Chỉ có Mỹ mới cứu được thị trường dầu thô thế giới?

Giá dầu đã phục hồi một chút trong ba ngày giao dịch gần đây nhất, nhưng vẫn còn thấp hơn 70% so với thời điểm tháng 6.2014. Trong lúc này, Mỹ là nước duy nhất có thể thay đổi tình hình.
Ảnh: Reuters
Ảnh: Reuters

Trong ba ngày từ 20 đến 22.1, giá dầu phục hồi gần 25%. Song tính từ mức của hồi tháng 6.2014, giá dầu vẫn giảm khoảng 70%. Đã có sự hồi phục, nhưng triển vọng dài hạn cho giá dầu vẫn không tránh khỏi nhiều áp lực. Mỹ là nước duy nhất có thể thay đổi bối cảnh hiện tại.

Chuyên gia Ed Morse thuộc Citigroup cho hay: “Mỹ có thể giải cứu bằng cách đảo ngược sự mất cân đối cung - cầu đã dẫn đến chuyện giá cả lao dốc. Giá dầu thấp hơn là cần thiết để điều chỉnh nguồn cung, nhưng các nước thuộc Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và nhà sản xuất ngoài Mỹ đã im lặng trong thời gian qua. Một trong những dự báo ảm đạm là điều này sẽ còn tiếp tục và đem lại gánh nặng đối với sản lượng dầu thô Mỹ trong việc cân bằng thị trường trong ngắn hạn”.

Dù đã tăng trong vài ngày qua, mức giá khoảng 30 USD/thùng dầu thô hiện tại vẫn thấp hơn đáng kể so với mức giá dầu mà giới đầu tư dự báo vài năm trước đây. “Trừ phi sản lượng giảm đột ngột trong 3 - 6 tháng tới, rất khó để nhìn thấy chiều đi lên của giá dầu”, ông Morse viết thêm trong một ghi chú gửi đến các nhà đầu tư, đồng thời cắt giảm dự báo giá cho dầu Brent.

13 nước thuộc OPEC đã từ bỏ chính sách hạn chế sản lượng đã từng điều chỉnh giá dầu vào năm 2014, để mặc giá cả lao dốc nhằm siết chặt thị phần của các đối thủ cạnh tranh.

Chuyên gia Morse cho hay: “Gánh nặng cân bằng thị trường dầu mỏ lớn nhất đặt lên Mỹ. Tính đến nay, trong cuộc chiến dầu thô của ba phe: OPEC, nhà sản xuất dầu đá phiến và các nhà sản xuất khác, chỉ có dầu đá phiến là nao núng. Điều này khẳng định vai trò của họ như một nhà sản xuất có thể hành động nhanh chóng nhằm cắt giảm hoạt động khoan dầu, gia tăng giá cả”.

Chuyện các nhà sản xuất dầu đá phiến phải hành dộng để cắt giảm sản lượng là cần thiết, chứ không hẳn là sự lựa chọn. Morgan Downey, CEO hãng Money.net kiêm tác giả sách Dầu 101, cho hay trên trang Business Insider rằng Ả Rập Xê Út đã thêm 500 tỉ USD dự trữ tiền mặt khi giá bắt đầu giảm, và biết rằng nhà sản xuất dầu đá phiến dễ tổn thương nhất vì họ có nợ cao.

Hôm 21.1, báo cáo mới nhất từ hãng dịch vụ dầu mỏ Schlumberger đưa ra nhiều thông tin cho thấy các khách hàng lớn nhất của hãng đang kẹt tiền mặt chi tiêu. Công ty sa thải thêm 10.000 người trong quý này, nâng tổng số nhân viên mất việc lên 30.000 người.

Morgan Downey cho biết: “Các nhà sản xuất với chi phí cao đang bị xóa sổ từ từ, chắc chắn. Điều này sẽ khiến giá dầu phục hồi trở lại trong một năm hay một năm rưỡi tới”.

Chuyên đề