Vụ án Oceanbank: Yêu cầu làm rõ trách nhiệm của PVN

(BĐT) - Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đã góp 800 tỷ đồng vào Oceanbank nhưng khoản đầu tư này chỉ còn 0 đồng. Cơ quan tố tụng cho rằng, hành vi, trách nhiệm liên quan việc góp vốn của PVN vào Oceanbank cần phải được điều tra, làm rõ.
Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đã quyết định tách nhóm hành vi liên quan việc góp vốn của PVN vào Oceanbank để tiếp tục điều tra. Ảnh: Lê Tiên
Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đã quyết định tách nhóm hành vi liên quan việc góp vốn của PVN vào Oceanbank để tiếp tục điều tra. Ảnh: Lê Tiên

Đầu tư 800 tỷ đồng, chỉ còn 0 đồng

Theo tài liệu truy tố, cuối năm 2008, PVN ký thỏa thuận với Oceanbank để trở thành cổ đông và đối tác chiến lược. PVN góp 800 tỷ đồng, chiếm 20% vốn điều lệ Oceanbank. Bị cáo Nguyễn Xuân Sơn khi đó là Tổng giám đốc Công ty Tài chính dầu khí Việt Nam (PVFC) được PVN giới thiệu cử làm thành viên HĐQT kiêm Tổng giám đốc của Oceanbank.

Đến cuối năm 2010, bị cáo Nguyễn Xuân Sơn được điều chuyển, bổ nhiệm làm Phó Tổng giám đốc PVN và giới thiệu Nguyễn Minh Thu thay thế làm Tổng giám đốc Oceanbank. Sau đó, việc chi trả lãi ngoài cho khách hàng được diễn ra trên toàn hệ thống Oceanbank.

Tháng 10/2014, bị cáo Hà Văn Thắm, khi đó là Chủ tịch HĐQT Oceanbank bị bắt tạm giam để phục vụ điều tra. Tháng 5/2015, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) thông báo việc mua lại ngân hàng này với giá 0 đồng tại ĐHĐCĐ thường niên của Oceanbank. Như vậy, khoản vốn 800 tỷ đồng mà PVN đầu tư vào Oceanbank đã trở thành 0 đồng.

Tại phiên tòa, đại diện Oceanbank cũng cho biết, theo Quyết định 663 của NHNN, Oceanbank chuyển đổi sang mô hình Ngân hàng thương mại TNHH MTV Đại Dương, do Nhà nước làm chủ sở hữu. Theo đó, Oceanbank có trách nhiệm kế thừa toàn bộ trách nhiệm, nghĩa vụ của ngân hàng TMCP trước đây. Các cổ đông cũ của Ngân hàng như PVN, Công ty Đầu tư và Xây dựng Sông Đà, Công ty TNHH VNT... bị chấm dứt quyền lợi và nghĩa vụ.

Làm rõ việc thất thoát 800 tỷ đồng ở PVN

Hội đồng xét xử (HĐXX) phiên tòa sơ thẩm vụ án thiệt hại gần 2.000 tỷ đồng xảy ra tại Oceanbank đã quyết định trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung, trong đó có việc yêu cầu làm rõ trách nhiệm thất thoát 800 tỷ đồng.

Từ cuối năm 2009 đến đầu 2010, Nguyễn Xuân Sơn đã bàn bạc và thống nhất với Hà Văn Thắm đề ra chủ trương thu thêm lãi suất vay tín dụng và chênh lệch tỉ giá dưới hình thức thu phí của khách hàng thông qua Công ty BSC trái quy định của Ngân hàng Nhà nước. Nguyễn Xuân Sơn đã nhận 69 tỷ đồng từ Công ty BSC. Hành vi này có dấu hiệu của tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản.

Đối với việc nhận khoản tiền 246 tỷ đồng của Oceanbank, Nguyễn Xuân Sơn với chức vụ là Tổng giám đốc, Ủy viên HĐQT Oceanbank và đại diện phần vốn góp của PVN tại Oceanbank, đã cùng Hà Văn Thắm bàn bạc và chi lãi suất ngoài hợp đồng.

Mặc dù từ ngày 11/5/2011, Nguyễn Xuân Sơn đã chuyển về PVN nhưng vẫn chỉ đạo Nguyễn Minh Thu tiếp tục chăm sóc một số khách hàng là doanh nghiệp của PVN. Lợi dụng uy tín và địa vị, cơ chế chính sách chi lãi ngoài, sự phụ thuộc của Oceanbank vào nguồn tiền gửi huy động từ PVN, bị cáo đã rút số tiền nói trên.

Như vậy, hành vi của bị cáo có dấu hiệu của tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao, ban hành và tổ chức, chỉ đạo những hoạt động trái pháp luật chiếm đoạt số tiền 246 tỷ đồng. Trong số đó ít nhất có 20% là phần đóng góp của PVN, nhưng cáo trạng lại truy tố bị cáo về tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng là chưa chính xác, cần thiết phải điều tra làm rõ, xác định đúng tội danh theo quy định của pháp luật.

Liên quan đến số tiền thất thoát 800 tỷ đồng của PVN, HĐXX cho rằng cần thiết làm rõ trách nhiệm của Nguyễn Xuân Sơn và những người có trách nhiệm liên quan trong việc đầu tư, góp vốn, quản lý số tiền này để xử lý theo quy định của pháp luật.

