Tỷ lệ tài sản tham nhũng thu hồi được còn thấp

(BĐT) - Nhìn lại 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 khóa X và 5 năm thực hiện Kết luận 21 Hội nghị Trung ương 5 khóa XI về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí (PCTN, LP) có thể thấy công tác PCTN, LP đã đạt được nhiều kết quả nổi bật.
Qua thẩm tra 400.844 dự án trong giai đoạn 2007 - 2015, cơ quan thanh tra đã phát hiện, giảm trừ trên 24.583 tỷ đồng các khoản đề nghị quyết toán không đúng chế độ. Ảnh: Ngọc Anh
Qua thẩm tra 400.844 dự án trong giai đoạn 2007 - 2015, cơ quan thanh tra đã phát hiện, giảm trừ trên 24.583 tỷ đồng các khoản đề nghị quyết toán không đúng chế độ. Ảnh: Ngọc Anh

Hoàn thiện hệ thống pháp luật

Việc hoàn thiện hệ thống quy định pháp luật đã có tác dụng thiết thực trong phòng ngừa tiêu cực, tham nhũng, lãng phí, nhất là trong các lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng, lãng phí như đất đai, tài nguyên, khoáng sản, ngân sách, thuế, hải quan, đầu tư công, đấu thầu, đấu giá tài sản, xây dựng, quản lý, sử dụng tài sản nhà nước, doanh nghiệp, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước,… Quốc hội khóa XII, XIII đã ban hành 175 Bộ luật, Luật; Chính phủ đã ban hành 1.311 Nghị định, 604 Nghị quyết; Thủ tướng Chính phủ ban hành 6.110 Chỉ thị, Quyết định trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội nhằm đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước, xây dựng môi trường kinh doanh bình đẳng, minh bạch để phòng ngừa tham nhũng. Các bộ, ngành trung ương cũng đã quan tâm xây dựng, ban hành hoặc trình cơ quan có thẩm quyền ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật về quản lý kinh tế - xã hội có tác dụng phòng ngừa tham nhũng trong lĩnh vực quản lý nhà nước được giao.

Đến nay, hệ thống pháp luật nói chung, trong đó có pháp luật về PCTN, LP, đang dần được hoàn thiện đồng bộ, cơ bản bảo đảm cơ sở chính trị, pháp lý cho công tác PCTN, LP.

Riêng trong đầu tư xây dựng, quản lý, sử dụng trụ sở làm việc, nhà ở công vụ và công trình phúc lợi công cộng, hệ thống văn bản pháp luật, tiêu chuẩn, định mức về quản lý đầu tư xây dựng, đầu tư công đã được hình thành đồng bộ với Luật Đầu tư công, Luật Đấu thầu, Luật Đầu tư, Luật Xây dựng, Luật Doanh nghiệp,… Theo một báo cáo của Chính phủ, từ năm 2011, thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ và Chỉ thị 1792/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, hiệu quả quản lý, sử dụng vốn đầu tư đã được nâng lên; từng bước khắc phục tình trạng quy hoạch được duyệt nhưng không triển khai thực hiện, đầu tư không theo quy hoạch. 

Tăng cường thanh, kiểm tra

Thiệt hại do các vụ án, vụ việc tham nhũng đã gây ra được phát hiện trong 10 năm qua là 59.750 tỷ đồng và trên 400 ha đất.
Bên cạnh hoàn thiện hệ thống pháp luật, công tác kiểm tra, thanh tra các dự án đầu tư được tăng cường, góp phần chấn chỉnh tình trạng vi phạm, gây lãng phí trong đầu tư công. Công tác thẩm tra, quyết toán vốn đầu tư được đẩy mạnh, giúp loại bỏ khỏi giá trị quyết toán các khoản chi sau tiêu chuẩn, định mức, chế độ. Trong giai đoạn 2007 - 2015, qua công tác thẩm tra, phê duyệt quyết toán vốn đầu tư 400.844 dự án trong cả nước, đã phát hiện, giảm trừ các khoản đề nghị quyết toán không đúng chế độ trên 24.583 tỷ đồng.

Trong 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 khóa X, toàn ngành thanh tra và các cấp, các ngành đã triển khai 93.696 cuộc thanh tra hành chính và 834.640 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành. Qua thanh tra, kiến nghị xử lý kỷ luật hành chính đối với 8.234 tập thể, 33.722 cá nhân; kiến nghị thu hồi 142.160 tỷ đồng, 993.978 USD và 51.515 ha đất; chuyển cơ quan điều tra 752 vụ, 1.143 đối tượng. Qua hoạt động thanh tra cũng đã phát hiện 670 vụ với 1.815 đối tượng có hành vi, biểu hiện tham nhũng với số tiền, tài sản liên quan là 1.022 tỷ đồng, 73,6 ha đất; chuyển cơ quan điều tra 274 vụ, 429 đối tượng có dấu hiệu tham nhũng.

Trong thời gian nêu trên, thiệt hại do các vụ án, vụ việc tham nhũng đã gây ra được phát hiện là 59.750 tỷ đồng và trên 400 ha đất; số tiền đã thu hồi cho Nhà nước là 4.676,6 tỷ đồng và trên 219 ha đất. Trong những năm gần đây, tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng hàng năm đều tăng, nhưng vẫn còn thấp hơn nhiều so với số tài sản bị chiếm đoạt. Tài sản tham nhũng trong một số vụ án bị tẩu tán, không kiểm soát và thu hồi được.

Chuyên đề