5 bước đi cuối cùng của Tổng thống Obama làm khó ông Trump

Trong những tuần cuối cùng trước khi kết thúc nhiệm kỳ, Tổng thống Mỹ Barack Obama được cho là đã có những bước đi nhằm bảo vệ những di sản mà chính quyền của ông đã đạt được suốt 8 năm qua, nhưng lại làm khó cho người kế nhiệm Donald Trump.
Tổng thống Mỹ Barack Obama (phải) và Tổng thống đắc cử Donald Trump. (Ảnh: Getty)
Tổng thống Mỹ Barack Obama (phải) và Tổng thống đắc cử Donald Trump. (Ảnh: Getty)

1. Trừng phạt Nga

Tổng thống Obama tuyên bố sẽ đáp trả Nga do nghi vấn Nga tấn công mạng để chi phối bầu cử tổng thống Mỹ. Thực tế, hôm 29/12, Tổng thống Obama đã công bố các lệnh trừng phạt mới nhằm vào Nga, gồm trục xuất 35 quan chức ngoại giao của nước này cũng như đóng cửa 2 khu nhà của người Nga do nghi vấn sử dụng cho mục đích tình báo.

Ông Trump khi đó đã lập tức lên tiếng tỏ ý không nên điều tra hay trừng phạt Nga vì cáo buộc can thiệp bầu cử, thay vào đó “hãy tiến về phía trước”. “Tôi nghĩ chúng ta nên quan tâm đến đời sống của người dân Mỹ. Theo tôi máy tính đã làm phức tạp hóa đời sống. Thời đại máy tính khiến không ai biết chính xác điều gì đang xảy ra”. Mặc dù vậy, lệnh trừng phạt của chính quyền Tổng thống Obama cũng ít nhiều khiến ông Trump phải “dịu giọng” khi nói rằng: “Tuy nhiên, vì lợi ích quốc gia và quần chúng, tôi sẽ gặp gỡ với lãnh đạo cộng đồng tình báo vào tuần tới để cập nhật tình hình về vấn đề này”.

2. Cấm khoan dầu ở Bắc Cực

(Ảnh minh họa: EPA)

Tuần trước, Tổng thống Obama đã ban hành lệnh cấm khoan dầu vô thời hạn ở một số khu vực Bắc Cực và Đại Tây Dương. Lý do ông đưa ra là để bảo vệ các loài động vật biển, tài nguyên sinh thái và động - thực vật bản xứ quan trọng. Kế hoạch này đã vấp phải sự chỉ trích của đảng Cộng hòa, tuy nhiên Nhà Trắng nói rằng Tổng thống đắc cử Trump sẽ không thể đảo ngược quyết định trên trừ khi phải đối mặt với một cuộc chiến pháp lý.

Ông Trump tuy không nói liệu ông có tìm cách đảo ngược quyết định của chính quyền tiền nhiệm hay không, nhưng ông hứa sẽ can thiệp vào các quy định mà ông cho là “giết chết việc làm”. Ông Trump cũng đã đề cử Bộ trưởng năng lượng là người có quan điểm ủng hộ tăng cường khoan dầu.

3. Tiến trình hòa bình Trung Đông

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu. (Ảnh: AFP)

Sau nhiều năm làm trung gian hòa giải bất thành cho Israel và Palestine, Tổng thống Mỹ Obama tuần trước đã ủng hộ nghị quyết của Liên Hợp Quóc lên án việc Israel xây dựng khu tái định cư ở Bờ Tây và Đông Jerusalem. Vài ngày sau đó, Ngoại trưởng John Kerry cũng chỉ trích gay gắt Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu.

Ông Trump đã chỉ trích quyết định của chính quyền Tổng thống Obama. "Chúng ta không thể tiếp tục để Israel bị đối xử một cách thiếu tôn trọng, khinh thường như vậy.. Israel đã từng là một người bạn lớn của Mỹ, nhưng giờ đây đã không còn như vậy nữa. Khởi đầu của sự kết thúc đó là một thỏa thuận hạt nhân Iran khủng khiếp, và bây giờ còn thêm Liên Hợp Quốc. Israel, hãy mạnh mẽ, ngày 20/1 sắp đến rồi", ông Trump bình luận trên Twitter.

4. Chương trình chăm sóc y tế Obamacare

(Ảnh minh họa: AFP)

Trong những tháng cuối cùng của nhiệm kỳ, chính quyền Tổng thống Obama tiếp tục khuyến khích người dân tham gia chương trình chăm sóc y tế vừa túi tiền (Obamacare). Chương trình này đến nay đã thu hút khoảng 6,4 triệu người tham gia. Nhà Trắng hy vọng, nếu càng nhiều người tham gia chương trình này, đảng Cộng hòa càng khó bãi bỏ đạo luật. Trong những tuần cuối cùng, ông Obama được cho là sẽ nhóm họp với các nghị sĩ Dân chủ để đưa ra một chiến lược chung nhằm cứu vãn Obamacare sau khi ông Trump nhậm chức.

Trong khi đó, đảng Cộng hòa kiểm soát Quốc hội và Tổng thống đắc cử Trump tuyên bố sẽ bãi bỏ Obamacare.

5. Đóng cửa nhà tù Guantanamo

Nhà tù Guantanamo. (Ảnh: AFP)

Tổng thống Obama đã tham vấn các nhà làm luật về kế hoạch chuyển khoảng 1/3 số tù nhân còn lại ở nhà tù Vịnh Guantanamo tới nước khác trước khi ông rời khỏi văn phòng. Trong số 59 tù nhân có 22 người đủ điều kiện chuyển đi nơi khác, theo Lầu Năm Góc. Tuy nhiên, ông Trump lại muốn duy trì nhà tù này và đưa thêm tù nhân tới đây.

Chuyên đề