Châu Á vươn lên top đầu các thành phố cạnh tranh toàn cầu

Singapore, Tokyo, Hong Kong và Seoul (châu Á) lần lượt giữ vị trí từ bốn đến bảy trong bảng xếp hạng 44 thành phố cạnh tranh toàn cầu.
Singapore, một đại diện của Đông Nam Á, chiếm vị trí top 4 trong bảng xếp hạng các thành phố cạnh tranh nhất toàn cầu.
Singapore, một đại diện của Đông Nam Á, chiếm vị trí top 4 trong bảng xếp hạng các thành phố cạnh tranh nhất toàn cầu.

Báo cáo của Jones Lang LaSalle (JLL) và The Business of Cities tập trung nghiên cứu chỉ số cạnh tranh của 44 thành phố chủ chốt hàng đầu thế giới năm 2017. Tính cạnh tranh được xét đến thông qua 7 yếu tố: tình hình doanh nghiệp, chức năng thành phố cửa ngõ, quy mô thị trường, nền tảng cơ sở hạ tầng, tiếp cận tài năng, chuyên môn hóa - đổi mới, và năng lượng. Nhóm chỉ số này có ảnh hưởng lớn đến việc các nhà đầu tư, doanh nghiệp và nhân viên lựa chọn nơi phù hợp để sinh sống, làm việc và phát triển.

Nghiên cứu này lọc ra danh sách đặc biệt, đó là 7 đô thị nằm ở top cao nhất, trong đó các đại diện đến từ châu Á choáng hơn nửa bảng vàng. Theo đó, Singapore, Tokyo, Hong Kong và Seoul lọt vào top "Bảy ông lớn", xếp sau các tên tuổi lừng lẫy như: London, New York và Paris. Đây là những thành phố hội tụ các yếu tố cho sự thành công trong tương lai và giúp phát triển ngành công nghiệp bất động sản trong bối cảnh cảnh quan đô thị đang thay đổi nhanh chóng.

Báo cáo đặc biệt phân tích lý do 4 đô thị châu Á xuất hiện trong hơn nửa top 7 thành phố cạnh tranh toàn cầu. Singapore giữ vị trí thứ tư trong top bảy nhờ luôn không ngừng xây dựng vị thế là một thành phố cửa ngõ toàn cầu đúng nghĩa, cùng với tham vọng trở thành một đô thị thông minh. Singapore được kỳ vọng sẽ tiếp tục thúc đẩy, đổi mới nền kinh tế đồng thời thực hiện vai trò là một trung tâm cho các nền kinh tế và thu hút nhân tài.

Tokyo đứng ở vị trí thứ năm trong top bảy "Thành phố toàn cầu”, đánh dấu sự tái xuất tích cực kể từ vị trí thứ sáu vào năm 2015. Thủ đô Nhật Bản đã phải đối mặt với những thách thức với mức tăng trưởng kinh tế hạn chế trong vài thập kỷ qua và đang tiến hành các bước để toàn cầu hóa như các "Thành phố toàn cầu" khác. Lợi thế của Tokyo là khả năng thu hút tài năng quốc tế, vốn quốc tế và xây dựng mạng lưới liên kết quốc tế. Ngoài ra, Thế vận hội 2020 sẽ là một động lực cho sự hồi sinh của Tokyo nhờ vào những cải thiện cơ sở hạ tầng và chiến dịch toàn cầu hóa mạnh mẽ.

Hong Kong đứng ở vị trí thứ sáu nhờ bứt phá khỏi sự cạnh tranh gay gắt từ các thành phố khác của Trung Quốc đồng thời vượt qua nhiều lo ngại về định hướng tương lai xung quanh những bất ổn chính trị và khả năng chi trả.

Trong khi đó, Seoul đứng ở vị trí thứ bảy, xuất hiện với tư cách là gương mặt mới lọt vào danh sách các thành phố dẫn đầu năm 2017, trong khi các thành phố châu Á khác đã có mặt từ năm 2013. Seoul đã có những bước tiến nổi bật: mở cửa hội nhập ngày càng tăng, kết nối kỹ thuật số tiên tiến, sự xuất hiện của các tập đoàn trong lĩnh vực sáng tạo và sự phát triển cơ sở hạ tầng mạnh mẽ. Khi thị trường truyền thống dần đóng cửa, Seoul đang thu hút những tài năng quốc tế qua sự gia nhập của các công ty đa quốc gia khiến nơi đây trở nên cạnh tranh cao hơn bao giờ hết trên cấp độ toàn cầu.

Tiến sĩ Megan Walters, Giám đốc Nghiên cứu JLL châu Á Thái Bình Dương đánh giá, tại châu Á, các vấn đề như ô nhiễm không khí và sự chênh lệch trong cán cân thu nhập có thể cản trở nỗ lực của chính phủ trong việc gia tăng vị trí trong bảng xếp hạng.

Tốc độ tăng trưởng kinh tế của thành phố chịu ảnh hưởng bởi những bất ổn địa chính trị. Ngoài ra, sự gia tăng của chủ nghĩa bảo hộ trên toàn cầu và sự leo thang quân sự ở châu Á cũng đã làm thay đổi nhận thức về những thành phố an toàn hoặc có rủi ro cao hơn cho giới đầu tư.

Bám đuổi sát sao "Bảy ông lớn" này, một nhóm các thành phố cạnh tranh kế cận gồm 10 ứng cử viên đó là: Bắc Kinh, Thượng Hải, Los Angeles, Amsterdam, Chicago, San Francisco, Toronto, Madrid, Sydney và Washington DC.

Chuyên đề