Xử lý nghiêm vi phạm trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội

(BĐT) - Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đang dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội, đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho biết, Nghị định số 95/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội, đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, Nghị định số 88/2015/NĐ-CPngày 7/10/2015 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 95/2013/NĐ-CP đã góp phần thực thi có hiệu quả hệ thống pháp luật về lao động, công đoàn, bảo hiểm xã hội, đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, nhiều Luật có liên quan trực tiếp đến Nghị định số 95/2013/NĐ-CP và Nghị định số 88/2015/NĐ-CP đã được sửa đổi, ban hành mới làm cho một số quy định trong 2 Nghị định trên không còn phù hợp với Luật nội dung, nhiều hành vi vi phạm mới, thẩm quyền xử phạt mới chưa được quy định để xử phạt, cụ thể như: Luật Bảo hiểm xã hội 2014 thay thế Luật Bảo hiểm xã hội 2006, theo đó những hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội quy định tại Nghị định số 95/2013/NĐ-CP và Nghị định số 88/2015/NĐ-CP không còn phù hợp với luật nội dung, ngoài ra, Luật Bảo hiểm xã hội 2014 có bổ sung thẩm quyền xử phạt của cơ quan bảo hiểm xã hội mà Nghị định số 95/2013/NĐ-CP và Nghị định số 88/2015/NĐ-CP chưa quy định.

Luật An toàn, vệ sinh lao động năm 2015 mới được ban hành, theo đó, những hành vi vi phạm hành chính về an toàn, vệ sinh lao động quy định tại Nghị định số 95/2013/NĐ-CP và Nghị định số 88/2015/NĐ-CP không còn phù hợp với luật nội dung và nhiều hành vi vi phạm Luật An toàn, vệ sinh lao động năm 2015 chưa được quy định để xử phạt. Bộ luật hình sự năm 2015 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự năm 2017 được ban hành, theo đó, một số hành vi vi phạm pháp luật về lao động, an toàn lao động, bảo hiểm xã hội vừa bị xử lý hành chính, vừa bị xử lý hình sự; hoặc có hành vi vi phạm, để bị xử lý hình sự thì phải bị xử lý vi phạm hành chính về hành vi này.

Bên cạnh đó, quá trình tổng kết tình hình thi hành Nghị định số 95/2013/NĐ-CP và Nghị định số 88/2015/NĐ-CP đã cho thấy, 2 Nghị định trên gặp phải một số bất cập, khó khăn trong việc xử lý vi phạm hành chính đối với các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội, an toàn, vệ sinh lao động và đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng như: mức xử phạt thấp, hình thức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả chưa đảm bảo tính răn đe; tổ chức thi hành quyết định xử phạt gặp khó khăn (đối tượng vi phạm chây ì không thực hiện quyết định xử phạt, hay một số biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt chưa mang lại hiệu quả cao), khó khăn trong việc xác định tổ chức vi phạm hành chính.

Do đó, cần thiết phải sửa đổi, bổ sung các quy định về xử phạt vi phạm hành chính hiện hành trong lĩnh vực lao động (trong đó có an toàn, vệ sinh lao động), bảo hiểm xã hội, đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng nhằm kịp thời đưa những quy định mới của pháp luật vào cuộc sống, nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật và kịp thời xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội, đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội, đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng gồm 6 chương, 56 điều. Bên cạnh các quy định chung, dự thảo đã quy định rõ hành vi vi phạm, hình thức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả đối với hành vi vi phạm trong lĩnh vực lao động; bảo hiểm xã hội; đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng…

Chuyên đề