Vụ lừa đảo qua sàn vàng Khải Thái: Không được phép vẫn huy động vốn

(BĐT) - Tại phiên tòa, Saga, người đã thành lập Công ty Khải Thái, thu hút hàng nghìn người gửi tiền ủy thác đầu tư khai rằng nhiều công ty vàng bạc ở nước ngoài vẫn  huy động vốn dưới hình thức ủy thác đầu tư. “Tôi nghĩ mình cũng có thể làm tương tự. Sau này, tôi mới biết đó là hành vi vi phạm pháp luật” – Saga trình bày trước tòa án.
Bị cáo Hsu Ming Jung tại phiên tòa sáng 11.12. Ảnh Internet
Bị cáo Hsu Ming Jung tại phiên tòa sáng 11.12. Ảnh Internet

Được biết trong các ngày từ 11 – 19/12, Tòa án nhân dân TP Hà Nội mở lại phiên tòa xét xử vụ án Lừa đảo chiếm đoạt tài sản của hơn 700 người thông qua sàn vàng Khải Thái.

Theo cáo buộc, Công ty TNHH Tư vấn đầu tư Khải Thái do Hsu Minh Jung (thường gọi là Saga) mang quốc tịch Đài Loan thành lập từ năm 2011 với vốn điều lệ 20 tỷ đồng. Saga mới là người chỉ đạo, quản lý tất cả hoạt động của công ty.

Thời gian đầu, Công ty Khải Thái đã cung cấp dịch vụ “đánh” vàng tài khoản. Nhưng do hoạt động này không mang lại lợi nhuận như mong muốn, Saga đã đưa ra loại hình kinh doanh mới là huy động tiền gửi của khách hàng dưới hình thức ủy thác đầu tư với lãi suất cao từ 3 – 3,5%/tháng, kỳ hạn từ 3 – 12 tháng.

Trong quá trình hoạt động, Công ty Khải Thái đã thu của 1.586 khách hàng với tổng số tiền hơn 501 tỷ đồng. Cho đến nay, có 724 người đến trình báo với tiền thiệt hại được xác định là 269,5 tỷ đồng.

Trả lời HĐXX về việc huy động vốn dù Giấy phép đăng ký kinh doanh không có ngành nghề này, Saga khai trước khi vào đầu tư ở Việt Nam, bị cáo có tìm hiểu các thông tin về pháp luật, truyền thông, nhưng muốn đón đầu kinh doanh nên công ty đã tổ chức huy động vốn dưới hình thức ủy thác đầu tư.

Theo lời khai của Saga, Công ty Khải Thái có 3 chi nhánh, thời gian đầu kinh doanh vàng tài khoản và có lãi. Việc huy động vốn dưới hình thức ủy thác đầu tư được triển khai từ năm 2013. Khi thực hiện, Công ty đã tổ chức họp và chỉ đạo các nhân viên công ty, lấy lý do công ty kinh doanh vàng để kêu gọi và huy động vốn từ khách hàng. Thời hạn ủy thác thường 3 tháng đến 1 năm, lãi suất từ 3 – 3,5%/tháng.

Saga khai để khuyến khích các nhân viên của công ty tìm kiếm khách hàng gửi tiền, Saga chỉ thưởng cho nhân viên thông qua hình thức trả lương, có trích %. Số tiền huy động được sử dụng vào việc đầu tư, kinh doanh vàng và tiền tệ. Đầu tư vào công ty ở Đài Loan, Quảng Châu để kinh doanh vàng.

Cơ quan điều tra đã tiến hành xác minh nhưng kết quả không có các công ty này. Số tiền chuyển về Đài Loan là hơn 80 tỉ đồng và chuyển cho một số cá nhân khác.Theo lời khai của Saga, ngoài việc chuyển tiền về Đài Loan, công ty không có hoạt động nào khác.

Bị cáo Phan Kiện Trung, từng là phiên dịch cho Saga, sau đó được giao làm quản lý nhân sự, tuyển dụng nhân lực, soạn thảo nội dung đào tạo nhân viên... Tuy nhiên, tại tòa bị cáo Trung phủ nhận việc làm công tác quản lý nhân sự và Maketing. Bị cáo Trung khai trong các cuộc họp với các giám đốc chi nhánh và nhân viên, chủ trương mà Saga đưa ra, bị cáo chỉ phiên dịch lại, không chỉ đạo lại cho các nhân viên. Công ty chỉ làm nhiệm vụ tư vấn cho khách hàng. Bị cáo chỉ là nhân viên, không cung cấp mã nguồn cho khách hàng, không biết kinh doanh vàng qua tài khoản là trái pháp luật.

Bị cáo Đoàn Thị Luyến, nguyên Giám đốc phụ trách chi nhánh Charmvit, khai không biết hoạt động ủy thác đầu tư, khi soạn các câu hỏi tình huống cho nhân viên kinh doanh chỉ nói là hoạt động đầu tư. Sau này, khi làm việc với cơ quan điều tra, bị cáo mới nhận thức rõ sai phạm.

Lời khai một số bị cáo khác cũng khẳng định không biết hoạt động ủy thác đầu tư, chỉ biết công ty sẽ đầu tư hộ để khách hàng có lãi. Khi có thắc mắc của khách hàng, cấp dưới sẽ xin ý kiến của Saga, Saga hướng dẫn trả lời thế nào thì nói như vậy. Bị cáo Đinh Thị Hồng Vinh trình bày bị cáo cảm thấy có lỗi với những khách hàng nhưng bị cáo không có mục tiêu giúp sức cho Saga lừa đảo khách hàng, chỉ làm đúng chức năng nhân viên được giao.

Đáng chú ý, trong ngày xét xử thứ 2, anh trai Saga có mặt tại tòa và xuất trình tài liệu thể hiện công việc kinh doanh của Saga ở Đài Loan. Cụ thể là hoạt động hợp tác ủy thác đầu tư với một công ty tnhh quản lý tài sản ở Trung Quốc với phần vốn góp 5 triệu nhân dân tệ.

Liên quan Công ty Fuxing mà Saga khai có hoạt động đầu tư, cơ quan điều tra đã xác minh nhưng không có công ty tại địa chỉ Saga khai nhận. Ông Thực, một bị hại cho biết ông từng sang Singapore đến thăm quan Công ty Fuxing và có tấm card của một người là Chủ tịch HĐQT, trên đó có ghi rõ địa chỉ công ty. Ông Thực đã nộp card này cho tòa án.

Chuyên đề