Vẫn khó quản lý, ngăn ngừa sở hữu chéo

(BĐT) - Chiều 22/5, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Lê Minh Hưng thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng (TCTD). Ông Hưng cho biết, hiện vẫn khó quản lý, ngăn ngừa vấn đề sở hữu chéo và việc cổ đông thao túng hoạt động của TCTD.
Quá trình xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém cho thấy nhiều bất cập, nhiều vấn đề phức tạp phát sinh cần điều chỉnh kịp thời. Ảnh: Nam Hoài
Quá trình xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém cho thấy nhiều bất cập, nhiều vấn đề phức tạp phát sinh cần điều chỉnh kịp thời. Ảnh: Nam Hoài

Tiềm ẩn nhiều rủi ro từ sở hữu chéo

Theo Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, trong thời gian vừa qua, tình trạng sở hữu chéo, đầu tư chéo giữa các TCTD đã được xử lý một bước quan trọng, tình trạng cổ đông, nhóm cổ đông chi phối, thao túng ngân hàng được xử lý cơ bản. Tuy nhiên, trên thực tế vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro do tình trạng chi phối, thao túng hoạt động ngân hàng chưa được xử lý triệt để, trong đó còn trường hợp cố tình sở hữu hộ hoặc sở hữu che giấu qua nhiều chủ thể và tồn tại các vi phạm về giới hạn sở hữu cổ phần, sở hữu chéo.

Thừa nhận với quy định pháp luật hiện hành vẫn khó quản lý, ngăn ngừa tình trạng này, ông Lê Minh Hưng cho biết, Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Luật Các TCTD sẽ bổ sung một số quy định để ngăn ngừa tình trạng sở hữu chéo, tăng vốn ảo; làm minh bạch nguồn vốn góp, nâng cao năng lực quản trị điều hành, như: Bổ sung quy định TCTD không được cấp tín dụng cho khách hàng để góp vốn, mua cổ phần của TCTD; bổ sung quy định trường hợp mua bán, chuyển nhượng cổ phần có giá trị từ 1% vốn điều lệ của TCTD trở lên phải được NHNN chấp thuận bằng văn bản trước khi thực hiện; bổ sung trường hợp không được đảm nhiệm chức vụ đối với trường hợp vi phạm pháp luật;...

Tuy nhiên, Ủy ban Kinh tế vẫn đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, rà soát, bổ sung quy định cũng như chế tài xử lý nhằm khắc phục được tình trạng sở hữu chéo, tăng cường minh bạch hóa cơ cấu cổ đông, bảo đảm các cổ đông chi phối tại TCTD có đủ năng lực tài chính, tránh trường hợp nguồn vốn góp chủ yếu từ nguồn vốn vay tại TCTD, bảo đảm cho TCTD và hệ thống TCTD hoạt động lành mạnh, an toàn, thực chất. 

Kiên quyết xử lý tổ chức tín dụng yếu kém

Luật sửa đổi, bổ sung Luật Các TCTD được ban hành để tạo cơ sở pháp lý cụ thể hóa chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về hoàn thiện khuôn khổ pháp lý để xử lý căn bản và triệt để nợ xấu và các TCTD yếu kém bằng các hình thức phù hợp với cơ chế thị trường trên nguyên tắc thận trọng, bảo đảm quyền lợi của người gửi tiền và giữ vững sự ổn định, an toàn hệ thống; tạo cơ sở pháp lý cho việc phát hiện, phục hồi, củng cố năng lực để các TCTD yếu kém có khả năng trở thành TCTD lành mạnh; bổ sung các biện pháp ngăn ngừa có hiệu quả việc phát sinh mới các TCTD yếu kém, xử lý tình trạng sở hữu chéo, vốn ảo trong hoạt động của TCTD.
Ngoài vấn đề sở hữu chéo, một tồn tại lớn khác sau 4 năm triển khai thực hiện Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các TCTD giai đoạn 2011 - 2015”, theo Thống đốc Lê Minh Hưng là việc xử lý các TCTD yếu kém. Nhiều nguyên nhân được đưa ra, trong đó có nguyên nhân do cơ chế, chính sách về xử lý TCTD yếu kém còn nhiều bất cập, nhiều vấn đề mới, phức tạp phát sinh trong quá trình xử lý mà pháp luật chưa có quy định hoặc chưa được điều chỉnh kịp thời.

Ông Lê Minh Hưng cho biết, Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các TCTD có thêm quy định điều chỉnh hoạt động kinh doanh của TCTD yếu kém trong giai đoạn kiểm soát đặc biệt, trong đó quy định cụ thể về quy trình xử lý, các phương án có thể áp dụng để xử lý các TCTD được kiểm soát đặc biệt theo nguyên tắc quy định đầy đủ các cách thức có thể áp dụng để xử lý một TCTD yếu kém; các biện pháp có thể áp dụng để bảo đảm cơ quan có thẩm quyền có đủ cơ sở pháp lý để lựa chọn cách thức xử lý phù hợp nhất đối với từng TCTD yếu kém.

Ủy ban Kinh tế đánh giá, các quy định của Dự án Luật về phương án cơ cấu lại TCTD được kiểm soát đặc biệt nhằm hoàn thiện khuôn khổ pháp lý tạo các cơ chế xử lý, hỗ trợ kịp thời từ khâu phát hiện, can thiệp sớm trước khi TCTD bị rơi vào tình trạng kiểm soát đặc biệt để giảm chi phí xã hội, xác định các TCTD để đưa vào kiểm soát đặc biệt đến khâu phục hồi, củng cố năng lực để các TCTD này có khả năng trở thành TCTD lành mạnh, bảo đảm an toàn hệ thống TCTD nói riêng và tổng thể nền kinh tế nói chung.

Ủy ban Kinh tế đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, quy định cụ thể về quyền và trách nhiệm của các bên liên quan như TCTD nhận chuyển giao bắt buộc, TCTD phải chuyển giao bắt buộc, TCTD tham gia hỗ trợ cơ cấu lại…, trong đó lưu ý vấn đề trách nhiệm liên quan của các bên trong giai đoạn trước và sau cơ cấu lại.

Đồng thời, đề nghị làm rõ hơn về căn cứ, tiêu chí, nguyên tắc, cơ chế lựa chọn, chỉ định TCTD, nhà đầu tư nhận chuyển giao bắt buộc, cơ chế ưu đãi cho các TCTD tham gia hỗ trợ cơ cấu lại để bảo đảm hài hoà lợi ích tổng thể và tuân thủ nguyên tắc thị trường, quy định về quyền sở hữu tại Hiến pháp và quy định ràng buộc điều kiện đối với các nhà đầu tư để phù hợp với quy định của Luật Đầu tư do đây là ngành nghề kinh doanh có điều kiện.

Chuyên đề