Vietcombank gặp rắc rối với tài sản thế chấp

(BĐT) - Bị Tòa án tuyên nhà đất sẽ bị ngân hàng yêu cầu phát mại nếu không trả nợ, khách hàng của Vietcombank bức xúc và tính chuyện làm đơn đề nghị giám đốc thẩm.
Ảnh minh họa. Ảnh Internet
Ảnh minh họa. Ảnh Internet

Thẩm định tài sản khi không được sự đồng ý của chủ sở hữu

Vừa qua, Tòa án nhân dân TP. Hà Nội đã đưa ra xét xử phúc thẩm vụ án kinh doanh thương mại tranh chấp hợp đồng tín dụng giữa Vietcombank và bà Trần Thị Lan.

Theo Đơn khởi kiện, năm 2012, Viecombank cho bà Trần Thị Lan (quận Thanh Xuân, Hà Nội) vay 3 tỷ đồng, mục đích để thanh toán bù đắp mua căn hộ chung cư và nâng cấp mua sắm trang thiết bị nhà ở. Khoản vay này được bảo đảm bằng tài sản theo Hợp đồng thế chấp quyền sử dụng đất của bên thứ 3 là bố mẹ của bà Lan: vợ chồng ông Trần Văn Lũy, bà Phạm Thị Mến ở số 594, đường Lĩnh Nam, phường Trần Phú, quận Hoàng Mai (Hà Nội). Theo biên bản định giá tài sản thì tài sản này trị giá 14,8 tỷ đồng.

Quá trình vay vốn, bà Lan mới trả được 236 triệu đồng tiền lãi và sau đó mất khả năng thanh toán. Sau đó, bà Lan và ngân hàng ký Phụ lục hợp đồng điều chỉnh việc trả lãi vào cuối kỳ trả nợ. Nhưng đến hạn, bà Lan vẫn không thanh toán được.

Phía Vietcombank khởi kiện và yêu cầu bà Lan hoàn trả gần 4 tỷ đồng bao gồm nợ gốc, nợ trong hạn, nợ quá hạn. Trường hợp bà Lan không trả nợ, Vietcombank đề nghị Tòa án tuyên bố Ngân hàng có quyền yêu cầu xử lý tài sản thế chấp để thu hồi nợ. Tuy nhiên, sự bất đồng của các bên nằm ở tài sản thế chấp vì tại địa chỉ số 594 Lĩnh Nam, không chỉ có vợ chồng ông Lũy, mà còn có vợ chồng người con trai (ông Phong) cùng hai con đang sinh sống với hộ khẩu riêng biệt.

Trước đó, khi Ngân hàng thẩm định tài sản, vợ chồng ông Phong không hề hay biết. Vợ chồng ông cho rằng, việc định giá tài sản này để cho vay bảo lãnh tín dụng mà không được sự đồng ý của họ, không có bất cứ chữ ký nào của vợ chồng ông là hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng – nhà bị thế chấp mà không có sự đồng ý của chủ sở hữu.

Việc Vietcombank khi làm hồ sơ cho vay tín dụng không hỏi ý kiến của người có tài sản là ngôi nhà trên đất là vi phạm điều cấm của pháp luật, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của cả gia đình ông Phong. 

Sẽ làm đơn đề nghị giám đốc thẩm

Ở giai đoạn sơ thẩm, Tòa án nhân dân quận Thanh Xuân cho rằng, hợp đồng tín dụng và Phụ lục hợp đồng là hợp pháp, do đó yêu cầu khởi kiện của Vietcombank là có cơ sở để chấp nhận. Về thế chấp đất ở 594 Lĩnh Nam, hợp đồng thế chấp được công chứng và đăng ký giao dịch bảo đảm và có hiệu lực pháp luật buộc các bên phải thi hành. Bản án sơ thẩm tuyên buộc bà Lan phải thanh toán tiền vay cho Ngân hàng, trường hợp bà Lan không thanh toán, Ngân hàng được quyền yêu cầu xử lý tài sản bảo đảm. 

Tại Phiên tòa phúc thẩm, Luật sư Hoàng Kim Thoa, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bà Lan cho rằng, cấp sơ thẩm có nhiều vi phạm tố tụng trong đó có việc không triệu tập các con của vợ chồng ông Phong tham gia với tư cách người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan. Luật sư đề nghị Tòa án tuyên hủy án sơ thẩm, giải quyết lại từ đầu.

Bản án phúc thẩm đã bác những trình bày của bị đơn và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan và tuyên y án sơ thẩm, Vietcombank có quyền yêu cầu cơ quan thi hành án có thẩm quyền phát mại tài sản thế chấp để thu hồi nợ theo quy định pháp luật.

Sau phiên tòa, gia đình ông Phong bày tỏ bức xúc với bản án không đảm bảm quyền lợi chính đáng của gia đình ông. Được biết,  phía bị đơn đang thương lượng với Ngân hàng đề nghị trả gốc và lãi trong hạn, miễn lãi quá hạn. Trường hợp không thương lượng được, họ sẽ làm đơn đề nghị giám đốc thẩm.           

Chuyên đề