡi bò" hay còn gọi là "đường 9 đoạn" mà nước này đơn phương vạch ra, bao trùm gần hết diện tích Biển Đông. Tuy nhiên, vấn đề Manila đang gặp phải là dù họ nắm cơ sở pháp lý trong tay nhưng hiện nay không có bất kỳ bên nào đứng ra giám sát việc thực hiện phán quyết từ Tòa Trọng tài. Điều này đồng nghĩa những tranh chấp về chủ quyền đối với các đảo, bãi đã ở Biển Đông giữa Philippines và Trung Quốc chưa thể kết thúc, theo Foreign Policy.

Giáo sư James Holmes từ Trường Chiến tranh Hải quân Mỹ đánh giá nếu căng thẳng Biển Đông tiếp tục nóng lên, Philippines "không thể chiến thắng bằng vũ lực" nhưng hoàn toàn "có cơ hội giành thắng lợi bằng phương pháp đấu tranh thời bình". Theo ông, những chiến lược của tướng La Mã cổ đại Fabius Maximus hiện tại lại rất có ý nghĩa với giới lãnh đạo Philippines, có thể là chìa khóa giúp họ đánh bại Trung Quốc trong cuộc đối đầu trên Biển Đông.

Nhà độc tài Maximus khuyến khích xử lý xung đột thông qua những chiến lược và chiến thuật sáng tạo, xây dựng liên minh nhằm tăng sức mạnh, đồng thời đề cao việc củng cố đoàn kết ở ngay trong nội bộ một quốc gia.

Sách lược Fabius cơ bản gồm các điểm: Rèn luyện tính tự giác, kiềm chế tham vọng, hướng tới mục tiêu giành thắng lợi nhanh chóng. Không bao giờ đối đầu với một kẻ thù mạnh hơn theo những điều kiện có lợi cho đối phương. Củng cố liên minh, thường xuyên rèn luyện năng lực. Không lơ là hậu phương, vừa duy trì đoàn kết chính trị để chuẩn bị cho một cuộc chiến lâu dài vừa khéo léo sử dụng nguồn lực quốc gia. Cuối cùng, luôn phải kiên nhẫn, khiến đối thủ kiệt quệ dần theo thời gian, từ từ dẫn tới một nền hòa bình chấp nhận được.

Đây chính xác là biện pháp mà Maximus sử dụng để đối phó với những đối thủ chênh lệch về sức mạnh, đồng thời là đường hướng mà Philippines cần đi theo trong cuộc chiến với Trung Quốc, ông Holmes nhận định.

Chiến lược trước đối thủ lớn

Trong vấn đề tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông, không thể kiềm chế Trung Quốc thông qua con đường ngoại giao cũng như không có tiềm lực quân sự đủ mạnh để răn đe đối thủ, Manila chọn cách kiện Bắc Kinh ra tòa án quốc tế và đã đứng ở thế thắng sau khi phán quyết được công bố hồi tháng trước. Song, Trung Quốc khẳng định sẽ không tuân thủ phán quyết từ tòa, thậm chí còn điều oanh tạc cơ bay qua bãi cạn Scarborough nhằm thách thức Philippines.

Bãi cạn Scarborough là tâm điểm tranh chấp giữa Trung Quốc và Philippines trên Biển Đông. Trung Quốc kiểm soát bãi cạn này từ tay Philippines vào năm 2012 rồi sau đó ngăn cản không cho ngư dân Philippines tới đây đánh bắt. Phán quyết của Tòa Trọng tài nêu rõ bãi cạn Scarborough nằm trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Philippines.

Theo Holmes, trước một Trung Quốc lấn át về sức mạnh và không khoan nhượng như thế, sách lược Fabius có thể sẽ phát huy tác dụng và giới lãnh đạo Philippines cần khéo léo vận dụng nó.

Trước tiên, Philippines phải vững vàng trên mặt trận tuyên truyền. Trung Quốc đang ráo riết thực thi chiến lược "chiến tranh trên ba mặt trận", sử dụng các biện pháp truyền thông, tâm lý và pháp lý để dẫn dắt dư luận theo chiều hướng có lợi cho họ. Philippines cần đáp trả bằng những câu chuyện của riêng mình và kể chúng thường xuyên như cách mà Trung Quốc đã làm. Phán quyết từ PCA nên trở thành điểm nhấn trong các câu chuyện như thế, Holmes nhận định.

Mặt khác, Philippines còn cần liên tục đưa ra những video, hình ảnh cho thấy Trung Quốc đang thực sự làm gì ở Biển Đông nhằm nhắc nhở các nước khác rằng họ rất dễ trở thành nạn nhân tiếp theo nếu Trung Quốc có thể đạt được những gì mình mong muốn mà không phải chịu bất kỳ tổn thất nào, Holmes đánh giá.

