2017 và cục diện mới của kinh tế toàn cầu

(BĐT) - Việc tỷ phú bất động sản Donald Trump giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016 là sự kiện gây chấn động gần như không thể dự báo được. Điều này không chỉ thay đổi tình hình chính trị tại Mỹ, mà còn có sức ảnh hưởng lớn tới nền kinh tế - chính trị toàn cầu.
Hoa Kỳ là thị trường đơn lẻ lớn nhất đối với hàng hóa xuất khẩu của Trung Quốc, chiếm khoảng 20% tổng lượng hàng hóa từ Trung Quốc bán ra thị trường nước ngoài
Hoa Kỳ là thị trường đơn lẻ lớn nhất đối với hàng hóa xuất khẩu của Trung Quốc, chiếm khoảng 20% tổng lượng hàng hóa từ Trung Quốc bán ra thị trường nước ngoài

Trung Quốc đau đầu

Thực tế, chiến thắng của ông Trump sẽ ảnh hưởng tới toàn bộ nền kinh tế thế giới, bởi vị tỷ phú này có đủ quyền lực để thay đổi chính sách của nước Mỹ, khi cả nghị viện và thượng viện Mỹ đều nằm trong tay Đảng Cộng hòa do ông là người đại diện.

Một số phát ngôn về kinh tế của ông Trump có thể khiến người nghe cảm thấy mơ hồ, nhưng thái độ của vị Tổng thống đắc cử này với Trung Quốc thì không thể rõ ràng hơn. Donald Trump sẽ chỉ thị Bộ Tài chính Mỹ “gắn nhãn” Trung Quốc là quốc gia thao túng tiền tệ, chống lại Bắc Kinh tại Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và cân nhắc việc đánh thuế lên tới 45% đối với hàng hóa Trung Quốc nhập khẩu vào thị trường Mỹ để bảo vệ các công ty nội địa. Tất cả những điều này đã được ông Trump nhắc tới và nhấn mạnh trong chiến dịch tranh cử của mình.

Hoa Kỳ là thị trường đơn lẻ lớn nhất đối với hàng hóa xuất khẩu của Trung Quốc, chiếm khoảng 20% tổng lượng hàng hóa từ Trung Quốc đại lục bán ra thị trường nước ngoài. Thái độ không lấy làm dễ chịu của vị tân Tổng thống có thể dẫn tới kết quả là những thay đổi về chính sách giao dịch thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc, khiến xuất khẩu của Trung Quốc đại lục chững lại và ảnh hưởng tới việc làm.

Đối diện với rủi ro này, chính quyền Bắc Kinh có 2 sự lựa chọn. Trung Quốc có thể trở nên mềm mỏng hơn bằng cách hứa hẹn gia tăng đầu tư trực tiếp vào Mỹ. Điều này sẽ giúp ông Trump thực hiện cam kết của mình trong chiến dịch tranh cử, đó là xây dựng lại nền kinh tế Mỹ, khiến nước Mỹ lại trở nên vĩ đại. (Khẩu hiệu trong chiến dịch tranh cử của ông Trump là Make America great again – Làm nước Mỹ vĩ đại trở lại).

Cách thứ hai, được dự đoán là cách “thông dụng” hơn, Trung Quốc sẽ có hành động “ăn miếng trả miếng”. Chính quyền Trung Quốc đại lục nắm trong tay vũ khí kinh tế riêng để đối phó với các chính sách “khắc nghiệt” của Mỹ, đó là khối lượng lớn trái phiếu chính phủ Mỹ mà quốc gia này đã không ngừng tích lũy trong các năm qua, cũng như thặng dư thương mại đã nhận được trong giao thương với Mỹ. Trong nhiều năm liền, Trung Quốc luôn là chủ nợ lớn nhất của nước Mỹ.

Bắc Kinh có thể đáp lại mối đe dọa từ ông Trump bằng cách bán hạ giá các tài sản của nước Mỹ, khiến chi phí trả nợ của quốc gia này tăng cao hơn. Bên cạnh đó, việc Trung Quốc áp đặt các loại thuế vào hàng hóa xuất khẩu của Mỹ vào Trung Quốc đại lục cũng được coi là một vũ khí lợi hại nếu ông Trump biến phát ngôn của mình thành sự thật. 

Phần còn lại của châu Á lo lắng

Nếu như giai đoạn trước, nước Mỹ thường hướng tầm nhìn về phía Đông dọc theo Đại Tây Dương thì khi ông Barack Obama nắm quyền, vị tổng thống này đã chuyển hướng các chính sách ngoại giao của nước Mỹ về phía Tây dọc theo Thái Bình Dương.

Điều này được thể hiện qua 3 lĩnh vực chính của nước Mỹ: quân sự, ngoại giao và kinh tế. Ông Obama cho rằng, Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) là cách để đưa các quốc gia như Nhật Bản, Brunei, Singapore và Malaysia đi ra khỏi quỹ đạo mà Trung Quốc là tâm. Tất cả các quốc gia này đều đang có mô hình tăng trưởng dựa vào xuất khẩu và kế hoạch của ông Obama là tạo nên một khu vực kinh tế tự do mà nước Mỹ dẫn đầu, giảm bớt sự phụ thuộc vào xuất khẩu sang Trung Quốc của các quốc gia châu Á.

