Vụ cầu vừa thông xe kỹ thuật đã sập ở Cà Mau: Nhà thầu lặn mất tăm (Kỳ 2)

(BĐT) - Sau sự cố sập cầu Ô Rô ở huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau, mọi nỗ lực kết nối của UBND huyện Ngọc Hiển cũng như các cơ quan chức năng lẫn giới truyền thông với nhà thầu xây dựng công trình này là Công ty TNHH Tập đoàn thương mại Sử Thành Phú (Cà Mau) đều rất khó khăn...
Đường đầu cầu Ô Rô đi trên bãi bồi giữa 2 tuyến sông có địa chất rất yếu. Ảnh: Gia Bách
Đường đầu cầu Ô Rô đi trên bãi bồi giữa 2 tuyến sông có địa chất rất yếu. Ảnh: Gia Bách

Nghi vấn lớn nhất lúc này đang tập trung vào năng lực của nhà thầu và khả năng công trình bị “rút ruột”.

Nhà thầu xin làm lại phần cầu đã bị sập

Trong buổi làm việc với phóng viên Báo Đấu thầu chiều 16/8/2016, ông Lý Hoàng Tiến, Chủ tịch UBND huyện Ngọc Hiển cho biết, sau khi sự cố xảy ra, lãnh đạo Huyện đã nghe báo lại rằng, phía nhà thầu có đề xuất xin được xây dựng lại phần cầu đã bị sập. Sau khi có kết luận cuối cùng của Đoàn kiểm tra, nếu phần lỗi thuộc về nhà thầu thì kinh phí xây dựng lại do nhà thầu chịu; trường hợp lỗi thuộc về các yếu tố khác, bao gồm các yếu tố tự nhiên, thì phía chủ đầu tư chịu. Tuy nhiên, theo ông Tiến, hiện đề xuất này của nhà thầu vẫn chưa có câu trả lời cuối cùng từ phía các cơ quan chức năng, nhất là từ phía UBND tỉnh Cà Mau.

Để tìm hiểu cụ thể hơn về sự cố này, phóng viên cũng đã liên lạc với ông Sử Thành Phú, Giám đốc Công ty TNHH Tập đoàn thương mại Sử Thành Phú. Mặc dù ông Phú đã đồng ý gặp, nhưng sau đó không hiểu vì lý do gì điện thoại của ông luôn ở trong tình trạng bận hoặc tắt máy. Ông Tiến cho biết, từ ngày cầu Ô Rô sập, ngay bản thân ông gọi ông Phú cũng rất khó, lúc thì máy bận, lúc tắt máy, có lúc điện thoại đổ chuông nhưng không nghe. “Chúng tôi không bình luận gì về năng lực của nhà thầu, vì khi tham gia đấu thầu rộng rãi, họ đủ điều kiện để tham gia. Gói thầu Xây dựng cầu Ô Rô do UBND huyện Ngọc Hiển làm chủ đầu tư, nhưng Sở Giao thông vận tải tỉnh Cà Mau lại được giao nhiệm vụ phê duyệt về mặt kỹ thuật, nên việc đánh giá cũng rất khó” - ông Tiến phân trần.

Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Đấu thầu, Công ty TNHH Tập đoàn thương mại Sử Thành Phú đóng tại địa chỉ Khóm 11, thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau. Doanh nghiệp này được cấp giấy phép kinh doanh vào ngày 29/8/2005, chính thức đi vào hoạt động ngày 20/9/2005. Ông Tiến cho biết thêm, thời gian qua, công ty này trúng thầu và thi công nhiều dự án tương tự trên địa bàn tỉnh Cà Mau, nhưng sự cố sập cầu Ô Rô vừa rồi là “vố” đầu tiên!

Trách nhiệm thuộc về ai?

Một câu hỏi được dư luận quan tâm hiện nay là trong sự cố sập cầu Ô Rô, trách nhiệm cuối cùng sẽ thuộc về ai? Ông Tiến cho rằng, nếu nguyên nhân sập cầu là do các yếu tố bất khả kháng từ tự nhiên thì khác, còn nếu không phải xuất phát từ yếu tố này, thì “công, tội” của cả 4 bên gồm nhà thầu, đơn vị tư vấn thiết kế, đơn vị tư vấn giám sát, và cả chủ đầu tư phải được xem xét một cách khách quan. “Hiện nay, bất cứ công trình nào không đạt hoặc gặp phải sự cố thì hay nghiêng về việc buộc lỗi cho nhà thầu. Tuy nhiên, ở các nước trên thế giới, họ xem xét cùng lúc 4 bên nói trên. Nếu lỗi thuộc về bên nào thì bên ấy phải chịu” - ông Tiến lý giải.

Theo ông Dương Hoài Nam, Giám đốc Sở Giao thông vận tải tỉnh Cà Mau, qua xác định ban đầu của Đoàn kiểm tra, nguyên nhân xảy ra sự cố sập cầu là do mố A cầu Ô Rô chỉ cách mố B cầu Hàng Dày khoảng hơn 50m. Lại thêm, đường đầu cầu đi trên bãi bồi giữa 2 tuyến sông có địa chất rất yếu. Bên cạnh đó, cầu bắc qua sông Ô Rô chỉ cách Ngã ba Đình khoảng 150m, do sông sâu, nước chảy mạnh nên đường đầu cầu có nguy cơ mất ổn định cao. Tuy nhiên, đó vẫn chưa phải là câu trả lời cuối cùng, vì phải chờ kết quả giám định của các bên.

Được biết, ngoài việc khẩn trương làm rõ nguyên nhân và trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan về vụ sập cầu Ô Rô theo yêu cầu của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, mới đây UBND tỉnh Cà Mau cũng đã chỉ đạo các sở, ban ngành và địa phương khảo sát lại tất cả các cầu trên địa bàn Tỉnh. Dư luận ở địa phương và giới chuyên môn cho rằng, dù xuất phát từ yếu tố nào đi nữa thì việc để xảy ra sự cố trên vẫn là không thể chấp nhận được. Bởi vì, trước mỗi dự án đều có nghiên cứu, đánh giá, khảo sát địa chất công trình, chứ không phải như làm một cây cầu khỉ ở miền Tây. Nghi vấn lớn nhất hiện vẫn tập trung vào nhà thầu của dự án này thiếu năng lực, kinh nghiệm và cả lo ngại về khả năng công trình bị “rút ruột”.

Chuyên đề