Trước các câu hỏi liên quan đến trách nhiệm này, PVN cho biết, việc góp vốn là theo chủ trương của Chính phủ. Lần thứ nhất, năm 2008, khi Oceanbank tăng vốn từ 1.000 tỷ đồng lên 2.000 tỷ đồng, PVN góp 20% tương ứng số tiền 400 tỷ đồng. Năm 2009, Oceanbank tiếp tục tăng vốn từ 2.000 tỷ đồng lên 3.000 tỷ đồng. Để giữ được 20% vốn điều lệ, PVN góp thêm 300 tỷ đồng. Lần thứ 3, năm 2011, PVN góp thêm 100 tỷ đồng đảm bảo tương ứng 20% vốn điều lệ.

PVN có quy chế quản lý vốn ở doanh nghiệp khác. Theo phân cấp, khi góp vốn thì Oceanbank là đơn vị liên kết, PVN cử 3 người tham gia theo từng thời kỳ. Mục đích muốn kiểm soát chặt chẽ hoạt động của Oceanbank. Hàng tháng, quý, năm họ phải báo cáo cho HĐQT (sau này là Hội đồng thành viên). Ngoài ra, PVN còn thực hiện chế độ giám sát thông qua giám sát bên ngoài. Các ban thường xuyên kiểm tra báo cáo, đánh giá. Quá trình kiểm soát không phát hiện bất kỳ sai phạm nào trong việc góp vốn.

Thế nhưng tài liệu truy tố xác định, thời điểm 31/3/2014, Oceanbank nợ xấu chiếm hơn 48% tổng dư nợ, lỗ hơn 10 nghìn tỷ đồng, âm vốn chủ sở hữu gần 2,5 lần. Cơ quan tố tụng cho rằng, hành vi, trách nhiệm liên quan việc góp vốn của cổ đông có vốn nhà nước vào Oceanbank mà cụ thể là PVN đến nay không có khả năng thu hồi cần phải được điều tra làm rõ. Nhưng do thời hạn điều tra đã hết, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đã có quyết định tách nhóm hành vi này để tiếp tục điều tra, xử lý sau. 

Chi lãi ngoài: Có dấu hiệu móc ngoặc

Theo cáo buộc, bị cáo Sơn đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao và sự phụ thuộc của Oceanbank vào nguồn tiền gửi từ PVN, đặt vấn đề với Hà Văn Thắm, Chủ tịch HĐQT Oceanbank về việc chi thêm khoản “chăm sóc khách hàng” đối với nguồn vốn huy động từ PVN và các đơn vị thành viên.

Những lời khai tại phiên tòa của Hà Văn Thắm và các bị cáo cho thấy, một số khách hàng dầu khí có số dư tiền gửi rất lớn tại Oceanbank. Bị cáo Nguyễn Minh Thu, nguyên Tổng giám đốc Oceanbank, khai trực tiếp nhận và chi trả 48,3 tỷ đồng cho các khách hàng, trong đó có Tổng công ty Dầu Việt Nam (PVOil) và Liên doanh Dầu khí Vietsopetro (VSP). Cụ thể, PVOil là 15,7 tỷ đồng, VSP là 22,7 tỷ đồng. Tổng cộng, từ tháng 7/2012 đến tháng 6/2014, bị cáo Thu nhận 125,6 tỷ đồng chi trả lãi ngoài huy động vốn cho khách hàng.

Ngoài ra, lãnh đạo Oceanbank còn chi trả hơn 263 tỷ đồng cho các khách hàng khác. Trong đó, chi cho Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy Vinashin (nay là SBIC) 105,9 tỷ đồng; Tổng công ty Thăm dò khai thác dầu khí (PVEP) 76,5 tỷ đồng; Tổng công ty Điện lực dầu khí Việt Nam (PVPower) 35,5 tỷ đồng; Tổng công ty Bảo hiểm Dầu khí Việt Nam và các công ty thành viên (PVIs) gần 20 tỷ đồng...

Tuy nhiên tại phiên tòa, tất cả đại diện doanh nghiệp dầu khí đều phủ nhận số tiền lãi ngoài. PVOil cho biết đã nhận được công văn của cơ quan điều tra hỏi về vấn đề này. PVOil đã rà soát hệ thống tài khoản, khẳng định không nhận bất cứ khoản tiền nào từ Oceanbank.

Đại diện PVI, ông Tạ Anh Tuấn cũng phủ nhận số tiền gần 20 tỷ đồng chi lãi ngoài. Đại diện PVEP còn tỏ ra ngạc nhiên trước lời khai về lãi ngoài của cán bộ Oceanbank. Theo vị đại diện này, PVEP chủ trương không nhận khoản tiền lãi ngoài nào của Oceanbank hoặc các tổ chức tín dụng khác. Đại diện PVC, PVPower cũng khẳng định đã rà soát và không có khoản tiền lãi ngoài hợp đồng.

Tuy nhiên, tài liệu điều tra xác định, trong thời gian từ năm 2011 - 2014, có hơn 51.000 cá nhân và 392 tổ chức kinh tế gửi tiền tại Oceanbank và nhận các khoản tiền chi ngoài lãi suất trong hợp đồng tiền gửi hoặc sổ tiết kiệm. Trong đó có nhiều khách hàng có số tiền gửi lớn là các tổ chức kinh tế thuộc doanh nghiệp có nhiều vốn nhà nước (chủ yếu là nhóm khách hàng thuộc PVN và Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy). Cơ quan điều tra nhận thấy có dấu hiệu móc ngoặc với lãnh đạo, nhân viên Oceanbank nhận các khoản lãi ngoài để ngoài sổ sách kết toán nhằm hưởng lợi bất chính.

Đối với PVN và các đơn vị thành viên, Cơ quan điều tra đã khởi tố điều tra làm rõ hành vi nhận tiền chi lãi ngoài của Nguyễn Xuân Sơn để xử lý trong vụ án Hà Văn Thắm. Số còn lại cơ quan điều tra đang tiếp tục làm rõ để xử lý.

Chuyên đề