Kế hoạch này hiện đang trên bờ vực phá sản. Nhiều khả năng, dưới thời của Tổng thống Trump, sẽ chẳng có TPP và các thị trường như Hàn Quốc, Đài Loan đều chịu chung sự chỉ trích như Mexico hay Trung Quốc. Điều này có thể dẫn tới tốc độ tăng trưởng chậm hơn tại châu Á, khi xuất khẩu và đầu tư giảm sút. Nhật Bản, vốn đang trong trạng thái trì trệ gần ¼ thập kỷ qua, dường như là đối tượng chịu rủi ro lớn nhất. Tuy nhiên, mối lo lắng của các quốc gia châu Á đối với ảnh hưởng từ các chính sách kinh tế mới dưới thời ông Trump là nỗi niềm chung, không phải của riêng quốc gia nào. 

Châu Âu rối bời

“Hy vọng điều tuyệt vời nhất, nhưng chuẩn bị cho thứ tệ nhất” - Đây là câu nói tóm tắt chính xác tâm trạng của các thị trường tài chính toàn cầu trong năm 2017
Mối nguy cơ trong ngắn hạn với châu Âu dường như là vấn đề chính trị, không phải là kinh tế. Trong năm 2017, Đức, Pháp và Hà Lan đều sẽ diễn ra bầu cử, trong bối cảnh chủ nghĩa dân túy đang trỗi dậy, một phần nhờ vào chiến thắng bất ngờ của ông Trump.

Tất nhiên, bên cạnh chính trị, châu Âu còn canh cánh nỗi lo về kinh tế. Giống như châu Á, khu vực đồng Euro cũng đang lấy xuất khẩu làm động lực tăng trưởng. Việc ông Trump lên nắm quyền tác động tới nền kinh tế châu Âu ở 2 mặt: thông qua việc giao dịch với nước Mỹ bị thu hẹp và sức mạnh của đồng USD tạo áp lực lên đồng Euro.

Hiệp định Thương mại tự do xuyên Đại Tây Dương (TTIP) giữa châu Âu và Mỹ, vốn đã gây nhiều tranh cãi, hiện lại đối mặt với khó khăn mới từ chủ nghĩa bảo hộ nền kinh tế nội địa của tân Tổng thống Mỹ. Rất có thể, TTIP sẽ không bao giờ có.

Việc thị trường tài chính nhanh chóng ổn định trở lại sau chiến thắng gây sốc của ông Trump được xem là đã giúp các ngân hàng châu Âu thở phào. Hệ thống ngân hàng khổng lồ tại khu vực này đang trong tình trạng bất ổn, khi từ lâu đã có các “tin đồn” về sức khỏe của hệ thống ngân hàng Italia hay ngân hàng lớn nhất nước Đức – Deutsche Bank. Dù hiện tại, nguồn tiền giá rẻ từ gói nới lỏng định lượng của Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) đang giữ những bất ổn này trong im lặng, ít nhất cho tới hiện tại, nhưng trong năm tới, rất có thể những điều bị đè nén sẽ “lên tiếng”.

Trong lòng châu Âu, nước Anh chắc chắn không thoát khỏi sự ảnh hưởng từ chiến thắng của ông Trump. Vương quốc Anh hiện là nhà xuất khẩu dịch vụ lớn thứ hai trên thế giới và nước Mỹ sử dụng các dịch vụ này nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào trên toàn cầu. Tuy nhiên, các biện pháp bảo hộ mà ông Trump muốn sử dụng đang nhắm tới các hàng hóa giá rẻ, thay vì các dịch vụ cao cấp mà nước Anh cung cấp, nên trong ngắn hạn, điều này chưa ảnh hưởng nhiều tới hoạt động của các công ty Anh.

Mexico

Thật thiếu sót nếu không nhắc tới Mexico, một “nạn nhân” rõ ràng sau khi tỷ phú Donald Trump đắc cử. Trong chiến dịch tranh cử của mình, ông Trump đã gửi đi thông điệp: nhiều cư dân Mỹ bị mất việc làm bởi số lượng người nhập cư từ Mexico vào nước Mỹ thông qua Hiệp định Thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA) được Bill Clinton ký vào đầu những năm 90 của thế kỷ XX. Bên cạnh đó, nếu không thể thỏa thuận lại NAFTA, ông Trump có thể đưa nước Mỹ rời khỏi hiệp định này.

Thậm chí, vị tân Tổng thống đe dọa sẽ đánh thuế tới 35% với một số hàng hóa từ Mexico, rà soát và trục xuất những người nhập cư bất hợp pháp đang sống và làm việc tại Mỹ. Trong số này, ước khoảng 5 triệu người tới từ Mexico.

Nếu điều này xảy ra, mối liên kết thương mại giữa Mexico và Mỹ sẽ tụt dốc, các nhà máy phải đóng cửa, đầu tư trực tiếp nước ngoài cạn kiệt và hàng triệu người dân Mexico đang làm việc tại Mỹ sẽ phải quay về quê nhà với số tiền ít ỏi trong tay.

Lời kết: “Hy vọng điều tuyệt vời nhất, nhưng chuẩn bị cho thứ tệ nhất” – Đây là câu nói tóm tắt chính xác tâm trạng của các thị trường tài chính toàn cầu trong năm 2017. Chiến thắng bất ngờ của ông Trump được xem là dấu hiệu cho một sự thay đổi lớn, bởi người dân Mỹ đã không còn muốn chịu đựng sự trì trệ hiện tại. Một sự thay đổi, dù có thể gây đau đớn, nhưng vẫn hơn không có gì thay đổi. Và thay đổi, chưa bao giờ là điều hoàn toàn xấu.

Chuyên đề