Tội tham ô của cựu tổng giám đốc Oceanbank được 'cãi' trước toà như thế nào

Qua phần tự bào chữa, cựu tổng giám đốc Oceanbank Nguyễn Xuân Sơn được thẩm phán chủ toạ đánh giá "rất am hiểu pháp luật".
Ông  Nguyễn Xuân Sơn. Ảnh: TTXVN
Ông Nguyễn Xuân Sơn. Ảnh: TTXVN

Chiều 26/4, tại phiên phúc thẩm xét kháng cáo của các bị cáo vụ án Cố ý làm trái xảy ra tại Oceanbank (Ngân hàng TMCP Đại Dương), HĐXX dành nhiều thời gian cho cựu tổng giám đốc Nguyễn Xuân Sơn cùng hai luật sư trình bày luận cứ chứng minh bị kết án oan về tội Tham ô tài sản.

Ông Sơn bị cấp sơ thẩm tuyên phạm ba tội: Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng (17 năm tù), Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản (chung thân), Tham ô tài sản (tử hình), theo các điều 165, 280, 278 Bộ luật Hình sự 1999). Bản án sơ thẩm buộc ông o bồi thường ba khoản: 197, 69, 49 tỷ đồng là hậu quả thiệt hại của các tội trên.

Ông Sơn kháng cáo kêu oan hai tội Lạm dụng chức vụ và Tham ô tài sản; đồng thời đề nghị cấp phúc thẩm xem xét lại trách nhiệm dân sự.

Chiều ngày 26/4, khi tự bào chữa, ông Sơn khẳng định, lúc đương chức Tổng giám đốc Oceanbank (2009- 2010) đã nhận 69 tỷ đồng từ ông Hà Văn Thắm (Chủ tịch Oceanbank) để chi lãi suất ngoài hợp đồng. Thời gian sau đó, năm 2011-2014 về làm lãnh đạo ở Tập đoàn Dầu khí (PVN), ông Sơn nhận tiếp 246 tỷ đồng cũng từ ông Thắm.

Ông Sơn khẳng định không chiếm đoạt như cấp sơ thẩm quy buộc mà chi một số cá nhân, cấp trên ở PVN và lãnh đạo cấp trên quản lý trực tiếp của tập đoàn này, sử dụng vào việc từ thiện, lễ tết… Cựu tổng giám đốc Oceanbank cam đoan đã chi hết số tiền này cho một số khách hàng như: Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn, Tổng công ty Dầu Việt Nam, Liên doanh Vietsovpetro và Tập đoàn Dầu khí…

Tự nhận mình là người "trung thực, đàng hoàng, thật thà", ông Sơn cho rằng ở PVN, cựu kế toán trưởng Ninh Văn Quỳnh mới là đầu mối tiếp cận với các ngân hàng trong việc gửi tiền. Còn ông không có quyền quyết định việc PVN gửi tiền vào đâu mà là chỉ là người "vận chuyển tiền" và mang lại hiệu quả cho hoạt động kinh doanh của Oceanbank.

Sau khi ông Sơn bào chữa, chủ tọa hỏi: ‘Theo bị cáo thì hành vi đó phạm tội gì?’. Ông Sơn nói thấy bản chất chỉ là cố ý làm trái.

Ông Sơn cho rằng nếu quy kết ông phạm tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn "ép bị cáo Thắm" chi tiền thì "oan quá". Ông tự hào là người nhiệt tình với bạn bè, công việc, có ảnh hưởng trong giới doanh nhân. Nhiều bạn bè sẵn sàng quyên góp giúp mình bồi thường.

Cũng như ở cấp sơ thẩm, ông Sơn nói sốc khi bị quy buộc tội tham ô. “Bị cáo không chối bỏ những gì hợp lý”, ông Sơn nói và trình bày nguyện vọng được cấp phúc thẩm xem xét minh oan tội này bởi PVN là "nơi suốt đời cống hiến, không có chuyện lấy tiền công bỏ túi".

Nói ghi nhận phần bào chữa của và nhận xét "bị cáo rất am hiểu pháp luật", song chủ toạ Ngô Hồng Phúc đặt ra giả thiết cấp phúc thẩm vẫn tuyên phạm tội Tham ô tài sản thì sẽ như thế nào?

