Vụ ‘mất tích’ 213 container: Dùng địa chỉ 'công ty ma' để trung chuyển hàng hóa

Ông Nguyễn Khánh Quang, Cục phó Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan) cho biết: Về vụ 213 container “mất tích” tại cảng Cát Lái, TP Hồ Chí Minh, hải quan phát hiện nhiều công ty 'ma' đã tham gia vận chuyển container khỏi cảng Cát Lái, nhưng không được đưa đến cửa khẩu xuất theo quy định.
Trong quá trình điều tra số container mất tích bí ẩn, hải quan và công an còn bắt thêm được hơn 100 container có ý định tẩu tán. Ảnh minh họa/Dân trí.
Trong quá trình điều tra số container mất tích bí ẩn, hải quan và công an còn bắt thêm được hơn 100 container có ý định tẩu tán. Ảnh minh họa/Dân trí.

Theo ông Quang, qua nắm tình hình, rà soát, lực lượng hải quan phát hiện đây là phương thức mới, lợi dụng hình thức hàng trung chuyển để buôn lậu, nên đã báo cáo lãnh đạo tổ chức công tác điều tra, xác minh khẩn trương. Một thủ đoạn tuy không mới, nhưng trắng trợn là việc thành lập công ty “ma”, nên khi lực lượng chức năng tới xác minh tìm đến địa chỉ doanh nghiệp thì hầu hết là không có thật.

Đại diện Tổng cục Hải quan nhấn mạnh: Trước hết là khâu quản lý thành lập doanh nghiệp còn lỏng lẻo. Nhiều công ty trên danh nghĩa giấy tờ là có, nhưng sau khi hoạt động phạm tội xong thì biến mất không còn dấu vết. Địa chỉ không đúng theo giấy phép, người đứng tên không hoạt động trong lĩnh vực xuất nhập khẩu, thậm chí không có kiến thức gì về lĩnh vực này; chưa kể có trường hợp ăn cắp giấy chứng minh thư để lập công ty. “Hải quan đã khởi tố và bàn giao cho cơ quan điều tra Bộ Công an. Vụ việc vẫn đang được điều tra làm rõ”, ông Quang nói.

Điểm mới của ngành hải quan là đã triển khai chương trình giám sát bằng hệ thống camera, trong đó có TP Hồ Chí Minh là cảng biển lớn nhất cả nước. Trong quá trình giám sát vận chuyển các lô hàng tạm nhập tái xuất qua cảng trung chuyển, lực lượng hải quan còn được áp dụng nhiều biện pháp kỹ thuật khác.

Trước đó, đại diện Tổng cục Hải quan thông tin: Đối với vụ việc 213 container "mất tích" trong 2 năm (2015 - 2016), Tổng cục Hải quan đã chủ động thành lập các đoàn kiểm tra việc triển khai thủ tục hải quan đối với hàng hóa vận chuyển độc lập tại một số cục hải quan tỉnh, thành phố khu vực trọng điểm phía Bắc và phía Nam. Từ đó đã phát hiện từ giữa năm 2015 có 213 container của 56 doanh nghiệp vận chuyển quá cảnh qua cảng Cát Lái (cửa khẩu nơi đi) để trung chuyển bằng đường bộ, sau đó xuất đi Campuchia (cửa khẩu nơi đến). Tuy nhiên, toàn bộ số container trên đã được doanh nghiệp vận chuyển khỏi cảng Cát Lái, nhưng không được đưa đến cửa khẩu xuất theo quy định.

Các đối tượng đã lợi dụng trong khâu cấp phép đăng ký kinh doanh và quản lý sau cấp phép để hoạt động buôn lậu. Qua xác minh của cơ quan hải quan, 56 doanh nghiệp có 213 container nêu trên đều đã không còn hoạt động hoặc không có trụ sở tại địa chỉ đã đăng ký.

Theo Tổng cục Hải quan, việc container "biến mất" còn là do một số công chức thừa hành tại Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 1 - Cục Hải quan TP Hồ Chí Minh đã thực hiện chưa đúng quy trình nghiệp vụ (cập nhật thông tin, theo dõi tình trạng vận chuyển hàng hoá; truy tìm hàng khi đã quá thời hạn đăng ký mà chưa có thông tin xác nhận hàng đã đến đích...).  Thông thường, hàng hóa quá cảnh tại cảng Cát Lái phải khai tờ khai vận chuyển độc lập, phải đăng ký BOA (hệ thống xác nhận hàng hóa quá cảnh đã làm thủ tục hải quan ở cửa khẩu nơi đi). Khi hàng quá cảnh rời khỏi cảng Cát Lái để xuất đi Campuchia, cơ quan hải quan phải xác nhận trên BIA (hệ thống xác nhận hàng hóa đã làm thủ tục ở cửa khẩu nơi đến), hoàn tất quy trình vận chuyển.

Vì vậy, Tổng cục Hải quan đã chỉ đạo Cục Hải quan TP Hồ Chí Minh xem xét, xử lý nghiêm những công chức có hành vi sai phạm; đồng thời kiến nghị cần phải chấn chỉnh khâu cấp phép và tăng cường công tác quản lý sau cấp phép đối với doanh nghiệp của các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương.

Chuyên đề