CEO Facebook làm từ thiện cũng cần sáng tạo

Cuối năm 2015, để chào đón cô con gái bé bỏng mời ra đời, người sáng lập đồng thời là ông chủ của Facebook, Mark Zuckerberg và vợ Priscilla Chan đã tuyên bố sẽ trao tặng 99% tài sản tại Facebook trong suốt cuộc đời mình cho hoạt động từ thiện.
CEO Facebook làm từ thiện cũng cần sáng tạo

Việc trao tặng này đưa Zuckerberg bước vào đội ngũ của những “huyền thoại” - những vị tỷ phú đã trao tặng phần lớn tài sản của mình cho mục đích từ thiện như Warren Buffet và Bill Gates. Điều khác biệt là Zuckerberg đã bắt đầu hành động này ở độ tuổi còn khá trẻ, 31 tuổi.

Trước đó, khi Quỹ Bill & Melinda Gates được thành lập năm 2000, ông chủ của Microsoft đã bước sang tuổi 45. Hay Warren Buffet, Chủ tịch và CEO của Berkshire Hathaway Inc, tỷ phú với tài sản trị giá 64,2 tỷ USD, theo Bloomberg Billionaires, đã quyết định đóng góp hầu hết cổ phiếu tại Bershire cho Quỹ Bill & Melinda Gates khi ông 75 tuổi, sau cái chết của người vợ đầu tiên vào năm 2004.

Trong khi Zuckerberg cam kết sẽ đóng góp 99% cổ phiếu hiện tại của mình tại Facebook, giá trị của số cổ phiếu này đang không ngừng tăng trưởng. Cổ phiếu của Facebook đã tăng hơn 180% kể từ khi IPO vào năm 2012 và 90% các chuyên gia cho rằng giá trị của cổ phiếu sẽ còn lên cao nữa.

Quyết định cao đẹp của Mark Zuckerberg và vợ mình gây ấn tượng mạnh trên toàn cầu, không chỉ bởi số tiền đóng góp khổng lồ, hiện tại trị giá khoảng 46 tỷ USD, mà còn bởi cặp đôi này đã lựa chọn một cách thức thực hiện khác biệt so với những người đi trước.

Thay vì lập một quỹ tư nhân hay tổ chức từ thiện như Bill Gates đã làm, Chan Zuckerberg Initiative - tổ chức quản lý số tiền quyên góp, sẽ được thiết lập theo kiểu một công ty trách nhiệm hữu hạn (LLC). Đây không phải là hình thức mà các nhà hảo tâm đã từng làm.

Hiện tại, Quỹ Bill & Melinda Gates là tổ chức từ thiện lớn nhất thế giới, được sự góp vốn bởi Bill Gates, Chủ tịch và người sáng lập ra tập đoàn Microsoft, và vợ của ông, bà Melinda Gates.

Quỹ được thành lập vào tháng 1/2000 bởi sự hợp nhất của Quỹ khuyến học Gates và Quỹ William H. Gates, với mục đích nâng cao dịch vụ chăm sóc y tế và giảm nghèo đói trên toàn cầu, giúp tăng cơ hội học tập và tiếp cận công nghệ thông tin tiên tiến cho những người chịu thiệt thòi. Quỹ Bill & Melinda Gates hiện tại trị giá 41,3 tỷ USD, đã trao tặng hơn 34 tỷ USD cho các hoạt động từ thiện kể từ khi thành lập cho tới nay.

Thông thường, các tỷ phú khi muốn làm từ thiện, họ sẽ sáng lập ra các quỹ từ thiện như Bill Gates hoặc trao tiền trực tiếp cho các tổ chức phi lợi nhuận, quỹ từ thiện như Warren Buffet đã làm. Zuckerberg không làm vậy. Anh lựa chọn hình thức được coi là rất mới.

Theo người phát ngôn của Facebook, Rachael Hormitz, Zuckerberg và Chan tin rằng, mục đích của công ty mới là phục vụ cho các hoạt động phi lợi nhuận, đầu tư tư nhân và tham gia vào các hoạt động chính trị. LLC giúp Zuckerberg có quyền kiểm soát và điều hành linh hoạt hơn khối tài sản mà mình cho đi. Nó cũng cho phép nhà hảo tâm 31 tuổi này thay đổi suy nghĩ trong tương lai về việc anh muốn trao tặng đi bao nhiêu trong suốt cuộc đời mình. Bởi vậy con số 46 tỷ USD hiện tại như là một khoản bảo đảm thay vì một món quà.

“Từ trước tới nay, tôi chưa bao giờ chứng kiến ai đó thành lập một công ty trách nhiệm hữu hạn để phục vụ mục đích từ thiện. Thông thường, họ sẽ thành lập một quỹ từ thiện để nhận được những ưu đãi về thuế”, Jane Wales, Phó chủ tịch Quỹ từ thiện xã hội tại Aspen Institute cho biết.

Dưới đây là một số lý do hình thức công ty trách nhiệm hữu hạn được lựa chọn để góp phần hiện thức hóa lý tưởng của Zuckerberg và Chan. 

Không có giới hạn đối với hoạt động vận động hành lang

Rõ ràng rằng Chan Zuckerberg Initiative sẽ chi tiền vào các hoạt động chính trị. Facebook, trong mô tả chính thức về công ty trách nhiệm hữu hạn mới của người sáng lập, cho biết: “thực hiện các hoạt động đầu tư tư nhân và tham gia vào các hoạt động chính trị” sẽ là một phần nhiệm vụ của công ty này.