Ông Sơn nói nếu vẫn bị kết luận thì xin HĐXX mấy việc. Thứ nhất, xin cho phép bị cáo dùng tiền 20 tỷ đồng ông Quỳnh phải trả cho mình (trong vụ án PVN góp trái luật 800 tỷ đồng vào Oceanbank) để bồi hoàn cho PVN. Thứ hai bị cáo có tiền mặt, cổ phiếu nên xin bán để bồi thường. Nhà 31A Xuân Diệu, ông Sơn cho rằng thời giá hiện nay cũng phải bán được 20 tỷ đồng. Căn hộ mua ở khu bộ công an mua 2 tỷ đồng giờ bán chắc được 4 tỷ. Ước tính, tiền mặt là 45 tỷ đồng.

Để làm được việc này, ông Sơn đề nghị luật sư cùng gia đình trao đổi với anh em bạn bè nhờ tạm ứng tiền mua lại các tài sản trên. Số tiền có được khi đó sẽ dùng khắc phục thiệt hại để ông được xem xét giảm nhẹ hình phạt.

Ông  Nguyễn Xuân Sơn. 

HĐXX giải thích pháp luật quy định ai khắc phục 2/3 hậu quả thì hình phạt tội tham ô sẽ giảm từ tử hình xuống chung thân.

“Câu chuyện ở đây là đánh giá xem bị cáo phạm tội gì thôi. Bị cáo cứ an tâm cải tạo, khắc phục hậu quả thì ‘đâu khắc vào đó’”, chủ tọa Ngô Hồng Phúc động viên và cho hay "HĐXX chưa đánh giá câu nào là bị cáo không thành khẩn. Nếu cấp sơ thẩm đánh giá bị cáo không thành khẩn, cấp phúc thẩm ghi nhận bị cáo thành khẩn".

Luật sư: PVN được bồi thường nhiều hơn tiền bị mất

Là người đầu tiên trình bày phần bào chữa cho ông Sơn, luật sư Nguyễn Minh Tâm cho hay những điều mình nó đều từ "tâm can, cầu xin sự chia sẻ".

Luật sư Tâm cho rằng chứng cứ dùng để kết tội với ông Sơn, ra mức hình phạt tử hình về tội Tham ô chỉ là công văn gửi Chủ tịch Oceanbank giới thiệu bị cáo làm đại diện vốn góp của PVN ở ngân hàng này.

Luật sư thấy "thật chạnh lòng" vì diễn biến khi xét hỏi công khai "tốt" nhưng kết luận VKS thì không thấy ghi nhận sự "sinh động" này mà chỉ lặp lại những căn cứ của phiên sơ thẩm.

Dẫn quy định của điều 278 Bộ luật Hình sự 1999 về tội Tham ô tài sản, luật sư cho rằng muốn kết tội ông Sơn tham ô thì phải có hai yếu tố cấu thành: có chức vụ quyền hạn quản lý tài sản và 49 tỷ phải là số tiền sở hữu hợp pháp của nhà nước. Áp dụng với ông Sơn thì đều không đủ yếu tố cấu thành.

Về 49 tỷ đồng, luật sư cho rằng bản án sơ thẩm đã nhầm lẫn về sở hữu cổ phần và sở hữu tài sản khi phân tích đây là tiền của nhà nước khi PVN góp 800 tỷ vào Oceanbank, chiếm 20% cổ phần Oceanbank thì tương ứng với 49 tỷ.

Nói không thể "tính số học" như vậy, dẫn điều 74 Bộ luật Dân sự, Luật Doanh nghiệp, luật sư cho hay khi cổ đông chuyển tiền tài sản góp vốn thì chúng thuộc sở hữu của pháp nhân chứ không thuộc cổ đông này. Số tiền 246 tỷ đồng trích ra từ tài khoản tạm ứng của Oceanbank nên 49 tỷ đồng là tài sản của Oceanbank.

Theo luật sư, tài sản của PVN ở Oceanbank là cổ phần và lợi tức chia dựa trên cổ phần. Phần lợi tức này theo hồ sơ đã được chia do đại diện PVN hơn 240 tỷ đồng. Do đó, số tiền này không bị mất do hành vi chiếm đoạt của ông Sơn.

