Bức ảnh thể hiện những chấn động chính trường năm 2016

Bức ảnh chụp lãnh đạo 5 nước Mỹ, Đức, Anh, Pháp và Italy hồi tháng 4 phần nào nói lên những biến động chính trị lớn trên thế giới năm 2016.
Từ trái sang, cựu thủ tướng Anh David Cameron, Tổng thống Mỹ Barack Obama, Thủ tướng Đức Angela Merkel, Tổng thống Pháp Francois Hollande và Thủ tướng Italy Matteo Renzi gặp nhau tại hội nghị thượng đỉnh G5 ở thành phố Hanover, Đức, hồi tháng 4. Ảnh: Whit
Từ trái sang, cựu thủ tướng Anh David Cameron, Tổng thống Mỹ Barack Obama, Thủ tướng Đức Angela Merkel, Tổng thống Pháp Francois Hollande và Thủ tướng Italy Matteo Renzi gặp nhau tại hội nghị thượng đỉnh G5 ở thành phố Hanover, Đức, hồi tháng 4. Ảnh: Whit

5 nhà lãnh đạo Mỹ, Đức, Anh, Pháp, Italy cùng xuất hiện trong một bức ảnh chụp tại hội nghị thượng đỉnh G5 ở thành phố Hanover, Đức, hồi tháng 4. Tuy nhiên sau hàng loạt sự kiện với phong trào dân túy nổi lên ở phương Tây, chỉ còn một người vẫn nắm quyền và có ý định tranh cử thêm một nhiệm kỳ, theo CNN.

Thủ tướng Italy Matteo Renzi là người thông báo từ chức gần đây nhất, ngày 5/12. Renzi thất bại trong cuộc trưng cầu dân ý về cải cách hiến pháp với gần 60% người dân đi bỏ phiếu phản đối những đề xuất của ông. Ông muốn giảm số lượng thượng nghị sĩ và giới hạn quyền lực thượng viện liên quan đến hạ viện trong quốc hội.

Thất bại của ông Renzi lập tức khiến đồng euro mất giá so với USD, có lúc giảm xuống mức 1 euro đổi 1,0507 USD, thấp nhất kể từ tháng 3/2015. Kết quả trên đã tác động đến các ngân hàng đang gặp khó khăn tại Italy và làm dấy lên nghi ngờ về tư cách thành viên Liên minh châu Âu (EU) của Italy.

Tại Mỹ, việc Tổng thống Barack Obama phải rời nhiệm sở vào đầu năm 2017 và không thể tranh cử nhiệm kỳ thứ ba không phải là điều bất ngờ bởi hiến pháp Mỹ quy định một tổng thống lãnh đạo đất nước trong tối đa hai nhiệm kỳ liên tiếp. Tuy nhiên, điều khiến nhiều người bị sốc là Donald Trump, người chưa từng có kinh nghiệp chính trường, lại đắc cử tổng thống.

Ông Trump khiến quan hệ với Trung Quốc thêm căng thẳng bằng cuộc điện đàm với lãnh đạo Đài Loan, trở thành nhà lãnh đạo Mỹ đắc cử đầu tiên làm như vậy kể từ năm 1979. Trong cuộc điện đàm với Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte, ông Trump được cho là chúc Manila thành công trong chiến dịch trấn áp ma túy, đã khiến hơn 2.000 người thiệt mạng và bị nhiều quốc gia, tổ chức nhân quyền chỉ trích.

David Cameron khiến đảng Bảo thủ rơi vào hỗn loạn khi ông quyết định từ chức thủ tướng sau khi người dân Anh bỏ phiếu chọn "rời EU (Brexit)" trong cuộc trưng cầu dân ý hồi tháng 6. Ông cho rằng Anh cần có "sự lãnh đạo mới" và sẽ không phù hợp nếu ông "là thuyền trưởng cầm lái đất nước tới điểm đến tiếp theo".

Trong khi đó, tại Pháp, lãnh đạo phe cực hữu Marine Le Pen giành được nhiều sự ủng hộ còn Francois Hollande, tổng thống ít được ưa thích nhất kể từ những năm 1940, tuyên bố sẽ không tái tranh cử vào năm 2017. Ông muốn đảng Xã hội cầm quyền có cơ hội để thắng "chủ nghĩa bảo thủ và cực đoan" và trở thành tổng thống tại vị đầu tiên không tái tranh cử kể từ Thế Chiến II.

Thủ tướng Đức Angela Merkel, người cuối cùng trong bức ảnh, thông báo bà sẽ tranh cử nhiệm kỳ thứ tư với tư cách là lãnh đạo đảng Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo (CDU) trong cuộc bầu cử năm 2017.

Nhiều người đã đăng bức ảnh 5 nhà lãnh đạo tại Hanover lên mạng xã hội để thể hiện biến động chính trị trên thế giới với những bình luận như "ba nhà lãnh đạo thân EU đã bị hạ, còn một người thân EU " hoặc "4 người bị hạ, chỉ còn bà Merkel".

Một tài khoản Twitter bình luận "4 người bị hạ, chỉ còn bà Merkel" về bức ảnh chụp 5 nhà lãnh đạo Mỹ, Đức, Anh, Pháp và Italy. Ảnh:Twitter.

Chuyên đề