Các hãng điện tử rục rịch chuyển sản xuất từ Trung Quốc sang Đông Nam Á

Xung đột thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc khiến việc sản xuất thiết bị tại Trung Quốc trở nên kém hấp dẫn hơn...
Đài Loan là vùng lãnh thổ với những công ty gia công hàng điện tử vào hàng lớn nhất thế giới - Ảnh: Bloomberg.
Đài Loan là vùng lãnh thổ với những công ty gia công hàng điện tử vào hàng lớn nhất thế giới - Ảnh: Bloomberg.

Nhiều công ty sản xuất hàng điện tử đang chuẩn bị chuyển thêm hoạt động sản xuất sang khu vực Đông Nam Á trong bối cảnh căng thẳng thương mại Trung-Mỹ khiến việc sản xuất thiết bị tại Trung Quốc trở nên kém hấp dẫn hơn.

Theo hãng tin Bloomberg, mấy ngày gần đây, một số công ty Đài Loan vốn là những mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu đã phát tín hiệu muốn dịch chuyển sản xuất khỏi Trung Quốc đại lục.

Hôm thứ Ba, Delta Electronics - công ty cung cấp linh kiện điện cho hãng Apple - tuyên bố ý định chi 2,14 tỷ USD để thâu tóm toàn bộ một liên doanh ở Thái Lan. Đây được xem là một bước đệm để Delta mở rộng hoạt động sản xuất tại Thái Lan.

Merry Electronics, công ty sản xuất tai nghe cho những hãng như Bose, nói sẽ chuyển một phần sản xuất từ miền Nam Trung Quốc sang Thái Lan, và kế hoạch này sẽ tùy thuộc vào diễn biến của chiến tranh thương mại trong thời gian tới.

Đài Loan là vùng lãnh thổ với những công ty gia công hàng điện tử vào hàng lớn nhất thế giới, bao gồm nhà sản xuất iPhone Foxconn. Trong những năm gần đây, ngày càng nhiều công ty Đài Loan sản xuất hàng cho những thương hiệu điện tử nổi tiếng chuyển sản xuất khỏi Trung Quốc đại lục để tránh ảnh hưởng của tiền lương tăng. Khi xung đột thương mại Mỹ-Trung leo thang, xu hướng này càng được đẩy mạnh.

Mới đây, New Kinpo Group - công ty gia công nhiều mặt hàng từ phần cứng máy tính đến máy mát-xa mặt ở Thái Lan và Philippines - tiết lộ với Bloomberg rằng chính sách bảo hộ thương mại của Mỹ đã dẫn tới việc ngày càng có nhiều khách hàng quan tâm tới dịch vụ gia công của công ty.

"Trước đây, các công ty Đài Loan đầu tư vào Trung Quốc đại lục vì chi phí nhân công ở đó rẻ. Nhưng tiền lương ở Trung Quốc giờ đang tăng, nên một số công ty đã chuyển sản xuất sang Đông Nam Á", chuyên gia kinh tế Tsai Ming-fang thuộc Đại học Tamkang ở Đài Bắc phát biểu. "Thuế quan của Tổng thống Donald Trump khiến các công ty Đài Loan càng có thêm lý do để chuyển đến Đông Nam Á".

Các con số đã bắt đầu thể hiện rõ xu hướng này. Trong 6 tháng đầu năm, vốn đầu tư được phê chuẩn của các doanh nghiệp Đài Loan vào Trung Quốc đại lục đạt 4,2 tỷ USD, giảm 4,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, đầu tư của các công ty Đài Loan vào Việt Nam, Malaysia và Ấn Độ tăng mạnh trong cùng khoảng thời gian.

Xu hướng chuyển sản xuất sang Đông Nam Á của các công ty sản xuất hàng điện tử sẽ tùy thuộc nhiều vào việc liệu ông Trump có thực hiện lời cảnh báo đánh thuế thêm 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc, thậm chí là đánh thuế toàn bộ 500 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc nhập khẩu vào Mỹ mỗi năm.

Tuy nhiên, đối với nhiều lãnh đạo công ty, việc lên kế hoạch đã bắt đầu.

"Đang có nhiều bấp bênh về địa chính trị và chiến tranh thương mại Mỹ-Trung đã bắt đầu", bà Yancey Hai, Chủ tịch Delta, phát biểu.

Trong một tuyên bố ra hôm thứ Ba, Deta nói rằng vụ thâu tóm ở Thái Lan sẽ giúp công ty có thêm cơ sở sản xuất, giảm bớt rủi ro do chiến tranh thương mại toàn cầu, tăng cường mạng lưới bán hàng và xích lại gần hơn với khách hàng.

Trong một cuộc họp báo vào hôm thứ Hai, Giám đốc điều hành (CEO) của Merry, ông Allen Huang, cũng đưa ra quan điểm tương tự.

"Nếu thuế quan của ông Trump được áp lên mặt hàng tai nghe, thì điều đó sẽ ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu của chúng tôi sang thị trường Mỹ. Khách hàng sẽ muốn chúng tôi cắt giảm chi phí và sản xuất ở những địa chỉ không bị tác động bởi thuế quan", ông Huang nói.

"Trong khi đối thủ cạnh tranh của chúng tôi đều có nhà máy ở Trung Quốc, chúng tôi sẽ có lợi thế hơn họ nhờ có nhà máy ở Thái Lan. Chúng tôi đang chuẩn bị chuyển việc sản xuất bán thành phẩm từ Trung Quốc sang Thái Lan trước, rồi sẽ hoàn tất thành phẩm tại đây".

Chuyên đề