Brexit - "Lợi bất cập hại" cho toàn bộ nền kinh tế thế giới

Ngày 23/6 tới đây, cuộc trưng cầu ý dân sẽ diễn ra tại Vương quốc Anh để quyết định việc đất nước này sẽ ra đi hay ở lại với Liên minh châu Âu (EU).
Brexit - "Lợi bất cập hại" cho toàn bộ nền kinh tế thế giới

Trong đó kịch bản nước Anh rời khỏi EU, hay còn gọi là Brexit, dự kiến sẽ là một vụ “ly dị” đầy rắc rối, buộc hai bên phải xây dựng một mối quan hệ mới sau hơn 40 năm gắn bó, đồng thời khiến cả Xứ sở sương mù, EU và thậm chí là kinh tế thế giới gánh chịu những hậu quả lớn về kinh tế, chính trị và xã hội. 

“Đám mây đen” mang tên Brexit 

Hầu hết các nghiên cứu về Brexit đều chỉ ra rằng việc khơi dậy tinh thần bài châu Âu trong nước Anh sẽ khiến Xứ sở sương mù không những chẳng thu được lợi ích gì về kinh tế, mà còn phải đối mặt với nguy cơ xóa bỏ những nỗ lực tăng trưởng của chính họ. 

Với hệ lụy đầu tiên phải kể tới là thương mại và đầu tư xuyên biên giới. Trả lời phỏng vấn đăng trên tờ Thời báo tài chính (The Financial Times), Tổng Giám đốc Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), Roberto Azevêdo nói rằng nếu nước Anh rời EU thì người tiêu dùng và các doanh nghiệp xứ sở này có thể thiệt hại 9 tỷ bảng Anh (13,2 tỷ USD) tiền thuế nhập khẩu bổ sung mỗi năm, cũng như đứng trước nguy cơ phải tiến hành các cuộc đàm phán chưa từng có với 161 nước thành viên WTO về các điều khoản liên quan tới tư cách thành viên. 

Bên cạnh đó, London cũng sẽ không được hưởng những ưu đãi như thuế nhập khẩu ở mức thấp hoặc bằng 0% khi tiếp cận thị trường 58 nước tham gia 36 thỏa thuận thương mại của EU. 

Trong khi đó, tại nước láng giềng Pháp, Chủ tịch Hội đồng Cố vấn Kinh tế (CAE) của phủ Thủ tướng Pháp, chuyên gia Angès Bénassy Quéré cũng khẳng định ra khỏi châu Âu, nền kinh tế Anh cũng như đồng bảng Anh, sẽ suy yếu đi bởi nhiều lý do. 

Lâu nay, nước Anh được coi là địa điểm thuận lợi để nhiều tập đoàn/doanh nghiệp có trụ sở tại Ireland, hay các vùng đặt dưới ảnh hưởng của London, đầu tư vào châu Âu. 

Trong trường hợp nước Anh rời khỏi EU thì vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, thay vì đổ vào Anh, sẽ chuyển hướng sang Pháp hoặc Đức, Italy. Ngoài ra, khi tách rời khỏi Brussels, London sẽ đánh mất lợi thế nắm giữ vai trò là “lá phổi” tài chính của châu Âu, nơi “cửa ngõ” đón nhận luồng tư bản của thế giới vào thị trường “lục địa Già.” 

Về thị trường lao động, chuyên gia Angès Bénassy Quéré khẳng định phe ủng hộ Brexit đã quên mất rằng lâu nay nền kinh tế Anh tăng trưởng mạnh mẽ một phần là nhờ vào làn sóng người nhập cư nước ngoài, vừa đóng vai trò là nguồn lao động, vừa là nguồn tiêu thụ quý giá cho đất nước. Do đó, việc Brexit xảy ra sẽ khiến số người nhập cư vào nước Anh giảm đi và nước này sẽ mất đi một nguồn lực giá trị. 

Hậu quả là, theo cảnh báo của Viện Nghiên cứu tài chính (IFS), Brexit sẽ khiến tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước Anh thấp hơn và chi phí vay mượn tăng thêm, đồng thời làm hao hụt ngân sách khoảng 20-40 tỷ bảng vào năm 2020. Điều này đồng nghĩa với việc London sẽ phải kéo dài chính sách "thắt lưng buộc bụng" thêm hai năm nữa, tức là đến năm 2022, để đạt được mục tiêu thặng dư ngân sách mà Chính phủ Thủ tướng David Cameron đề ra. 

Trong nội bộ nước Anh, Bộ trưởng Tài chính George Osborne cũng cảnh báo nước này có thể sẽ chìm vào suy thoái trong vòng một năm nếu lựa chọn rời khỏi Liên minh châu Âu. Theo Bộ Tài chính Anh quốc, có hai kịch bản hậu Brexit đối với nền kinh tế Anh. Trong đó, kịch bản số 1 nhẹ nhàng hơn, khi London có thể đạt được một thỏa thuận thương mại với EU, sẽ chứng kiến GDP của nước này thấp hơn đến 3,6% so với việc ở lại EU sau hai năm. 

Ở chiều ngược lại, tức là kịch bản 2, khi Vương quốc Anh không những rời thị trường chung EU mà còn phải đối mặt với các rào cản thương mại theo quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới, thì con số khác biệt kia sẽ tăng lên 6%. Đối với cả hai kịch bản, Brexit sẽ khiến lạm phát tại nước Anh tăng cao trong khi giá nhà lại xuống thấp hơn khoảng từ 10% (kịch bản 1) đến 18% (kịch bản 2) so với việc ở lại với EU. 

