Báo Đức lo ngại 'đoàn tàu ma hạt nhân' của Nga

Truyền thông Đức mô tả đoàn tàu có khả năng phóng tên lửa hạt nhân Nga là thứ vũ khí đáng sợ, gợi nhớ về kỷ nguyên Chiến tranh Lạnh.

Bộ Quốc phòng Nga cuối tháng 11 cho biết đoàn tàu phóng tên lửa hạt nhân Barguzin đã hoàn thành giai đoạn thử nghiệm đúng thời hạn và sẽ được đưa vào trực chiến từ đầu năm 2018.

Tờ Die Welt của Đức hôm 1/12 gọi Barguzin là "đoàn tàu ma đáng sợ" của Nga, cho rằng một khi đoàn tàu này đi vào hoạt động sẽ trở thành mối đe dọa cho bất kỳ mục tiêu chiến lược nào tại châu Âu, do nó khả năng cơ động bí mật mà các vệ tinh gián điệp không thể theo dõi.

Tạp chí Stern đánh giá dự án Barguzin lần này của Nga là một chương trình mới, được cải tiến rất nhiều so với thời kỳ Chiến tranh Lạnh. Các toa trong đoàn tàu hạt nhân thời Liên Xô rất dễ nhận biết vì kích thước lớn, còn đoàn tàu Barguzin hiện nay có thiết kế và kích thước không khác gì các toa tàu thông thường, gây nhiều khó khăn cho việc theo dõi và giám sát.

Đoàn tàu hạt nhân Barguzin có nguồn gốc từ Tổ hợp Tên lửa Tác chiến trên Đường sắt (BZhRK) được Liên Xô chế tạo vào năm 1969 nhằm vận chuyển và phóng các tên lửa hạt nhân chiến lược đối phó với các hạm đội tàu ngầm hạt nhân uy lực của Mỹ.

Một đoàn tàu hạt nhân thường có 11 toa, trong đó có 7 toa dành cho trung tâm chỉ huy, ba toa để điều khiển và phóng tên lửa, còn một toa chứa nhiên liệu và động cơ.

Bên trong toa phóng là các tên lửa RT-23 Molodets (NATO định danh SS-24 Scalpel), có trọng lượng 126 tấn, dài 23 m, đường kính 2,4 m, chứa 10 đầu đạn hạt nhân với tầm bắn hơn 10.000 km, được thiết kế để vượt qua các hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo dày đặc của đối phương.

Chuyên đề