Tranh chấp nhãn hiệu giữa Ajinomoto - Hà Trung Hậu vẫn chưa có hồi kết

Liên quan đến vụ tranh chấp nhãn hiệu giữa Công ty Ajinomoto Việt Nam và Công ty TNHH Sản xuất thương mại Hà Trung Hậu, sau khi nhận được đơn của Công ty Hà Trung Hậu đề nghị chấm dứt hiệu lực bảo hộ 3 chữ tượng hình trong nhãn hiệu của Ajnomoto, Cục Sở hữu trí tuệ đã đề nghị Công ty Hà Trung Hậu bổ sung phần dẫn chiếu luật cho phù hợp.
Tranh chấp nhãn hiệu giữa Ajinomoto - Hà Trung Hậu vẫn chưa có hồi kết

Như ĐTCK đã thông tin, Công ty Hà Trung Hậu đã có văn bản đề nghị Cục Sở hữu trí tuệ chấm dứt hiệu lực của Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu số 169 (Văn bằng 169) cho Công ty Ajnomoto.

Giữa hai doanh nghiệp đã nảy sinh tranh chấp nhãn hiệu sản phẩm mì chính, một bên là nhãn hiệu Ajinomoto và một bên là nhãn hiệu Ajino-Takara.

Quá trình giải quyết tranh chấp, cả hai bên đều đã trưng cầu giám định của Viện Khoa học sở hữu trí tuệ. Sau này, cơ quan quản lý thị trường Đà Nẵng cũng trưng cầu giám định của Viện Khoa học sở hữu trí tuệ để lấy đó làm căn cứ xử lý vi phạm hành chính của Công ty Hà Trung Hậu.

Trong số các đối tượng được giám định gồm: dấu hiệu “Ajino-Takara”; dấu hiệu “Ajino-Takara và hình”; dấu hiệu “hình chiếc bát”; dấu hiệu “hình chiếc bát và 3 chữ tượng hình”; dấu hiệu “3 chữ tượng hình”, chỉ có dấu hiệu cuối cùng là 3 chữ tượng hình được Viện Khoa học Sở hữu trí tuệ kết luận là tương tự đến mức gây nhầm lẫn với nhãn hiệu là ba ký tự chữ Nhật đã được đăng ký bảo hộ của Ajinomoto. 3 chữ tượng hình này được cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu hàng hóa số 169, được gia hạn đến tháng 4/2025.

Theo Công ty Hà Trung Hậu, việc duy trì hiệu lực Văn bằng 169 là không phù hợp với pháp luật về sở hữu trí tuệ hiện hành. Do đó, Công ty đã có đơn đề nghị Cục Sở hữu trí tuệ hủy bỏ hiệu lực văn bằng này. Trường hợp, hiệu lực Văn bằng 169 bị hủy bỏ, yếu tố vi phạm của Công ty Hà Trung Hậu không còn nữa.

Trước đơn đề nghị hủy bỏ hiệu lực Văn bằng 169 của Công ty Hà Trung Hậu, ngày 3/3/2016, Cục Sở hữu trí tuệ đã có văn bản trả lời. Theo đó, Cục Sở hữu trí tuệ cho rằng, căn cứ pháp lý mà Công ty Hà Trung Hậu áp dụng làm cơ sở đề nghị hủy bỏ hiệu lực văn bằng bảo hộ là chưa chính xác. Công ty Hà Trung Hậu đã đưa ra các căn cứ pháp lý theo Luật Sở hữu trí tuệ 2005, trong khi Văn bằng 169 được cấp từ năm 1985, theo các quy định pháp luật lúc bấy giờ.

Cục Sở hữu trí tuệ cho rằng, căn cứ vào Điều 96.3, Luật Sở hữu trí tuệ, quy định về việc hủy bỏ văn bằng bảo hộ (“Thời hiệu thực hiện quyền yêu cầu hủy bỏ hiệu lực văn bằng bảo hộ là suốt thời hạn, đối với nhãn hiệu thì thời hiệu này là 5 năm kể từ ngày cấp văn bằng bảo hộ, trừ trường hợp văn bằng bảo hộ được cấp do sự không trung thực của người nộp đơn”), trong trường hợp này, đăng ký nhãn hiệu 169 được cấp ngày 30/9/1985 và tính đến ngày nộp đơn yêu cầu của Công ty Hà Trung Hậu là đã quá 5 năm.

Cục Sở hữu trí tuệ đề nghị Công ty Hà Trung Hậu bổ sung phần dẫn chiếu luật cho phù hợp và Cục sẽ thụ lý giải quyết đơn của Công ty khi việc bổ sung được hoàn tất.

Ông Nguyễn Thành Đông, Giám đốc Chi nhánh Công ty Hà Trung Hậu tại Đà Nẵng khẳng định, việc đề nghị hủy bỏ hiệu lực Văn bằng 169 là có cơ sở và Công ty sẽ bổ sung thêm một số căn cứ pháp lý và tiếp tục gửi đơn tới Cục Sở hữu trí tuệ trong vài ngày tới.

Được biết, Văn bằng 169 được cấp từ năm 1985. Tại thời điểm đó, văn bản pháp luật có hiệu lực là Điều lệ về nhãn hiệu hàng hóa được ban hành kèm theo Nghị định số 197-HĐBT ngày 14/12/1982, được sửa đổi bổ sung theo Nghị định 84-HĐBT ngày 20/3/1990.

Trong điều lệ này, không có quy định rằng nhãn hiệu không phải là ký tự La-tinh thì không được đăng ký. Tuy nhiên, khi Luật Sở hữu trí tuệ được ban hành và hiệu lực thì việc đăng ký nhãn hiệu bằng ngôn ngữ không thông dụng không được chấp nhận. Điều 74.2, Luật Sở hữu trí tuệ quy định: nhãn hiệu bị coi là không có khả năng phân biệt nếu nhãn hiệu đó là dấu hiệu thuộc các trường hợp… chữ thuộc các ngôn ngữ không thông dụng...

Điều 39.3, Thông tư 01/2007/TT-BKHCN quy định, dấu hiệu chữ bị coi là không có khả năng phân biệt là ký tự thuộc ngôn ngữ người Việt Nam có hiểu biết thông thường không thể nhận biết và ghi nhớ được (không đọc, hiểu, nhớ được) như  chữ Ả rập, chữ Phạn, chữ Trung Quốc, chữ Nhật…

Chuyên đề