Vụ cầu vừa thông xe kỹ thuật đã sập ở Cà Mau: “Cái kết” được dự báo trước (Kỳ 1)

(BĐT) - Nhiều dấu hỏi lớn đang được đặt ra khi công trình cầu Ô Rô ở huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau vừa mới thông xe kỹ thuật đầu năm 2016 và chưa kịp nghiệm thu đã bị sập.
Nguyên nhân dẫn đến sập cầu Ô Rô vẫn chưa tìm ra. Ảnh: Gia An
Nguyên nhân dẫn đến sập cầu Ô Rô vẫn chưa tìm ra. Ảnh: Gia An

Một chi tiết đáng chú ý là, ngay trong quá trình thi công, nhà thầu phát hiện móng cầu một phía bờ đã bị sạt lở. Trong khi đang xin thêm kinh phí và lên phương án để gia cố móng, thì bất ngờ phía móng còn lại ở bờ bên kia cũng bị sập. 

Sập vào ban ngày, hậu quả sẽ khôn lường

Cầu Ô Rô bắc qua kênh Ô Rô, thuộc ấp Khai Long, xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau bị sập vào khoảng khuya ngày mùng 5 rạng sáng ngày 6/8/2016, làm hai nhịp dài khoảng 20m đổ ụp xuống kênh, khiến người dân ở địa phương một phen kinh hồn bạt vía. Những ngày qua, một nửa cây cầu vẫn nằm chỏng chơ trên cạn, nửa còn lại chìm sâu dưới đáy kênh, huyết mạch giao thông bị tắc nghẽn, trong khi nguyên nhân dẫn đến sự cố vẫn chưa được tìm ra.

Tại buổi làm việc với phóng viên Báo Đấu thầu chiều ngày 16/8/2016, ông Lý Hoàng Tiến, Chủ tịch UBND huyện Ngọc Hiển cho biết, ngay sau khi sự cố xảy ra, UBND huyện đã báo cáo ngay với UBND Tỉnh và UBND Tỉnh đã chỉ đạo thành lập Đoàn kiểm tra gồm 12 cán bộ lãnh đạo, kỹ thuật thuộc Sở Giao thông vận tải, Sở Xây dựng, Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Tài chính, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, do ông Dương Hoài Nam, Giám đốc Sở Giao thông vận tải làm Tổ trưởng. Đoàn kiểm tra đã đưa ra những đánh giá bước đầu, đồng thời thuê một đơn vị bên ngoài để giám định độc lập, kết quả sẽ công bố trong những ngày tới.

Một chi tiết đáng chú ý là, dù cầu Ô Rô hoàn thành việc xây dựng vào cuối năm 2015 và đã thông xe kỹ thuật đầu năm 2016 nhưng hiện vẫn chưa được nghiệm thu, do trước đó phát hiện những dấu vết bất thường về sạt lở ở phần móng phía bờ Nam. Ông Tiến cho hay, khi phát hiện có dấu hiệu sạt lở ở bờ Nam, nhà thầu đã xin chủ đầu tư được phát sinh thêm mấy trăm triệu đồng để gia cố. Theo kế hoạch, tháng 9/2016, cầu Ô Rô sẽ được nghiệm thu, nhưng bất ngờ khuya ngày mùng 5 rạng ngày 6/8/2016, phía bờ Đông của cầu bỗng đổ ụp xuống kênh. “Trong cái rủi có cái may. Nếu cầu này sập vào ban ngày hậu quả sẽ khó lường, vì có rất nhiều người và xe cộ qua lại”, ông Tiến nói.

Nhà thầu làm qua loa?!

Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Đấu thầu, cầu Ô Rô thuộc Dự án Xây dựng đường ô tô đến trung tâm xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau. Nguồn vốn thực hiện dự án này từ trái phiếu chính phủ, do UBND huyện Ngọc Hiển làm chủ đầu tư, bên mời thầu là Ban Quản lý dự án xây dựng huyện Ngọc Hiển. Theo thông báo mời thầu được đăng tải trên Báo Đấu thầu ngày 4/1/2013, cầu Ô Rô thuộc Gói thầu số 9: Xây dựng 3 cây cầu gồm cầu Ông Bọng, cầu Ô Rô và cầu Hàng Dày. Hình thức lựa chọn nhà thầu của các gói thầu này là đấu thầu rộng rãi (chỉ chọn nhà thầu trong nước).

Ông Tiến cho hay, trong Dự án Xây dựng đường ô tô đến trung tâm xã Đất Mũi, nhà thầu Công ty TNHH Tập đoàn thương mại xây dựng Sử Thành Phú (Cà Mau) đã trúng Gói thầu số 9: Xây dựng 3 cây cầu Ông Bọng, cầu Ô Rô và cầu Hàng Dày; và 2 gói thầu thi công phần đường. Cũng cần nói thêm, tổng chiều dài toàn tuyến của Dự án Xây dựng đường ô tô đến trung tâm xã Đất Mũi là 13.385,76m, trong đó chiều dài phần đường thực tế sau khi đối trừ chiều dài các cầu còn lại là 12.447,7m. Đây là công trình giao thông cấp III, với tổng mức đầu tư mặt đường và 6 cây cầu trên tuyến là 72 tỷ 964 triệu đồng. Trong đó, riêng cầu Ô Rô dài 84m, rộng 4,5m, tải trọng 8 tấn, có tổng vốn đầu tư hơn 4 tỷ đồng.

Theo phản ánh từ dư luận ở địa phương, trong quá trình thi công cầu Ô Rô, phía nhà thầu làm rất qua loa, nhiều người dân đã không ít lần lên tiếng, nhưng không ngờ kết cục lại đến mức như vậy. Trước đó, ngày 24/7/2015, huyện Ngọc Hiển đã tổ chức Lễ khởi công tuyến đường ô tô đến trung tâm xã Đất Mũi, đoạn từ ấp Ông Trang, xã Viên An đến Ngã Ba Đình - Khai Long, xã Đất Mũi. Công trình được chia làm 2 giai đoạn, trong đó, giai đoạn 1 đầu tư nền đường đất đen và cống xuyên đường, giai đoạn 2 xây dựng mặt đường và các cầu trên tuyến. Riêng 3 cây cầu nói trên do đã có chủ trương thi công trước đó nên tại thời điểm 2015 chỉ đẩy nhanh tiến độ thực hiện các công đoạn còn lại. Một người dân chua xót: “Cầu Ô Rô bị sập khiến niềm tin của người dân địa phương cũng “sập” theo”.

Chuyên đề