9 đại công trình thay đổi bộ mặt thế giới

Dưới đây là các công trình khổng lồ làm thay đổi bộ mặt thế giới hiện đại được trang Business Insider giới thiệu...
9 đại công trình thay đổi bộ mặt thế giới
Đặt tại huyện Bình Đường, tỉnh Quý Châu, Trung Quốc, kính viễn vọng FAST được đưa vào hoạt động từ tháng 9/2016. Đây là kính viễn vọng lớn nhất thế giới với kích thước tương đương 30 sân bóng đá. 
Theo CNN, kính viễn vọng hình cầu khẩu độ 500m FAST có khả năng phát hiện tín hiệu vô tuyến và dấu hiệu sự sống ở khoảng cách hơn 1.000 năm ánh sáng từ trái đất. Tầm quan sát của FAST lớn hơn gần gấp đôi đài quan sát Arecibo ở Puerto Rico, kính viễn vọng khẩu độ rộng lớn nhất thế giới trong hơn 50 năm qua. Khởi công vào năm 2011, FAST được ghép từ 4.450 tấm kính tam giác với chi phí 185 triệu USD.
Sau 17 năm xây dựng, hầm đường sắt cao tốc Gotthard, chính thức đi vào hoạt động tại Thuỵ Sĩ vào ngày 1/6/2016. Đây là tuyến đường sắt cao tốc xuyên qua dãy Alps của Thụy Sỹ - dãy núi ngăn cách giữa phía Bắc và phía Nam của châu Âu. Nhà chức trách Thụy Sỹ nói rằng Gotthard sẽ đem đến một cuộc cách mạng cho hoạt động vận tải hàng hóa của châu Âu.

Với chiều dài 57km, đây là hầm đường sắt dài và sâu nhất thế giới. Gotthard sẽ vượt qua hầm đường sắt Seikan của Nhật Bản về chiều dài, theo đó “soán ngôi” hầm đường sắt dài nhất thế giới. Với chiều dài 53,9 km, Seikan tụt xuống vị trí thứ hai, trong khi đường hầm Channel Tunnel dài 50,5 km nối giữa Anh và Pháp tụt xuống vị trí thứ ba.
Khởi công vào năm 2007, dự án mở rộng kênh đào Panama khánh thành vào cuối tháng 6/2016. Kênh đào Panama nối liền Thái Bình Dương và Đại Tây Dương đi vào hoạt động từ hơn 100 năm trước. 

Sau khi mở rộng, chiều rộng cửa kênh tăng từ 34m lên 55m, chiều sâu từ 12m lên 18m, cho phép tàu bè tải trọng lớn dễ dàng qua lại. Dự án mở rộng kênh đào này tiêu tốn 5,4 tỷ USD và 40.000 công nhân làm việc ngày đêm trong 9 năm. Mục tiêu của dự án là nhằm tăng gấp đôi lưu lượng tàu bè qua lại, phục vụ giao thương trên toàn thế giới. 

Ước tính, sau khi được mở rộng, công suất trung chuyển qua kênh đào Panama tăng lên 600 triệu tấn hàng hóa mỗi năm, tương đương 12% lượng hàng hóa thương mại thế giới.
Hoàn thành vào năm 2011, cầu vịnh Giao Châu, tại thành phố Thanh Đảo, tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc, là cầu vượt biển dài nhất thế giới. Trải tới gần 42km, cầu vịnh Giao Châu phá kỷ lục của một cầu khác cũng của Trung Quốc - dài 36km bắc qua vịnh Hangzhou thuộc tỉnh Triết Giang. Cầu vịnh Giao Châu có tổng kinh phí xây dựng 2,3 tỷ USD. 
Đập Itaipu nằm ở biên giới Brazil và Paraguay là nhà máy thuỷ điện lớn nhất thế giới với sản lượng gần 100 triệu MWh mỗi năm, vượt qua tổ hợp thuỷ điện Tam Hiệp của Trung Quốc. Đập thuỷ điện này cung cấp 75% năng lượng tiêu dùng của Paraguay và gần 20% của Brazil. 
Cầu Hồng Kông - Chu Hải - Ma Cao sẽ nối liền 3 thành phố và đặc khu lớn thuộc Trung Quốc, dự kiến hoàn thành vào năm 2017. Cây cầu sẽ liên kết ở phía tây của Hồng Kông với Ma Cao và thành phố Chu Hải của tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc. Với chiều dài 29,6km qua sông Châu, cây cầu sẽ giúp giảm thời gian đi lại giữa Hồng Kông, Ma Cao và Chu Hải đáng kể và mang lại lợi ích kinh tế cho cả ba thành phố. Công trình bắt đầu xây dựng vào cuối năm 2009. 
Thành phố Mall of the World tại Dubai, Các tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, dự kiến hoàn thành vào năm 2029. Đây là thành phố của những kỷ lục: trung tâm mua sắm lớn nhất thế giới, công viên trong nhà lớn nhất thế giới, nhà hát văn hóa và khu nghỉ dưỡng chăm sóc sức khỏe có khả năng phục vụ hơn 180 triệu lượt khách mỗi năm. 

Thành phố rộng gần 4,5km2 này bao gồm trung tâm mua sắm khổng lồ Mall of the World (rộng hơn 743.000m2), công viên giải trí trong nhà lớn nhất thế giới, 100 khách sạn gồm 20.000 phòng… Điều đặc biệt là tất cả đều nằm dưới mái vòm điều hòa. Đây sẽ là thành phố điều hoà nhiệt độ đầu tiên trên trái đất. 
Với chiều dài hơn 170km, tuyến đường sắt Riyadh Metro tại Saudi Arabia có kinh phí xây dựng 23,5 tỷ USD. Đây được coi là cuộc cách mạng giao thông của thủ đô Riyadh. Dự kiến, công trình sẽ đi vào hoạt động năm 2019. 
Thành phố thông minh Songdo nằm trên diện tích hơn 6 km2 được xây dựng trên một hòn đảo nhân tạo lấn biển cách thành phố Seoul, Hàn Quốc 65km. Sau 13 năm xây dựng với chi phí gần 40 tỷ USD, thành phố này khánh thành vào năm 2016. 

Đây được coi là giải pháp thức thời cho quá trình đô thị hoá với 40% diện tích là cây xanh. Đây cũng là thành phố Internet kết nối vạn vật với hầu hết thiết bị đều tích hợp cảm biến và kết nối Internet từ đồ dùng gia đình, xe bus… 

Chuyên đề