Ngoài ra, nguy cơ Brexit cũng tác động đến cả các nhà đầu tư vùng Vịnh Arab, một trong số những nhà đầu tư bất động sản lớn nhất tại nước Anh, khiến họ có xu hướng ngừng những giao dịch mới bởi lo ngại khả năng mất giá nhà đất nếu cử tri Anh bỏ phiếu rời Liên minh châu Âu. Các số liệu của Ngân hàng trung ương Anh mới đây cho thấy giao dịch bất động sản trong quý I/2016 đã giảm 40% so với cùng kỳ năm trước, khi cả người mua và bán đều trông đợi kết quả từ cuộc trưng cầu dân ý Brexit. 

Hệ lụy đối với châu Âu và thế giới 

Rõ ràng, với vai trò là một “mắt xích” quan trọng trong bộ máy của Liên minh châu Âu, sự ra đi của nước Anh sẽ để lại một khoảng trống không nhỏ. Về phía Liên minh châu Âu, Brussels đang nỗ lực tìm kiếm sự đồng thuận với Thủ tướng David Cameron để giữ London lại trong EU vì nhiều lý do: Nước Anh là nền kinh tế lớn thứ ba trong EU, là trung tâm tài chính số 1 “lục địa Già.”

London lại là một nguồn đóng góp quan trọng cho ngân sách của cả 28 thành viên Liên minh châu Âu. Tuy nhiên, ngân sách chung của EU chỉ tương đương 1% GDP của EU. Do vậy giới chuyên gia cho rằng nhìn về tổng thể, sau khi chia tay, nước Anh thiệt hại nhiều hơn so với 27 thành viên còn lại. 

Tuy nhiên, cơ quan tư vấn tài chính và kinh tế Euler Hermes cho rằng nếu kịch bản Brexit thành hiện thực thì Bỉ, Ireland, Hà Lan, Đức, Pháp và các nước ngoài Liên minh châu Âu là Mỹ sẽ bị thiệt hại, do các quốc gia này là những bạn hàng chính của nước Anh. Cán cân thương mại của Đức đối với nước Anh có thể bị giảm 6,8 tỷ euro một năm, trong đó ngành công nghệ xe ô tô của Đức thất thu đến gần 2 tỷ. Thiệt hại đối với các doanh nghiệp Pháp là khoảng hơn 3 tỷ euro một năm. 

Bên cạnh đó, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cũng cảnh báo nguy cơ nước Anh rời khỏi EU có thể sẽ tác động mạnh tới hoạt động kinh tế và tạo ra những biến động trên các thị trường. IMF dự báo thị trường toàn cầu sẽ phản ứng tiêu cực, thậm chí dữ dội nếu nước Anh rời khỏi "mái nhà chung" châu Âu đồng thời, những rào cản được tạo ra từ Brexit sẽ tác động đến các hoạt động thương mại, đầu tư và năng suất lao động, và điều này có thể dẫn đến hậu quả tiêu cực trong thời gian dài đối với sản lượng kinh tế. 

Trong khi đó, John Sawers, cựu Giám đốc Cơ quan Tình báo nội địa Anh (MI6) và Jonathan Evans, cựu Giám đốc Tổng cục An ninh Anh (MI5) cũng khẳng định nếu Brexit xảy ra, EU không thể tránh khỏi “vòng ảnh hưởng” trong bối cảnh khối này đang “đau đầu” với những thách thức không mới về kinh tế, cuộc khủng hoảng di cư cũng như sự trỗi dậy của nước Nga. Chưa dừng lại ở đó, khối gồm 28 nước thành viên sẽ phải đối mặt với nguy cơ bị chia cắt bởi những thành phần muốn lợi dụng Brexit để đòi độc lập. 

Không những thế nguy cơ Brexit còn đe dọa tiến trình đàm phán Hiệp định Đối tác Thương mại và Đầu tư xuyên Đại Tây Dương (TTIP). Ông Gary Hufbauer, một cựu quan chức Bộ Tài chính Mỹ, nay là chuyên viên của Viện Peterson của Washington, dự báo rằng nếu nước Anh ra khỏi EU, đàm phán về TTIP sẽ “sụp đổ tan tành,” do có quá nhiều yếu tố vô định. 

Ông Edward Alden, nhà nghiên cứu thuộc Hội đồng Quan hệ Đối ngoại, thì không bi quan đến như thế, nhưng ông cảnh báo rằng nếu phe chủ trương Brexit thắng trong cuộc trưng cầu dân ý thì đàm phán thương mại Âu-Mỹ sẽ bị đặt xuống hàng thứ yếu. Theo ông Alden, lúc đó, sẽ có những vấn đề khẩn cấp hơn cần giải quyết, đặc biệt là mối quan hệ mới giữa nước Anh với EU. 

Kết quả cuộc thăm dò mới nhất do YouGov công bố cho thấy tỷ lệ ủng hộ nước Anh ở lại EU chỉ cao hơn 1 điểm phần trăm so với tỷ lệ ủng rời EU, ở mức lần lượt là 43% và 42%, trong khi tỷ lệ không đưa ra được câu trả lời là 11%./. 

Chuyên đề