Trong lá thư Zuckerberg gửi con gái mới sinh của mình, Max, anh cũng đã nhấn mạnh tới mong muốn thúc đẩy việc tham gia tranh luận các chính sách.

“Chúng ta phải tham gia vào việc đưa ra các chính sách và có nhiệm vụ hình thành cơ sở cho các quyết định chính sách”.

Nếu Zuckerberg thành lập một tổ chức từ thiện truyền thống miễn thuế, được gọi là hình thức 501(c)(3), Chan Zuckerberg Initiative sẽ không được tự do tham gia vào các hoạt động hành lang đối với các nhà làm luật, cũng như gắn kết với các hoạt động chính trị khác.

Theo quy định của The Internal Revenue Service, các tổ chức, nhóm được miễn thuế bị cấm “tham gia trực tiếp hoặc gián tiếp, hoặc can thiệp vào bất kỳ chiến dịch chính trị nào với tư cách hoặc thay mặt cho bất kỳ ứng viên nào đối với các cuộc bầu cử công khai”.

Thực sự tạo ra lợi nhuận

Lợi nhuận có vẻ như không phải là mục tiêu lớn nhất đối với công ty trách nhiệm hữu hạn này, tuy nhiên, nếu một phần trong số tài sản của Facebook được dùng để đầu tư và xoay sở kiếm được lợi nhuận, Chan Zuckerberg Initiative sẽ không phải đối mặt với nguy cơ từ việc phá vỡ luật IRS của chính phủ đối với các tổ chức được miễn thuế.

Thông thường, các tổ chức phi lợi nhuận bị giới hạn bởi các loại hình đầu tư mà họ có thể thực hiện, thường chỉ được gắn hoạt động đầu tư với các chương trình có liên quan tới mục đích, sứ mệnh từ thiện của mình. Trong khi đó, LLC có thể đầu tư vì mục đích lợi nhuận tại bất kỳ lĩnh vực, công ty nào mà họ lựa chọn.

Facebook đã cam kết rằng “lợi nhuận từ hoạt động đầu tư của Công ty sẽ được sử dụng vào các công việc của Công ty với mục đích nâng cao hiệu quả của nhiệm vụ”.

Dễ dàng hơn trong việc liên kết

Các tổ chức từ thiện truyền thống có thể gặp khó khăn trong việc hợp tác tại các lĩnh vực tư nhân.

“Có khá nhiều quy định nghiệm ngặt đối với việc làm thế nào để các quỹ tư nhân có thể hợp tác với các công ty có mục đích lợi nhuận. Tuy nhiên, nếu là một thực thể hoạt động vì lợi nhuận, họ sẽ không gặp giới hạn nào”, Jeffrey Tenenbaum, đối tác và Chủ tịch của tổ chức phi lợi nhuận tại Venable cho biết. 

Tránh được quy luật 5%

Việc sử dụng hình thức công ty trách nhiệm hữu hạn giúp họ tránh được quy định rằng các quỹ phi lợi nhuận phải đóng góp 5% giá trị của quỹ mỗi năm.

“Bằng việc thiết lập hình thức công ty thay vì quỹ, họ có thể tiết kiệm được khoản 5% này, và dùng số tiền đó để đóng góp thêm cho việc cố gắng giải quyết các vấn đề hoặc các chiến lược mà họ theo đuổi. Điều này là quan trọng, bởi nó giúp họ có sự linh hoạt hơn”, Wales tại Viện nghiên cứu Aspen cho biết. 

Giữ bí mật

Cuối cùng, các quỹ từ thiện buộc phải có báo cáo thường niên và báo cáo tài chính tới The Internal Revenue Service và công bố công khai mọi chi tiết về chi phí hoạt động, chi tiêu, chương trình và các hoạt động mỗi năm, trong khi LLC vẫn duy trì là một công ty tư nhân và không bắt buộc phải công khai tất cả các số liệu.

Mặc dù nhiều người kỳ vọng Zuckerberg có thể tình nguyện công bố một số thông tin chi tiết về chương trình từ thiện của mình, anh có thể chọn lựa công bố hoặc không.

Với tất cả các lý do trên, dường như hình thức công ty trách nhiệm hữu hạn là một lựa chọn hoàn hảo để thực hiện lý tưởng của Mark Zuckerberg. Vậy tại sao không có nhiều người giàu có sử dụng LLC vì mục đích từ thiện?

Lý do chủ yếu là vì thuế. Công ty trách nhiệm hữu hạn không phải là trường hợp được miễn thuế, trong khi các quỹ từ thiện lại thuộc đối tượng này.

Bên cạnh đó, phần lớn những nhà hảo tâm giàu có muốn được miễn giảm thuế thu nhập khi tiến hành hoạt động từ thiện. Trong khi Zuckerberg gần như không phải quan tâm tới điều này, bởi mức lương chính thức anh nhận được từ Facebook trong năm 2014 là 1 USD.

Với việc sáng tạo ra Facebook, Mark Zuckerberg đã mở ra một kỷ nguyên mới của mạng xã hội, hiện tại, với lý tưởng biến thế giới tương lai, nơi con của anh và các thế hệ sau sinh sống, trở thành một nơi tốt đẹp hơn, Zuckerberg lại đang đặt nền móng cho “công trình” tương lai của mình bằng cách hình thành Chan Zuckerberg Initiative.

Warren Buffet, trong một phát biểu gần đây về hành động của Mark Zuckerberg và Priscilla Chan đã xúc động nói rằng: “Thay mặt cho các thế hệ tương lai, tôi cảm ơn họ”.

Chuyên đề