Bước vào tuần quan trọng nhất của kinh tế thế giới trong 2018?

Mỗi ngày trong tuần này đều có một sự kiện có khả năng tạo “sóng” trên thị trường tài chính toàn cầu...
Giới đầu tư bắt đầu đánh giá về kết quả hội nghị thượng đỉnh nhóm 7 nền công nghiệp phát triển (G7).
Giới đầu tư bắt đầu đánh giá về kết quả hội nghị thượng đỉnh nhóm 7 nền công nghiệp phát triển (G7).

Với cuộc gặp thượng đỉnh lịch sử Mỹ-Triều, căng thẳng thương mại và các cuộc họp ngân hàng trung ương quan trọng, tuần này có thể là tuần có ý nghĩa quan trọng nhất đối với nền kinh tế thế giới trong năm 2018 - theo hãng tin Bloomberg.

Mỗi ngày trong tuần này đều có một sự kiện có khả năng tạo "sóng" trên thị trường tài chính toàn cầu hoặc định hình triển vọng tăng trưởng của nền kinh tế thế giới.

Dưới đây là những gì mà các nhà đầu tư đang chờ đợi ở mỗi ngày trong tuần:

Thứ Hai

Giới đầu tư bắt đầu đánh giá về kết quả hội nghị thượng đỉnh nhóm 7 nền công nghiệp phát triển (G7) diễn ra tại Quebec, Canada hôm thứ Sáu và thứ Bảy tuần trước. Hội nghị đã kết thúc trong tình trạng chia rẽ sâu sắc, khi Tổng thống Mỹ Donald Trump kịch liệt chỉ trích đồng minh qua mạng xã hội Twitter và từ chối ủng hộ tuyên bố chung của hội nghị - một tuyên bố nhằm hạ nhiệt căng thẳng thương mại.

Thứ Ba

Ông Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un có cuộc gặp thượng đỉnh lịch sử tại Singapore. Tuần trước, ông Trump dự báo cuộc gặp này sẽ là một "thành công lớn" và nói ông có thể ký một thỏa thuận với ông Kim Jong Un nhằm chính thức chấm dứt cuộc chiến tranh Triều Tiên 1950-1953.

Tại Washington, Chính phủ Mỹ sẽ công bố báo cáo hàng tháng về lạm phát - một thước đo về việc nền kinh tế lớn nhất thế giới có đang tăng trưởng nóng hay không.

Thứ Tư

Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) có thể tiến hành tăng lãi suất cơ bản đồng USD lần thứ hai trong năm nay. Sau cuộc họp kéo dài hai ngày thứ Ba và thứ Tư, Chủ tịch FED Jerome Powell sẽ có một cuộc họp báo. Giới phân tích cho rằng FED sẽ phát tín hiệu nâng lãi suất tổng cộng 4 lần trong năm nay, thay vì 3 lần tăng như dự báo hồi đầu năm.

Ngân hàng Trung ương Argentina cũng họp vào ngày thứ Tư, nhưng được dự báo sẽ giữ nguyên lãi suất cơ bản đồng Peso ở mức 40% để ổn định tỷ giá.

Cùng ngày, cuộc bán đấu giá trái phiếu Chính phủ Italy được xem là một cơ hội để đánh giá phản ứng của thị trường đối với Chính phủ dân túy mới được thành lập của nước này. Cách đây 2 tuần, bất ổn chính trị ở Italy đã khiến thị trường tài chính toàn cầu chao đảo.

Thứ Năm

Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) có thể lần đầu tiên chính thức đề cập đến việc kết thúc chương trình mua trái phiếu (QE). Khoảng 1/3 số chuyên gia kinh tế được Bloomberg khảo sát ý kiến cho rằng Chủ tịch ECB Mario Draghi sẽ đặt thời hạn cụ thể cho việc kết thúc QE tại cuộc họp lần này, trong khi 46% nói ông Draghi sẽ đợi đến cuộc họp tháng 7 mới đưa ra thời hạn.

Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ có cuộc gặp với thái tử Mohammed bin Salman tại lễ khai mạc Cúp bóng đá Thế giới (World Cup) 2018. Cuộc gặp này có thể sẽ ảnh hưởng thị trường dầu lửa toàn cầu, bởi chỉ diễn ra 1 tuần trước cuộc họp của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) tại Vienna. Đây sẽ là cơ hội phút chót để hai nhà lãnh đạo bàn bạc xem có tăng sản lượng khai thác dầu hay không.

Thứ Sáu

Cuộc họp của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) có thể không đưa ra tín hiệu thắt chặt chính sách tiền tệ nào. BoJ hiện vẫn đang thực hiện chương trình mua vào trái phiếu chính phủ Nhật với quy mô lớn, và được cho là sẽ duy trì chương trình này, bởi dữ liệu cho thấy lạm phát ở Nhật còn thấp hơn nhiều so với mục tiêu 2% mà BoJ đề ra. Chưa kể, nền kinh tế Nhật còn suy giảm trong quý 1.

Ngày 15/6 cũng là thời hạn chót để Mỹ công bố danh sách cuối cùng những sản phẩm là đối tượng của kế hoạch Mỹ áp thuế quan lên 50 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc.

Cùng ngày, Ngân hàng Trung ương Nga có cuộc họp chính sách, nhưng nhiều khả năng sẽ giữ nguyên lãi suất cơ bản đồng Rúp ở mức 7,25%.

Chuyên đề