Vì sao OceanBank cấp 500 tỷ đồng trái quy định?

(BĐT) - Chiều 29/8, phiên tòa xét xử đại án OceanBank bước vào phần thẩm vấn. Hội đồng xét xử đã thẩm vấn các bị cáo và người liên quan nhằm làm rõ hành vi vi phạm quy định trong hoạt động cho vay của các tổ chức tín dụng.
Phạm Công Danh và Hứa Thị Phấn là đồng phạm với Hà Văn Thắm trong hành vi gây ra khoản thiệt hại 343 tỷ đồng cho OceanBank. Ảnh: Doãn Tấn - TTXVN
Phạm Công Danh và Hứa Thị Phấn là đồng phạm với Hà Văn Thắm trong hành vi gây ra khoản thiệt hại 343 tỷ đồng cho OceanBank. Ảnh: Doãn Tấn - TTXVN

Theo cáo buộc, Hà Văn Thắm, nguyên Chủ tịch HĐQT OceanBank đã đồng ý cho Phạm Công Danh, nguyên Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Thiên Thanh vay 500 tỷ đồng nhằm mục đích tăng tính thanh khoản cho Ngân hàng Xây dựng (VNCB). Việc cho vay được thực hiện qua Công ty Trung Dung, do Danh thành lập.

Tài sản bảo đảm cho khoản vay này là quyền phát sinh từ 2 hợp đồng góp vốn đầu tư và xây dựng nhà ở tại Dự án Khu dân cư phức hợp đường Nguyễn Hữu Cảnh (TP.HCM) và 5,8 triệu cổ phần của CTCP Tập đoàn SSG. Khối tài sản này do bà Hứa Thị Phấn cho mượn.

Trong việc cho vay này, cơ quan điều tra xác định đã có nhiều vi phạm so với quy định về cho vay của Ngân hàng Nhà nước. Phạm Công Danh và bà Hứa Thị Phấn là đồng phạm với Hà Văn Thắm trong hành vi gây ra khoản thiệt hại 343 tỷ đồng cho OceanBank.

Tại Phiên tòa, bị cáo Phạm Công Danh khai Tập đoàn Thiên Thanh là khách hàng, từng vay tiền OceanBank. Bị cáo cùng với một số cá nhân khác mong muốn thành lập một ngân hàng xây dựng nhưng thời điểm đó, Chính phủ không cho phép thành lập ngân hàng mới. Muốn làm ngân hàng thì phải cơ cấu lại ngân hàng cũ. Tôi muốn tìm ngân hàng có tổng dư nợ thấp, khả năng huy động tốt.

Hà Văn Thắm giới thiệu một ngân hàng nhưng không nói rõ tên ngân hàng và đặt vấn đề phải trả khoản tiền để chi phí. Nếu đáp ứng yêu cầu cơ bản, Thắm sẽ cho xem tài liệu. Chi phí ban đầu là trên dưới 1.000 tỷ đồng, sau đó thỏa thuận 800 tỷ đồng.

“Anh Thắm yêu cầu giữ bí mật. 1, 2 tháng sau, tôi chuyển cho anh Thắm 500 tỷ đồng trực tiếp bằng tiền mặt, lúc này anh Thắm mới cho tôi biết một số thông tin”, bị cáo Danh khai.

Theo lời khai của Phạm Công Danh, khoản tiền 500 tỷ đồng theo cách nói của Hà Văn Thắm là chi phí chuyển trực tiếp, muốn chuyển giao thì bắt buộc phải trao đổi với Phấn. Khi đó, bị cáo Danh hoàn toàn không biết bà Phấn là ai.

Sau đó, ba bên gặp nhau lần đầu ở khách sạn trên đường Nguyễn Văn Trỗi (TP.HCM). Tiếp đó, qua các trao đổi, cuối cùng bà Phấn đồng ý chuyển giao Ngân hàng.

Khoảng giữa năm 2013, Phạm Công Danh tiếp quản Ngân hàng Đại Tín và đổi tên thành Ngân hàng Xây dựng.

Về khoản vay 500 tỷ đồng, Phạm Công Danh khai người nghĩ ra là bà Phấn. Thời điểm đó, Ngân hàng Đại Tín đang mất thanh khoản trầm trọng. Bị cáo đã chuyển vào Ngân hàng Đại Tín hơn 1.100 tỷ đồng. Bà Phấn yêu cầu chuyển tiếp. Nhưng Danh không muốn làm tiếp vì không còn tài sản. Bà Phấn nói sẽ giới thiệu người cho vay và chủ động cho mượn tài sản. Mọi thủ tục vay vốn do nhóm bà Phấn thực hiện.

Tại phiên tòa lần này, Hà Văn Thắm một lần nữa khai về vấn đề phong tỏa khoản tiền 500 tỷ đồng giải ngân vào tài khoản của Công ty Trung Dung tại Ngân hàng Đại Tín. Khoản này phải được phong tỏa theo văn bản thỏa thuận 3 bên. Theo Hà Văn Thắm, tài sản bảo đảm khoản vay có vấn đề. Vì nhận thấy rủi ro này, Hà Văn Thắm yêu cầu làm thỏa thuận 3 bên phong tỏa tài khoản và chỉ giải tỏa khi phía Công ty Trung Dung bổ sung đầy đủ hồ sơ tài sản bảo đảm.

Theo kết quả điều tra, có nhiều vi phạm trong việc cho Công ty Trung Dung vay 500 tỷ đồng. Hà Văn Thắm biết rõ việc vay tiền nhằm mục đích tăng thanh khoản cho Ngân hàng Xây dựng là không đúng mục đích với hợp đồng tín dụng nhưng vẫn cho vay.

Khoản vay cũng vượt quá tỷ lệ quy định. Theo quy chế của ngân hàng thì tối đa các khoản vay là 80% so với giá trị tài sản đảm bảo. Nhưng thực tế, khoản vay của Công ty Trung Dung lên tới 100% so với giá trị bảo đảm.

OceanBank cũng không đăng ký giao dịch bảo đảm đối với tài sản bảo đảm là nhà đất, vi phạm các quy định pháp luật, quy chế nội bộ Ngân hàng...

Chuyên đề