4 tuyệt kỹ nhào lộn của các phi công tiêm kích

Nhờ động cơ vector đẩy và khả năng cơ động cao, một số tiêm kích có thể thực hiện những động tác "không tưởng" đối với phần lớn chiến đấu cơ khác.

Popular Mechanics đưa ra danh sách 4 động tác nhào lộn được xếp vào hàng tuyệt kỹ, làm nên thương hiệu của nhiều máy bay và phi công chiến đấu trên thế giới.

Pugachev's Cobra

Pugachev's Cobra (hổ mang bành) là một động tác nhào lộn phức tạp và đẹp mắt được coi là tuyệt kỹ của các phi công lái chiến đấu cơ Nga. Khi phi công thực hiện động tác này, chiếc tiêm kích đang bay ở tốc độ vừa phải đột nhiên ngóc đầu và lao lên theo phương thẳng đứng, trước khi trở lại theo phương nằm ngang.

Máy bay có thể đạt một góc 90-120º so với hướng tấn công khi thực hiện động tác Pugachev's Cobra.

Pugachev's Cobra đòi hỏi động cơ máy bay phải có lực đẩy rất mạnh để có thể duy trì ở một độ cao nhất định liên tục trong quá trình thực hiện.

Mặc dù một số chiến đấu cơ phương Tây như tiêm kích Saab Draken của Thụy Điển có thể trình diễn Pugachev's Cobra, nhưng thực tế chỉ có Mig-29 và các biến thể từ Su-27 của Nga mới có thể thực hiện một cách hoàn hảo động tác này, khi đưa được máy bay đạt góc độ lớn nhất so với phương nằm ngang.

Tiêm kích T-50 của Nga biểu diễn động tác Pugachev's Cobra

Động tác nhào lộn kiểu Herbst

Động tác này lần đầu tiên được thực hiện bởi thi công lái thử nghiệm người Đức Karl-Heinz Lang vào năm 1993.

Về cơ bản Herbst giống động tác Pugachev's Cobra, nhưng thay vì chỉ dựng đứng và trở lại theo phương nằm ngang, phi công sẽ điều khiển  máy bay quay một vòng trên không khi mũi máy bay đang hướng thẳng lên trời.

Vì vậy, khi phần mũi hạ xuống thì  máy bay sẽ nằm ở một hướng khác so với hướng ban đầu.

Động tác Herbst cho phép phi công cơ động rất nhanh khi quay trở lại góc tấn công. Herbst cần máy bay đạt động năng và tốc độ lớn khi thực hiện.

Tiêm kích F-22 Mỹ trình diễn động tác nhào lộn Herbst

Kulbit

Kulbit là một động tác nhào lộn khép kín, cũng được các phi công tiêm kích Nga thực hiện dựa trên Pugachev's Cobra. Tuy nhiên, thay vì hạ mũi xuống để trở lại theo phương nằm ngang, máy bay sẽ lộn ngược ra phía sau thành một vòng tròn khép kín. 

Các động tác nhào lộn truyền thống có bán kính đủ rộng để máy bay vẫn được nâng lên từ các luồng khí chạy qua cánh. Nhưng trong động tác Kulbit, bán kính vòng lượn quá hẹp để duy trì nguyên tắc bay theo kiểu truyền thống, nên các máy bay thay vì dừng lại thì lộn ngược về phía sau.

Kulbit cũng được biết đến với tên gọi "vòng xoáy của Frolov" hay "vòng xoáy tử thần", do phi công thử nghiệm Yevgeni Frolov thực hiện lần đầu tiên.

Mig-29 Nga biểu diễn động tác Kulbit

Tailslide

Tailslide (lá vàng rơi) là một động tác bay khó, thể hiện bản lĩnh, trình độ của phi công và khả năng cơ động ưu việt của máy bay. Sau khi vọt thẳng lên trời và đạt độ cao tối đa, phi công giảm ga về mức tối thiểu, khiến tốc độ của máy bay giảm dần về mức 0.

Khi đó, chiếc tiêm kích bắt đầu rơi tự do theo hướng ngược lại, tạo cảm giác nó đang bay lùi trên không trung. Nếu máy bay có tỷ lệ lực đẩy trên cánh cao, nó sẽ trôi lơ lửng ở một góc gần như dựng đứng trong khoảng thời gian dài ấn tượng. Sau đó, mũi máy bay lại hạ xuống trở về tư thế truyền thống.

Tailslide có thể thực hiện bởi cả các phi công tiêm kích của Nga và Mỹ cùng một số quốc gia khác trên thế giới.

F-22 trình diễn động tác Tailslide

Chuyên đề