Australia, Indonesia tính tuần tra chung ở Biển Đông

Australia đang cân nhắc tuần tra hàng hải chung với Indonesia ở Biển Đông, theo đề nghị từ phía Jakarta.
Từ trái sang: Bộ trưởng Quốc phòng Indonesia Ryamizard Ryacudu, Ngoại trưởng Indonesia Retno Marsudi, Ngoại trưởng Australia Julie Bishop và Bộ trưởng Quốc phòng Australia Marise Payne tham dự cuộc họp báo chung tại Sydney năm ngoái. Ảnh: AFP
Từ trái sang: Bộ trưởng Quốc phòng Indonesia Ryamizard Ryacudu, Ngoại trưởng Indonesia Retno Marsudi, Ngoại trưởng Australia Julie Bishop và Bộ trưởng Quốc phòng Australia Marise Payne tham dự cuộc họp báo chung tại Sydney năm ngoái. Ảnh: AFP

Ngoại trưởng Australia Julie Bishop cho hay đề nghị mà Indonesia đưa ra tại một cuộc gặp song phương tuần trước ở Bali là "phù hợp với chính sách của chúng tôi về thực thi quyền tự do hàng hải".

"Đề nghị đó phù hợp với luật pháp quốc tế và sự ủng hộ của chúng tôi với hòa bình và ổn định trong khu vực", bà Bishop nói với đài ABC hôm nay.

Trung Quốc ngang nhiên tuyên bố chủ quyền với hầu hết diện tích Biển Đông và gần đây tích cực bồi đắp các đảo nhân tạo, củng cố năng lực quân sự ở khu vực này.

Australia, một đồng minh của Mỹ, từng hứng chịu chỉ trích từ Trung Quốc vì thực hiện các chuyến bay giám sát quanh các đảo tranh chấp ở Biển Đông và ủng hộ hoạt động tự do hàng hải của Mỹ tại đây. Bắc Kinh tháng trước còn yêu cầu Canberra "phát ngôn và hành động cẩn trọng" về Biển Đông.

Australia và Indonesia từng tiến hành các cuộc tuần tra chung ở biển Timor như một phần hợp tác giữa hai nước nhằm chống nạn buôn người và đánh bắt trái phép. Theo bà Bishop, hai nước sẽ thông báo với các nước khác trong khu vực nếu có kế hoạch tuần tra ở Biển Đông.

"Đây là một phần hoạt động thường xuyên của hải quân chúng tôi, là một phần trong cam kết của chúng tôi ở khu vực này và nó phù hợp với quyền tự do hàng hải của Australia, bao gồm ở Biển Đông.

Hồi tháng 7, tòa Trọng tài ở The Hague, Hà Lan, đã ra phán quyết yêu sách "đường lưỡi bò" của Trung Quốc ở Biển Đông là vô giá trị. Tuy nhiên, Bắc Kinh tuyên bố không công nhận phán quyết trên, bất chấp sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế. 

Chuyên đề