Anh nói ông Trump đang thay đổi quan điểm về Nga, coi Moscow là đối thủ

Chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump đang thay đổi lập trường về Nga và giờ đây xem Moscow là đối thủ, Bộ trưởng Quốc phòng Anh Michael Fallon cho biết trong chuyến thăm các quốc gia Baltic hôm qua.
Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Mỹ Donald Trump (Ảnh: AP)
Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Mỹ Donald Trump (Ảnh: AP)

Trong chiến dịch tranh cử hồi năm ngoái, tỷ phú Donald Trump đã bày tỏ sự ngưỡng mộ đối với Tổng thống Nga Vladimir Putin. Liên lạc giữa các cố vấn của ông và Nga trước và sau cuộc bầu cử tổng thống tháng 11 năm ngoái đã làm dấy lên những lo ngại tại châu Âu rằng nhà lãnh đạo Mỹ có thể tìm kiếm một thỏa thuận với Moscow.

Nhưng Bộ trưởng Quốc phòng Anh Michael Fallon hôm qua cho hay Washington giờ đây thận trọng hơn về các cơ hội cải thiện quan hệ với Kremlin.

“Bộ trưởng Quốc phòng và Ngoại trưởng Mỹ không còn ảo tưởng về cách thức chúng ta đối phó với Nga như một đối thủ”, ông Fallon phát biểu trước báo giới ngày 20/4 tại Tapa, Estonia, cách biên giới Nga chỉ 150km.

Trong cuộc phỏng vấn đầu tiên với báo chí châu Âu trước khi nhậm chức, ông Trump đã đề xuất chấm dứt các lệnh trừng phạt của Mỹ chống lại Nga để đổi lại một thỏa thuận cắt giảm vũ khí hạt nhân với Moscow.

Điều đó đi ngược với lập trường chính quyền của cựu Tổng thống Barack Obama. Phương Tây cho rằng các lệnh trừng phạt kinh tế đối với Nga chỉ có thể dỡ bỏ nếu Nga rút khỏi bán đảo Crimea và ngừng hỗ trợ lực lượng đòi độc lập ở đông Ukraine.

“Chúng ta phải hợp tác với Nga”, ông Fallon nói về nhà cung cấp năng lượng lớn nhất của châu Âu. “Chúng ta phải đàm phán với họ khi cần, nhưng chúng ta cũng phải thận trọng. Chúng ta đoàn kết trong cách tiếp cận với Nga và những mối đe dọa tiềm tàng do Nga gây ra”, ông Fallong nói thêm.

Ông Fallon đã tham dự một buổi lễ chào đón một nhóm tác chiến mới của NATO tại Estonia, một phần trong chiến lược liên minh rộng hơn nhằm răn đe Nga.

Trong khi đó, Nga đã lên án việc thành lập lực lượng răn đe mới của NATO là một phần trong chiến lược khiêu khích ở biên giới nước này. 

Chuyên đề