Xử nặng những DNNN không công bố thông tin

(BĐT) - Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), tính đến ngày 31/12/2016, cả nước có tới 379 doanh nghiệp nhà nước (DNNN) chưa thực hiện công bố thông tin theo quy định. Hình thức xử lý nghiêm khắc đối với những DN này đang được Bộ KH&ĐT xem xét kiến nghị áp dụng trong thời gian tới.
Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc có 3 doanh nghiệp chưa công bố thông tin. Ảnh: Nhã Chi
Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc có 3 doanh nghiệp chưa công bố thông tin. Ảnh: Nhã Chi

Doanh nghiệp lớn thờ ơ với công bố thông tin

Theo quy định hiện hành về công bố thông tin của DNNN, các công ty con do DNNN sở hữu 100% vốn điều lệ phải công bố thông tin trên Trang thông tin điện tử của DN, đồng thời gửi các báo cáo công bố thông tin về cơ quan đại diện chủ sở hữu, Bộ KH&ĐT để thực hiện công bố thông tin.

Tuy nhiên, theo tổng hợp mới nhất của Bộ KH&ĐT, đến ngày 31/12/2016, mới có 241 trong số 620 DN  gửi báo cáo đến Bộ KH&ĐT để thực hiện công bố thông tin. 379 DN còn lại chưa thực hiện, trong đó có không ít DN lớn hoạt động trong những lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế. Danh sách các DN lớn chưa thực hiện công bố thông tin có thể kể đến như: Công ty TNHH MTV Đầu tư SCIC (SIC) thuộc Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước; Ngân hàng Phát triển Việt Nam; Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam; Công ty TNHH MTV Đầu tư và Phát triển HPI; 3 doanh nghiệp thuộc Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (Công ty TNHH MTV Vận hành và Bảo trì đường cao tốc Việt Nam, Công ty TNHH Nhà xuất bản GTVT, Công ty TNHH MTV Thông tin điện tử hàng hải Việt Nam)…

Tính theo ngành, các DN chưa công bố thông tin chủ yếu thuộc lĩnh vực thủy nông, thủy lợi; DN là công ty nông, lâm nghiệp, xổ số kiến thiết của các địa phương. Đặc biệt, các công ty con do công ty mẹ nắm 100% vốn tại một số DN lớn cũng có tên trong danh sách chưa công bố thông tin. Trong đó, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam có 5 DN; Tập đoàn Hóa chất Việt Nam  có 2 DN; Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam có 6 DN và Tập đoàn Cao su Việt Nam có 4 DN.

Chế tài mạnh với doanh nghiệp vi phạm

Giờ là lúc chúng ta phải hành động, phải xử nặng những DNNN không thực hiện công bố thông tinÔng Nguyễn Hoàng Hải
Đề cập về chế tài xử lý đối với DNNN vi phạm quy định về công bố thông tin, đại diện Cục Phát triển DN thuộc Bộ KH&ĐT cho biết, hiện chế tài xử lý đối với DNNN vi phạm không công bố thông tin là rất rõ ràng.

Cụ thể, Điều 23 Nghị định số 81/2015/NĐ-CP của Chính phủ quy định: “Cơ quan đại diện chủ sở hữu nhà nước áp dụng hình thức khiển trách hoặc cảnh cáo người quản lý DN trong trường hợp vi phạm các quy định như: Không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ, không đúng thời hạn các quy định về công bố thông tin; nội dung công bố thông tin không trung thực theo quy định tại Nghị định này”. Bên cạnh đó, Điều 27 Nghị định số 50/2016/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực KH&ĐT cũng quy định phạt tiền tối đa là 15 triệu đồng đối với DN vi phạm quy định về công bố thông tin. Trường hợp DN sau khi bị phạt vẫn tiếp tục vi phạm, cơ quan có thẩm quyền lập danh sách gửi chủ sở hữu là các bộ, ngành, địa phương đề nghị kỷ luật lãnh đạo quản lý DN theo các mức phạt từ cảnh cáo, hạ bậc lương,… đến đề nghị buộc thôi việc.

Ông Nguyễn Hoàng Hải, Phó Chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam nhấn mạnh quan điểm: “Giờ là lúc chúng ta phải hành động, phải xử nặng những DNNN không thực hiện công bố thông tin”. Theo ông Hải, những quy định hiện hành đã có chế tài, nếu DN nào vi phạm chậm công bố thông tin hoặc công bố thiếu thông tin, công bố thông tin sơ sài thì phải xử lý thật nghiêm mới tạo được sức răn đe.

Theo thông tin từ Bộ KH&ĐT, dự kiến, trong cuối tháng 2 hoặc đầu tháng 3/2017, Bộ sẽ có văn bản trình Chính phủ kiến nghị hình thức xử lý nghiêm khắc đối với những DNNN không tuân thủ quy định về công bố thông tin.

Chuyên đề