Các sếp ngân hàng trung ương lớn cảnh báo về chiến tranh thương mại

Thống đốc ngân hàng trung ương Mỹ, Nhật, Australia và châu Âu lo tác động của căng thẳng thương mại đến kinh tế toàn cầu...
Từ trái qua phải, từ trên xuống dưới: Chủ tịch FED Jerome Powell, Chủ tịch ECB Mario Draghi, Thống đốc BoJ Haruhiko Kuroda, Thống đốc RBA Philip Lowe - Ảnh: Bloomberg.
Từ trái qua phải, từ trên xuống dưới: Chủ tịch FED Jerome Powell, Chủ tịch ECB Mario Draghi, Thống đốc BoJ Haruhiko Kuroda, Thống đốc RBA Philip Lowe - Ảnh: Bloomberg.

Thống đốc các ngân hàng trung ương mạnh nhất thế giới lên tiếng cảnh báo rằng căng thẳng thương mại leo thang đã bắt đầu ảnh hưởng tiêu cực đến niềm tin doanh nghiệp, đe dọa tăng trưởng kinh tế toàn cầu.

"Những thay đổi trong chính sách thương mại có thể khiến chúng tôi phải đặt ra câu hỏi về triển vọng tăng trưởng kinh tế", Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) Jerome Powell nói tại một cuộc thảo luận trong khuôn khổ hội nghị Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) tại Sintra, Thổ Nhĩ Kỳ.

"Chúng tôi bắt đầu nghe thấy những quyết định về trì hoãn đầu tư, trì hoãn tuyển dụng nhân sự", hãng tin Bloomberg dẫn lời ông Powell.

Quan điểm này của vị Chủ tịch FED tương tự như quan điểm của Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) Haruhiko Kuroda, Chủ tịch ECB Mario Draghi, và Thống đốc Ngân hàng Trung ương Australia (RBA) Philip Lowe. Đây là 4 ngân hàng trung ương thiết lập chính sách tiền tệ cho hơn 1/3 nền kinh tế thế giới.

Một cuộc chiến tranh thương mại sẽ đặt ra thách thức lớn cho các ngân hàng trung ương, bởi nhiều khả năng sẽ gây tình trạng suy giảm tăng trưởng kết hợp lạm phát cao thông qua đẩy giá hàng hóa tăng và nhu cầu tiêu dùng giảm. Trong trường hợp đó, các nhà hoạch định chính sách sẽ buộc phải lựa chọn giữa hành động để hỗ trợ tăng trưởng hay hành động để kiềm chế áp lực lạm phát, chẳng hạn giữa hạ lãi suất hay tăng lãi suất.

Đầu tuần này, Tổng thống Mỹ Donald Trump dọa áp thuế lên thêm 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc, và Bắc Kinh ngay lập tức cảnh báo sẽ đáp trả mạnh mẽ và tương xứng. Liên minh châu Âu (EU) cũng đã lên kế hoạch đánh thuế hàng Mỹ để trả đũa thuế thép và nhôm của Washington.

Ông Draghi nói còn quá sớm để xác định mức độ ảnh hưởng kinh tế của căng thẳng thương mại, nhưng cho biết ông đã bắt đầu lo ngại về sự suy giảm niềm tin, ở cả các doanh nghiệp và người tiêu dùng.

"Ở một góc độ nào đó, giờ chưa phải là lúc xác định xem tất cả những điều này sẽ tác động như thế nào đến chính sách tiền tệ, nhưng không có cơ sở nào để lạc quan cả", Chủ tịch ECB nói.

Ông Draghi cũng nói đã có những bài học về xung đột thương mại và chủ nghĩa bảo hộ trong lịch sử, và "tất cả những bài học đó đều có ý nghĩa tiêu cực". Ông nói rằng căng thẳng thương mại đang làm suy yếu "khuôn khổ đa phương đã đưa thế giới phát triển bấy lâu".

Ông Kuroda thì nói rằng ảnh hưởng gián tiếp của căng thẳng thương mại có thể gây gián đoạn chuỗi cung ứng ở khu vực Đông Á vốn là nguồn cung cấp cho các nhà máy ở Trung Quốc.

"Tôi thực sự hy vọng rằng sự leo thang này sẽ dừng lại, và mối quan hệ thương mại bình thường giữa Mỹ với Trung Quốc sẽ thắng thế", ông Kuroda nói. "Đây là một vấn đề gây lo ngại lớn đối với Nhật Bản".

Ông Lowe tỏ ra bi quan hơn cả. Vị Thống đốc RBA cho rằng bản thân thuế quan thương mại có thể không gây trệch hướng tăng trưởng toàn cầu, nhưng có khả năng dẫn tới sự biến động lớn trên thị trường tài chính và khiến các quyết định kinh doanh bị trì hoãn.

"Sẽ không mất nhiều thời gian để các thị trường tài chính và các doanh nghiệp biến những gì đang diễn ra thành một sự kiện lớn toàn cầu. Tôi hy vọng khả năng này là thấp, nhưng tôi rất lo về những gì đang xảy ra", ông Lowe nói.

Australia chuẩn bị đàm phán tự do thương mại với EU, một dấu hiệu cho thấy một số nền kinh tế đang thúc đẩy quan hệ mật thiết hơn giữa lúc nước Mỹ thời Tổng thống Trump rút lui.

"Ai có thể tưởng tượng được một quốc gia có thể làm cho mình trở nên giàu có hơn và thúc đẩy tăng trưởng năng suất bằng cách xây dựng những bức tường? Có lẽ là không", ông Lowe phát biểu. "Tôi nhận thấy những gì đang diễn ra là đặc biệt đáng lo ngại".

Ở thời điểm hiện tại, các chuyên gia kinh tế cho rằng tác động của căng thẳng thương mại đến tăng trưởng kinh tế toàn cầu mới chỉ ở mức giới hạn, nhưng cảnh báo bức tranh có thể thay đổi.

"Đến nay, thiệt hại kinh tế mới chỉ ở mức nhẹ nhàng", ông Michael Every, trưởng bộ phận nghiên cứu thị trường tài chính thuộc Rabobank Group ở Hồng Kông, nhận xét. "Dĩ nhiên, tình hình sẽ tệ hơn nhiều nếu căng thẳng thương mại xấu đi. Nhưng ở thời điểm này, mọi thứ vẫn trong tầm kiểm soát".

Chuyên đề