Fabius Maximus luôn khuyên những nhà cầm quyền La Mã nuôi dưỡng quan hệ với đồng minh vì đây là một nguồn bổ sung sức mạnh tối quan trọng cho đế chế. Tương tự như thế, Manila nên hướng nỗ lực định hình nhận thức sự việc vào các đối tác hiện tại và những đồng minh triển vọng.

Đối đầu quân sự không phải một lựa chọn khả dĩ bởi khoảng cách về sức mạnh hải quân đôi bên quá lớn.

Vai trò của các tổ chức đa quốc gia khó phát huy hiệu quả trong trường hợp này. Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc có thể hành động nhưng Trung Quốc hiện là thành viên thường trực của hội đồng và nắm quyền phủ quyết. Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) có thể hành động nhưng đây không phải một liên minh quân sự và tổ chức này chỉ được phép đưa ra quyết định dựa trên sự đồng thuận của tất cả các thành viên. Hồi tháng trước, ASEAN không thể ra tuyên bố chung về phán quyết "đường lưỡi bò" do có ý kiến phản đối từ Campuchia.

Tân Tổng thống PhilippinesRodrigo Duterte. Ảnh:AP

Thế nên xây dựng, củng cố những liên minh nhỏ, chính thức hoặc không chính thức, là một cách làm hợp lý trong bối cảnh hiện nay, Holmes đánh giá. Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte nên cẩn thận trước những phát ngôn ngụ ý rằng ông có thể đánh đổi chủ quyền lấy lợi ích kinh tế bởi nó sẽ khiến Washington, đồng minh thân cận của Manila, cảm thấy nản lòng.

"Tại sao Mỹ phải bận tâm bảo vệ thứ mà đồng minh muốn trao đi?", Holmes bình luận đồng thời nhấn mạnh Tổng thống Philippines cần kiên định và cho các cường quốc đồng minh thấy một lập trường vững vàng.

Bên cạnh đó, ổn định tình hình trong nước để sẵn sàng cho một cuộc đấu tranh lâu dài cũng là một nhiệm vụ cần đặt lên hàng đầu với giới lãnh đạo Philippines. Các cử tri nước này, giống như bất kỳ quốc gia nào khác, chắc chắn sẽ phản đối mạnh mẽ những lãnh đạo mặc cả chủ quyền và phẩm giá quốc gia. Song, Tổng thống Duterte dường như đã thấu hiểu bài học này từ khi lên nắm quyền. Ông từng dõng dạc tuyên bố phán quyết "đường lưỡi bò" là "không thể thương lượng".

Cuối cùng, muốn đánh bại Trung Quốc, Philippines cần phải tìm cách để kéo dài cuộc tranh đấu trên biển cho đến lúc nhiệt huyết của đối phương suy giảm, giống như sách lược mà Maximus vạch ra. Nhưng, chờ trong bao lâu và chờ đến khi nào là câu hỏi rất khó trả lời, Holmes nhấn mạnh.

Theo ông, Philippines cùng các đồng minh chỉ có thể hy vọng Trung Quốc sẽ dịu dần theo thời gian. Bắc Kinh không bao giờ bác bỏ cùng lúc tất cả các yêu sách chủ quyền trên biển bởi lo sợ bị mất uy tín trên trường quốc tế, song họ hoàn toàn có thể lặng lẽ gác lại tham vọng vì lợi ích hữu nghị khu vực.

Tuy nhiên, thực tế, Fabius Maximus không thể giúp La Mã giành thắng lợi trước tướng Hannibal Barca thuộc đế chế Carthage trong cuộc chiến tranh Punic lần hai diễn ra từ năm 218 đến 201 TCN. Tướng Cornelius Scipio mới là người làm nên thành công này. Chiến lược Maximus đề ra là chưa đủ. Ông đã phải liên tục tự bảo vệ mình trước sự công kích từ những cái đầu nóng muốn nhanh chóng giành chiến thắng quyết định.

Triết gia Florence Niccolo Machiavelli cho rằng Fabius Maximus đã không thể thoát khỏi lối tư duy thiên về phòng thủ và La Mã cần Scipio, một chỉ huy liều lĩnh. Chính Scipio đã lãnh đạo quân La Mã nghiền nát đội quân do Hannibal lãnh đạo ở Bắc Phi, tại trận Zama, kết thúc cuộc chiến tranh Punic lần hai.

Theo Holmes, đặt trong bối cảnh hiện tại, Manila lúc này buộc phải sử dụng sách lược trì hoãn và tạo dựng liên minh bởi họ không nắm trong tay những điều kiện để tiến hành một cuộc chiến như của Scipio. Thắt chặt mối quan hệ hợp tác, đồng minh với Mỹ, siêu cường đủ sức đối trọng với Trung Quốc, rõ ràng là một bước đi đầy tính chiến lược, ông quả quyết.

Hình ảnh được cho là oanh tạc cơ H-6K Trung Quốc bay qua bãi cạn Scarborough. Ảnh:Weibo

Chuyên đề