3 rào cản ngăn Mỹ hồi sinh tiêm kích tàng hình F-22

Công nghệ được bảo mật nghiêm ngặt, hệ thống lỗi thời và bộ khung lạc hậu là những nguyên nhân khiến Mỹ dừng sản xuất F-22 mãi mãi.

Tiêm kích F-22 tham gia tập trận Red Flag 17-1

Tướng Hawk Carlisle, tư lệnh tác chiến không quân Mỹ, mới đây hối thúc Lầu Năm Góc nối lại chương trình sản xuất tiêm kích tàng hình F-22 Raptor để giúp Mỹ giữ vững ưu thế trên không trước các đối thủ tiềm tàng, trong bối cảnh dự án tiêm kích đa nhiệm F-35 liên tục gặp vấn đề. Tuy nhiên, việc tiếp tục sản xuất F-22 sẽ không hề dễ dàng với Mỹ bởi những rào cản lớn về công nghệ, theo National Interest.

Công nghệ chế tạo bị giấu kín

F-22 được đánh giá là tiêm kích tốt nhất Mỹ từng chế tạo, với sự kết hợp độc đáo giữa công nghệ tàng hình, tốc độ, khả năng cơ động và các hệ thống cảm biến. Tuy nhiên, dự án đắt đỏ này đã bị ngừng sản xuất khi mới chỉ chế tạo được 187 tiêm kích F-22, chưa đáp ứng một nửa nhu cầu tối thiểu gồm 381 chiếc của không quân.

Tập đoàn Lockheed Martin và không quân Mỹ đã làm tất cả để bảo mật công nghệ chế tạo tiêm kích F-22. Nhưng chính điều này lại làm phát sinh nhiều vấn đề trong quá trình bảo dưỡng, khi các kỹ sư phải vật lộn để sửa chữa các chiến đấu cơ bị hỏng.

Tiêm kích F-22 rất khó bảo dưỡng. Ảnh:National Interest.

Một quan chức không quân cho biết trong một đợt bảo dưỡng, các kỹ sư cần chế tạo mới một bộ phận đặc biệt để thay thế chi tiết bị hỏng hóc trên F-22. Họ tìm đến nơi cất công cụ và tài liệu hướng dẫn chế tạo bộ phận này, nhưng bên trong hoàn toàn trống rỗng, bởi tất cả đã được bảo mật và cất giấu quá chặt chẽ.

Việc này lặp lại vài lần, tới nay vẫn chưa được giải quyết. Vấn đề mấu chốt là ngay cả khi không quân Mỹ muốn, họ cũng không thể tái khởi động dây chuyền sản xuất F-22 nếu phải bỏ ra ngân sách và thời gian quá lớn.

Hệ thống điện tử lạc hậu

Thiết bị điện tử của F-22 bị coi là lạc hậu, trước cả khi nó đi vào vận hành hồi tháng tháng 12/2005. Chiến đấu cơ hiện đại nhất trong biên chế không quân Mỹ này vẫn sử dụng hệ thống máy tính ra đời từ đầu thập niên 1980.

Bộ vi xử lý trung tâm trong hệ thống máy tính trên F-22 chỉ chạy ở tốc độ 25 MHz do mất quá nhiều thời gian từ giai đoạn thiết kế sang sản xuất. Phần mềm của F-22 chạy rất chậm và khó nâng cấp, khiến việc tích hợp các tên lửa AIM-9X và AIM-120D gặp nhiều khó khăn.

Hệ thống điện tử của F-22 cần được nâng cấp hoàn toàn mới trước khi tái khôi phục dây chuyền sản xuất. Bộ vi xử lý và các bộ phận lỗi thời khác của nó đã không được chế tạo trong hàng chục năm, khiến không quân Mỹ phải nghiên cứu lại từ đầu nếu muốn sản xuất mới F-22. Việc tái sản xuất F-22 vì vậy sẽ rất tốn kém, trong bối cảnh ngân sách không quân Mỹ ngày càng eo hẹp.

Khung thân cũ kỹ

Khung thân cơ bản của F-22 sử dụng thiết kế từ thập niên 1980. Tiêm kích này đã trở nên lạc hậu bởi công nghệ tàng hình, động cơ phản lực, hệ thống điện tử và thiết kế khung thân máy bay đã có bước phát triển đáng kể so với thời điểm F-22 ra đời.

Nếu không quân Mỹ đầu tư hàng chục tỷ USD vào một máy bay, họ phải đảm bảo công nghệ đó sẽ vẫn đối phó được các mối đe dọa ra đời sau vài chục năm. Đến năm 2035, dòng F-22 sẽ phục vụ được 30 năm, hầu hết hệ thống của nó sẽ trở nên lạc hậu vô phương cứu vãn.

Khung thân máy bay đã trở nên cũ kỹ. Ảnh:Flickr.

Những lý do này khiến không quân Mỹ khó có thể tái khởi động dây chuyền sản xuất F-22. Bản thân chiến đấu cơ này có thể sẽ không đối phó được với các mối đe dọa trong thập niên 2030, đặc biệt khi tiêm kích tàng hình PAK-FA của Nga và J-20 của Trung Quốc được biên chế.

Thay vào hồi sinh F-22, Mỹ đã bắt tay vào việc chế tạo tiêm kích thế hệ mới có tên mã F-X. Dù không biết dự án này sẽ tiêu tốn bao nhiêu thời gian, chắc chắn nó được thiết kế để đối phó với các mối đe dọa trong tương lai, chuyên gia quốc phòng Dave Majumdar nhận định.

Chuyên đề