Cảnh báo nguy cơ NAFTA đổ vỡ do căng thẳng thương mại

Căng thẳng thương mại liên quan tới vấn đề thuế nhôm và thép giữa Mexico và Mỹ có thể sẽ đặt dấu chấm hết cho tiến trình đàm phán sửa đổi Hiệp định Thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA).
Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer (phải), Bộ trưởng Kinh tế Mexico Ildefonso Guajardo (giữa) và Ngoại trưởng Canada Chrystia Freeland (trái). (Nguồn: AFP/TTXVN)
Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer (phải), Bộ trưởng Kinh tế Mexico Ildefonso Guajardo (giữa) và Ngoại trưởng Canada Chrystia Freeland (trái). (Nguồn: AFP/TTXVN)

Đây là nhận định của Viện Phát triển công nghiệp và kinh tế (IDIC), cơ quan chuyên tư vấn cho Chính phủ Mexico, đưa ra ngày 3/6. Tuy nhiên, IDIC cũng cho rằng đây cũng không hẳn là một điều tồi tệ.

Trong bản báo cáo mới công bố với tựa đề "Thách thức 2018: Tái thiết tầm nhìn Mexico," IDIC cho rằng quốc gia này cần chuẩn bị cho kịch bản NAFTA gồm Mỹ, Canada và Mexico có thể sẽ sụp đổ.

Tuy nhiên, đây không phải là điểm kết thúc của hoạt động trao đổi thương mại trong khu vực mà ngược lại là sự khởi đầu cho một giai đoạn mới, xây dựng một khuôn khổ pháp lý khác cho tương tác khu vực.

IDIC cho rằng hiện là thời điểm Mexico phải thay đổi chiến lược của chính sách kinh tế để không phải phụ thuộc vào quyết định của một người hay lợi ích của một quốc gia khác.

Theo IDIC, Mexico phải bình tĩnh và chủ động và chuẩn bị cho khẳ năng NAFTA sụp đổ trong bối cảnh Tổng thống Mỹ Donald Trump ưu tiên các hiệp định thương mại song phương hơn là các hiệp định đa phương.

Mexico hoàn toàn có thể xây dựng một chính sách quốc gia đoàn kết, tham gia các thỏa thuận thương mại song phương nhiều lợi ích với các quốc gia láng giềng và khu vực.

NAFTA đã được hình thành và hoạt động trong suốt gần 25 năm qua. Tuy nhiên, Tổng thống Trump cho rằng hiệp định này là một "trò lừa bịp" với ngành công nghiệp Mỹ và yêu cầu tái đàm phán nhằm hiện đại hóa NAFTA.

Sau 7 vòng đàm phán, cho tới nay tiến trình đàm phán sửa đổi NAFTA vẫn còn tồn tại nhiều bất đồng, chủ yếu do những yêu cầu khó chấp nhận từ phía Mỹ.

Song song với đó, Chính phủ Mỹ cũng theo đuổi nhiều biện pháp bảo hộ sản xuất nội địa với lý do đảm bảo an ninh quốc gia.

Từ ngày 1/6, Mỹ đã áp mức thuế nhập khẩu thép 25% và nhôm 10% với các sản phẩm nhập từ Liên minh châu Âu (EU) và hai đối tác còn lại trong NAFTA. Mexico khẳng định đáp trả biện pháp này của Mỹ./.

Chuyên đề