Tranh luận gay gắt tại phiên tòa Vinasun kiện Grab

Ngày 18/10, tòa kinh tế - TAND TPHCM tiếp tục phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án dân sự yêu cầu bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng giữa nguyên đơn là Công ty cổ phần Ánh Dương Việt Nam - đơn vị sở hữu thương hiệu taxi Vinasun và bị đơn là công ty TNHH Grab Taxi Việt Nam.
Đại diện Grab đề nghị triệu tập đại diện Bộ GTVT.
Đại diện Grab đề nghị triệu tập đại diện Bộ GTVT.

Đại diện ủy quyền của công ty cổ phần Ánh Dương Việt Nam là ông Trương Đình Quý, Phó tổng giám đốc Vinasun, và đại diện ủy quyền cho công ty TNHH Grab (Grab) là ông Jerry Lim, quốc tịch Singapore, CEO Grab tại Việt Nam.

Mở đầu phiên tòa, đại diện Grab đề nghị HĐXX triệu tập những đối tác có sử dụng phần mền tương tự như Grab tới tham dự phiên tòa với tư cách người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan. Ngoài ra, Grab đề nghị triệu tập đại diện Bộ Giao thông Vận tải để làm cơ sở đánh giá vụ án một cách rõ ràng, khách quan, triệu tập những đơn vị tham gia đề án thí điểm như Grab với tư cách là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan; triệu tập giám định viên Công ty Cửu Long; triệu tập 2 công ty mà Vinasun đã thuê nghiên cứu thị trường để làm cơ sở khởi kiện đòi bồi thường 41,2 tỉ đồng.

Trình bày tại tòa, ông Trương Đình Quý liệt kê hàng loạt “chứng cứ” để cho rằng Grab đang hoạt động loại hình vận tải taxi, tương tự Vinasun: Grab không đơn thuần là đơn vị bán phần mềm cho đơn vị kinh doanh vận tải theo Quyết định 24 của Bộ GTVT về đề án thí điểm ứng dụng công nghệ thông tin trong vận tải hành khách. Thực tế, Grab lợi dụng quyết định 24 để điều hành trọn vẹn một quy trình kinh doanh vận tải taxi, tương tự Vinasun, gồm: tuyển tài xế; điều hành xe và chỉ định tài xế đón khách, quyết định giá cước và điều chỉnh tăng giảm giá; khuyến mãi trên giá cước vận chuyển, trong đó có cả những chuyến xe 0 đồng; thu tiền trực tiếp của khách hàng vào tài khoản Grab, tài xế phải mở tài khoản nộp tiền vào Grab mới được sử dụng ứng dụng và đón khách, quyết định mức chiết khấu cho tài xế, tăng và giảm mức chiết khấu này, quy định thưởng phạt đối với tài xế, kể cả phạt đối với tài xế không nhận đón khách, mở hoặc tắt ứng dụng đối với từng tài xế...

Trả lời câu hỏi của nguyên đơn, đại diện Grab cho rằng mình được quyền quyết định giá cước thông qua nội dung “xây dựng thỏa thuận hợp tác với các điều khoản rõ ràng về quyền lợi và nghĩa vụ của mỗi bên tham gia, quy định về chi phí sử dụng phần mềm kết nối” tại quyết định 24. Qua đó, Grab đã ngồi lại với đối tác là những đơn vị kinh doanh vận tải lớn, cho họ đề xuất giá cước để Grab quyết định. “Grab sẽ thông báo giá cước cho những đơn vị vận tải nhỏ, tham gia sau. Nếu họ không đồng ý thì có quyền không tham gia”.

Phía Vinasun hỏi lý do gì Grab có quyền phạt đối với quyền lựa chọn của tài xế, Grab cho rằng phần mềm kết nối với các tài xế gần nhất nhưng nguyên tắc khi tham gia, trách nhiệm của tài xế phải sẵn sàng đón khách khi tài xế ở gần nhất, lợi ích của khách hàng là trên hết.

Đại diện Vinasun.

Grab thừa nhận có xử phạt, tuy nhiên, bắt buộc lên trụ sở nộp, trường hợp không lên thì ngừng kết nối hoặc chấm dứt. "Chúng tôi muốn cho tài xế đối tác một cơ hội thứ 2 để kiếm sống và thu lợi nhuận"- đại diện Grab biện minh.

Grab khẳng định khi xâm nhập thị trường Việt Nam hãng này đã tạo ra một lượng khách hàng tiềm năng, đưa những ứng dụng mới phục vụ mọi người. Qua đó nhiều người đã không sử dụng xe cá nhân mà chuyển sang sử dụng dịch vụ của Grab.

Về quyền điều động xe của Grab, luật sư Vinasun đưa ra văn bản ngày 26/3/2018 của Grab gửi một số cơ quan có thẩm quyền, trong đó Grab khẳng định có chức năng điều động xe để đón khách. Trả lời, CEO Grab tại Việt Nam cho rằng có thể do hiểu lầm trong cách dịch thuật, điều động ở đây có nghĩa là đề xuất và tài xế sẽ là bên quyết định nhận khách hay từ chối.

Về thu tiền trực tiếp của khách hàng, Grab trình bày chỉ thu hộ cước phí thông qua thẻ tín dụng, sau đó sẽ chuyển khoản lại cho doanh nghiệp, chủ sở hữu hoặc tài xế, tùy thuộc vào thỏa thuận trong hợp đồng hợp tác kinh doanh.

Chuyên đề