Bóng đen suy thoái bắt đầu ám ảnh kinh tế Đức

Tháng 9/2018, lượng xe mới đăng ký ở Đức sụt 30% so với cùng kỳ năm ngoái...
Bên trong một nhà máy của hãng xe BMW tại Đức.
Bên trong một nhà máy của hãng xe BMW tại Đức.

Đức, nền kinh tế lớn nhất châu Âu, có thể sắp rơi vào cuộc suy thoái đầu tiên kể từ cuộc khủng hoảng nợ công đi vào lịch sử của khu vực.

Theo trang CNN Money, cú sụt giảm gây sốc của sản lượng ngành công nghiệp Đức trong tháng 11 là một dấu hiệu cho thấy nền kinh tế nước này đã suy giảm quý thứ hai liên tiếp trong quý 4/2018.

Số liệu thống kê công bố ngày 8/1 cho thấy sản lượng công nghiệp của Đức giảm 1,9% trong tháng 11 so với tháng 10, tệ hơn nhiều so với mức dự báo tăng 0,3% mà giới phân tích đưa ra trước đó.

Ông Carsten Brzeski, chuyên gia kinh tế trưởng của ngân hàng ING tại Đức, nói rằng dữ liệu trên cho thấy nguy cơ suy thoái "tăng lên rõ ràng". Công ty nghiên cứu Oxford Economics thì hạ dự báo tăng trưởng kinh tế Đức quý 4 về 0% và nói rằng nền kinh tế này đang đối mặt khả năng suy thoái ở mức cao.

Số liệu chính thức về tăng trưởng kinh tế Đức trong quý cuối cùng của 2018 sẽ được công bố vào tuần tới. Trong quý 3, kinh tế Đức suy giảm 0,2%, và nếu sự suy giảm tiếp diễn trong quý 4, nền kinh tế này chính thức rơi vào cuộc suy thoái đầu tiên kể từ 2013.

Các dữ liệu gần đây đều cho thấy cường quốc xuất khẩu của khu vực Eurozone tiếp tục đối mặt với sức ép suy giảm tăng trưởng trong tháng 12. Trong đó, chỉ số niềm tin kinh doanh do Viện Ifo thực hiện giảm sâu hơn; các công ty chế biến-chế tạo thu hẹp kế hoạch sản xuất do niềm tin kinh doanh lần đầu tiên giảm xuống kể từ 2016.

"Bức tranh lớn ở đây là kinh tế Đức, và kinh tế Eurozone nói chung, đã giảm ga một cách rõ ràng", chuyên gia kinh tế trường về khu vực châu Âu thuộc công ty nghiên cứu Capital Economics, ông Jack Allen, nhận định.

Suy thoái xảy ra ở Đức sẽ là một mối lo lớn nữa đối với giới đầu tư toàn cầu trong bối cảnh nhà đầu tư đã bất an với nguy cơ suy giảm tăng trưởng kinh tế năm nay ở Mỹ và Trung Quốc.

Tại Đức, các hãng xe như Volkswagen đang đương đầu với thách thức lớn bởi sự suy giảm doanh số chóng mặt tại thị trường Trung Quốc. Ngành công nghiệp xe hơi Đức cũng gặp khó bởi các quy định mới về kiểm tra khí thải của Liên minh châu Âu (EU).

Trong tháng 9/2018, lượng xe mới đăng ký ở Đức sụt 30% so với cùng kỳ năm ngoái. Tình hình có khá hơn gần đây, nhưng lượng xe mới đăng ký trong tháng 11 vẫn giảm 10%.

Ông Brzeski nói rằng sự sụt giảm sản lượng công nghiệp Đức cho thấy những rắc rối đã lan ra khỏi lĩnh vực xe hơi của nước này.

"Lần gần đây nhất sản lượng công nghiệp Đức có sự gia tăng mạnh mẽ là vào quý 4/2017. Kể từ đó, sản lượng công nghiệp của nước này trở nên trì trệ", vị chuyên gia nhấn mạnh.

Kinh tế Đức suy yếu, cộng thêm với sự giảm tốc của kinh tế toàn cầu và ảnh hưởng của chiến tranh thương mại Mỹ-Trung, đang gây ra những vấn đề nan giải ở châu Âu.

"Xuất khẩu của Eurozone sang Mỹ vẫn mạnh nhờ sự vững vàng của kinh tế Mỹ, nhưng xuất khẩu sang Trung Quốc đã yếu đi", chuyên gia kinh tế Anna Titareva thuộc ngân hàng UBS phát biểu.

Sự giảm tốc của kinh tế châu Âu sẽ là một thách thức lớn đối với Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB), trong bối cảnh định chế này vừa kết thúc một chương trình kích cầu lớn vào tháng 12 vừa qua và đang có kế hoạch nâng lãi suất trong 2018. Nếu kinh tế châu Âu giảm tốc thêm, ECB có thể sẽ phải cân nhắc lại kế hoạch.

Chuyên đề