“Đã thu rồi, hạch toán rồi lại nói mất 49 tỷ đồng. Ở vụ án án trước (PVN góp vốn 800 tỷ đồng trái luật vào Oceanbank) buộc ông Đinh La Thăng (cựu chủ tịch PVN) cùng đồng phạm bồi thường 800 tỷ đồng, giờ buộc ông Sơn bồi thường 49 tỷ thì PVN thu 849 tỷ”, luật sư nói và đề nghị gộp các vụ án liên quan lại để  tính toán sao cho hợp lý.

Khu vực dành cho các luật sư tại phiên xét xử. 

Luật sư khẳng định nếu xác định như án sơ thẩm sẽ thể hiện coi trọng cổ đông nhà nước hơn cổ đông tư nhân bởi tuyên bồi thường cho cổ đông PVN, trong khi "các cổ đông khác bị loại hết lợi ích".

“Cùng dòng tiền đó, nhưng chi qua ông Sơn thì có 20% của PVN; chi qua người khác thì không. Chi qua Sơn thì là hành vi tham ô, còn chi qua người khác là cố ý làm trái”, ông Tâm tiếp tục nói to.

Cùng quan điểm với luật sư Nguyễn Minh Tâm, luật sư Phạm Công Hùng khi tiếp tục bào chữa cho ông Nguyễn Xuân Sơn cũng khẳng định cấp sơ thẩm đã "tính toán" sai với số tiền PVN bị thiệt hại.

Theo luật sư Hùng, tại vụ PVN góp 800 tỷ đồng vào Oceanbank, toà tuyên các bị cáo phải liên đới bồi thường đủ 800 tỷ đồng mà tập đoàn này đã góp vốn và bị mất. Bị cáo Sơn không kháng cáo khi bị tuyên phạm tội Cố ý làm trái quy định nhà nước. Còn bản án sơ thẩm vụ án này, cũng về số tiền góp vốn 800 tỷ đồng lại tuyên ông Sơn tử hình về tội tham ô, buộc bồi thường 49 tỷ.

“Chỉ cần làm phép tính đơn giản là có thể thấy tổng tiền PVN nhận lại thông qua xét xử hai bản án trên là 849 tỷ đồng, vượt ngưỡng mức góp vốn, trong khi án sơ thẩm vẫn xác định Oceanbank âm vốn. Điều đó thể hiện sự vô lý”, luật sư nói.

Ông Hùng còn lo nếu bản án ở vụ này lan tỏa ra thì các thành phần kinh tế tư nhân, các nhà đầu tư nước ngoài sẽ quan ngại khi họ bị phân biệt thái quá với thành phần kinh tế quốc doanh. “Môi trường đầu tư của chúng ta sẽ rất khủng khiếp nếu không làm rõ được mối quan hệ này”, luật sư nói.

Luật sư ‘run bần bật’ khi án sơ thẩm tuyên ông Sơn tử hình

Theo luật sư Hùng, án sơ thẩm không đưa được căn cứ vững chắc, tuyên ông Sơn án tử hình bằng lập luận giản đơn. "Đó là sự hời hợt đến mức đọc xong bản án sơ thẩm mất một đêm mà run bần bật", ông Hùng nói và tha thiết mong HĐXX xem xét kháng cáo đề nghị tuyên ông Sơn không phạm tội Tham ô tài sản.

Đối với tội Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản mà cấp sơ thẩm tuyên ông Sơn hình phạt tù chung thân, ông Hùng đề nghị hủy án sơ thẩm, trả hồ sơ điều tra bổ sung bởi còn nhiều thiếu sót mà cấp phúc thẩm không thể khắc phục được. Tuy nhiên, nếu có đủ căn cứ kết tội thì ông đề nghị chuyển sang tội Cố ý làm trái.

Theo luật sư Hùng, cấp sơ thẩm mâu thuẫn khi cho rằng ông Sơn lợi dụng vị thế để buộc ông Thắm chi tiền. Nếu  thực việc này, hành vi này sẽ phạm vào tội Cướp tài sản chứ không phải tội Lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản.

“Bản án sơ thẩm không khách quan khi sử dụng lập luận nặng nề so với mức độ phạm tội. Án sơ thẩm đã tăng nặng đến tận cùng với bị cáo”, ông Hùng nêu quan điểm bảo vệ ông Sơn.

Phiên toà sẽ tiếp tục mở lại vào thứ tư tuần sau, ngày 2/5.

Chuyên đề