10 nước sản xuất nhiều dầu lửa nhất thế giới

10 nước sản xuất dầu lớn nhất thế giới cũng là những nước mà OPEC cần phải dựa vào để vực dậy giá dầu...

Thời gian qua, Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) và Nga đã kêu gọi các nước sản xuất dầu hàng đầu thế giới, cả trong và ngoài khối này, ủng hộ kế hoạch cắt giảm sản lượng cho tới hết năm 2018 nhằm hỗ trợ giá dầu.

Trong cuộc họp tháng 11, OPEC được cho là sẽ tuyên bố gia hạn thỏa thuận cắt giảm sản lượng - thỏa thuận sẽ kết thúc vào tháng 3 năm tới. Dù giá dầu thế giới đã hồi phục bền vững thời gian gần đây, trong đó giá dầu WTI hiện gần 57 USD/thùng và giá dầu Brent gần 64 USD/thùng, nhiều khả năng OPEC vẫn sẽ duy trì việc cắt giảm sản lượng.

Dưới đây là 10 nước sản xuất dầu lớn nhất thế giới - những nước mà OPEC cần phải dựa vào trong nỗ lực giải quyết tình trạng dư thừa dầu trên toàn cầu:

Na-Uy sản xuất 1,57 triệu thùng dầu/ngày trong tháng 8, so với mức 1,62 triệu thùng dầu/ngày trong tháng 7 - theo dữ liệu được hãng tin CNBC trích dẫn từ tổ chức Joint Organizations Data Initiative (JODI).
Angola là một thành viên OPEC và là nước sản xuất dầu lớn thứ nhì của châu Phi, sản xuất 1,68 triệu thùng dầu/ngày trong tháng 8. Đây là tháng thứ ba liên tiếp Angola tăng sản lượng dầu.
Mexico khai thác 1,94 triệu thùng dầu/ngày trong tháng 8, tháng giảm sản lượng dầu thứ ba liên tiếp. Về kế hoạch của OPEC muốn cắt giảm sản lượng đến hết năm 2018, giới chức Mexico nói rằng nước này chưa được OPEC tham vấn. Từ năm ngoái, một loạt nước ngoài OPEC, trong đó có Mexico, đã ủng hộ nỗ lực của OPEC nhằm giảm tình trạng dư thừa dầu trên toàn cầu.
Sản lượng dầu tháng 8 của Nigeria đạt khoảng 1,99 triệu thùng/ngày. Nước sản xuất dầu lớn nhất châu Phi từng tuyên bố sẽ cân nhắc đặt hạn chế khai thác một khi sản lượng dầu ổn định trên mức này. OPEC cho phép Nigeria và Libya, hai thành viên của khối, tạm thời chưa phải tuân thủ việc cắt giảm sản lượng vì nội chiến khiến sản lượng dầu của hai nước giảm mạnh thời gian qua.
Venezuela khai thác 2,1 triệu thùng dầu/ngày trong tháng 8, giảm nhẹ so với mức sản lượng của tháng 7. Hồi đầu tháng 10, Venezuela nói liên minh OPEC với các nước ngoài khối sẽ nỗ lực kêu gọi thêm 16 nước nữa tham gia vào kế hoạch cắt giảm sản lượng dầu. Theo kế hoạch đang được thực thi, các nước OPEC và ngoài khối tham gia liên minh giảm sản lượng 1,8 triệu thùng/ngày.
Canada sản xuất 3,12 triệu thùng dầu/ngày trong tháng 8, giảm nhẹ so với tháng 7.
Iraq là quốc gia sản xuất dầu lớn thứ nhì trong OPEC, khai thác 4,38 triệu thùng/ngày trong tháng 8, từ mức 4,4 triệu thùng/ngày trong tháng 7. Hiện nước này vẫn chưa giảm sản lượng về mức mà họ đã nhất trí trong thỏa thuận cắt giảm sản lượng đạt được vào năm ngoái.

Mỹ khai thác 9,34 triệu thùng dầu/ngày trong tháng 8, tháng tăng sản lượng dầu thứ ba liên tục. OPEC đã kêu gọi các nhà khai thác dầu đá phiến của Mỹ hỗ trợ kế hoạch cắt giảm sản lượng, cảnh báo rằng có thể sớm phải cần tới những biện pháp chưa từng có tiền lệ để tái cân bằng thị trường dầu lửa.

Năm nay, các nhà khai thác dầu đá phiến đã đưa sản lượng dầu của Mỹ tăng gần 10%, theo hãng tin Reuters, trong khi OPEC và một số nước ngoài khối, bao gồm Nga, cắt giảm sản lượng để vực dậy giá dầu.

Saudi Arabia là thủ lĩnh không chính thức và cũng là nước sản xuất dầu lớn nhất trong OPEC. Trong tháng 8, nước này sản xuất 9,95 triệu thùng dầu/ngày, lần đầu tiên giảm dưới 10 triệu thùng/ngày kể từ tháng 5.

Saudi Arabia đã đóng góp phần lớn trong mức cắt giảm sản lượng mà OPEC thực thi từ tháng 1 năm nay.

Nga "soán ngôi" nước sản xuất dầu lửa lớn nhất thế giới của Saudi Arabia vào tháng 12/2016. Quốc gia không phải thành viên OPEC này khai thác 10,34 triệu thùng dầu mỗi ngày trong tháng 8, giảm nhẹ so với tháng 7.

Nga hiện là đối tác chính của OPEC trong thỏa thuận cắt giảm 1,8 triệu thùng dầu mỗi ngày đến hết tháng 3/2018. Mục tiêu của thỏa thuận này là giảm tình trạng dư thừa dầu trên toàn cầu, nguyên nhân gây sức ép giảm mạnh đối với giá dầu suốt 3 năm qua.

Chuyên đề