Tranh luận về tính độc lập của Cơ quan cạnh tranh quốc gia

(BĐT) - Trong phiên thảo luận tại tổ của Quốc hội về Dự thảo Luật Cạnh tranh (sửa đổi) ngày 27/10, nhiều ý kiến của đại biểu Quốc hội không đồng tình với mô hình Cơ quan cạnh tranh quốc gia do Chính phủ trình.
Theo Tờ trình của Chính phủ, Cơ quan cạnh tranh quốc gia trực thuộc Bộ Công Thương trên cơ sở hợp nhất Cục Cạnh tranh và Hội đồng Cạnh tranh. Ảnh: Lê Tiên
Theo Tờ trình của Chính phủ, Cơ quan cạnh tranh quốc gia trực thuộc Bộ Công Thương trên cơ sở hợp nhất Cục Cạnh tranh và Hội đồng Cạnh tranh. Ảnh: Lê Tiên

Theo Tờ trình của Chính phủ, Cơ quan cạnh tranh quốc gia trực thuộc Bộ Công Thương trên cơ sở hợp nhất Cục Cạnh tranh và Hội đồng Cạnh tranh nhưng phải bảo đảm tính độc lập tương đối, hoạt động tuân theo pháp luật.

Tại tổ của Đoàn đại biểu Quốc hội TP. Hà Nội, đa số ý kiến góp ý vào Dự thảo Luật Cạnh tranh (sửa đổi) đều cho rằng, Cơ quan cạnh tranh quốc gia nếu theo đề xuất của Chính phủ thì sẽ không khách quan. Theo đại biểu Hoàng Văn Cường, Cơ quan cạnh tranh quốc gia nằm ở Bộ Công Thương, trong khi Bộ vừa thực hiện chức năng quản lý nhà nước về cạnh tranh, vừa thực hiện chủ sở hữu vốn nhà nước tại doanh nghiệp thì khó đảm bảo được tính độc lập, khách quan trong xử lý vụ việc cạnh tranh. Đại biểu Cường đề nghị Cơ quan cạnh tranh quốc gia phải có địa vị pháp lý độc lập hơn, vì đây là yếu tố quan trọng quyết định hiệu quả, hiệu lực của cơ quan này. Còn nếu không có doanh nghiệp nhà nước thuộc Bộ quản lý nữa thì cơ quan đó có thể trong Bộ Công Thương.

Đại biểu Nguyễn Phi Thường thì băn khoăn với vị trí này, địa vị pháp lý của Cơ quan cạnh tranh quốc gia có đủ mạnh để thực hiện những vai trò, nhiệm vụ như tại Dự thảo Luật?

Nhiều đại biểu cũng phân tích lại những nguyên nhân khiến Luật Cạnh tranh sau 12 năm thực thi không thực sự đi vào cuộc sống, từ đó đặt ra yêu cầu sửa đổi Luật lần này phải đưa ra một văn bản luật có tính thực tiễn cao hơn.

Theo đại biểu Vũ Thị Lưu Mai, nguyên nhân lớn khiến Luật Cạnh tranh không đi vào cuộc sống là do có quá nhiều quy định mang tính định tính, dẫn đến nhiều cách hiểu, khó thực hiện. Sửa đổi lần này các quy định cần định lượng được để Luật thực sự khả thi. Bà Mai cũng cho rằng, việc cạnh tranh ở trong một nền kinh tế thị trường là hết sức bình thường vì cạnh tranh mới có thể phát triển. Tuy nhiên, Dự thảo Luật còn nhiều quy định mang tính mệnh lệnh, hành chính, áp đặt, ví dụ như cấm việc áp dụng các điều kiện thương mại khác nhau trong các giao dịch tương tự.

Đại biểu Nguyễn Quốc Bình gợi mở, Dự thảo Luật  hiện mới chỉ điều chỉnh về hoạt động thương mại, nhưng Việt Nam đang hướng tới kỷ nguyên số, trong khi vẫn còn những doanh nghiệp độc quyền về đường truyền, dữ liệu. Luật Cạnh tranh (sửa đổi) cần đón đầu, có những quy định về cạnh tranh trong lĩnh vực công nghệ số để tạo ra môi trường cạnh tranh phát triển trong kỷ nguyên số.

Chuyên đề