Thuế, phí gây sức ép lớn cho doanh nghiệp

(BĐT) - Mặc dù các loại thuế chính thức có xu hướng giảm, nhưng hiện nay nhiều loại chi phí khác lại có xu hướng tăng lên. Thực tế này khiến doanh nghiệp Việt Nam đứng trước một bối cảnh kinh doanh mới đầy khó khăn, thách thức.
Kê khai thuế phức tạp khiến các doanh nghiệp nước ngoài dù muốn đầu tư vào Việt Nam cũng phải cân nhắc. Ảnh: Lê Tiên
Kê khai thuế phức tạp khiến các doanh nghiệp nước ngoài dù muốn đầu tư vào Việt Nam cũng phải cân nhắc. Ảnh: Lê Tiên

Áp lực thuế, phí

Theo ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Ban Pháp chế thuộc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, doanh nghiệp (DN) Việt Nam, nhất là các DN nhỏ và vừa, đang đứng trước áp lực kinh doanh rất lớn, trong đó có gánh nặng thuế, phí.

Ông Tuấn cho biết, từ ngày 1/1 vừa qua, TP. Hải Phòng đã quy định thu thêm phí sử dụng hạ tầng, dịch vụ công cộng trong khu vực cửa khẩu tại các cảng biển (gọi tắt là phí hạ tầng cảng biển). Đây là địa phương đầu tiên trên cả nước áp dụng hình thức thu phí này. Nhiều DN cho biết họ không thể lý giải được việc vì sao phải nộp loại phí này trong khi lâu nay DN đã nộp các loại phí như phí lưu kho, phí ra vào cảng.

Một số địa phương thì tăng tiền thuê đất lên rất cao. Đơn cử như tại Bà Rịa - Vũng Tàu, theo thống kê từ năm 2013 đến nay, mức giá thuê đất trên địa bàn tỉnh này đã tăng từ 5 - 20 lần so với giai đoạn trước. Giá thuê đất tăng đột biến đã khiến các dự án du lịch do các DN trong và ngoài nước đầu tư vào Bà Rịa - Vũng Tàu bị ngưng trệ.

Một DN tại Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết, thực trạng thuế, phí tăng cao là áp lực rất lớn đối với DN trong bối cảnh năng lực cạnh tranh còn yếu, áp lực  cạnh tranh từ hội nhập ngày càng gay gắt. 

Tháo gỡ khó khăn từ chính sách thuế

Theo thống kê từ năm 2013 đến nay, mức giá thuê đất trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã tăng từ 5 - 20 lần so với giai đoạn trước.
Để nuôi dưỡng DN lớn mạnh, ông Đậu Anh Tuấn cho rằng, các bộ, ngành và địa phương cần nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh hơn nữa thay vì áp dụng các chính sách tận thu gây áp lực cho DN.

“Trong năm 2017, chúng ta nên tính toán lại tất cả các loại thuế, phí mà DN đang phải gánh chịu trên thực tế để có giải pháp gỡ khó phù hợp. Các chính sách thuế đưa ra phải tạo điều kiện cho DN phát triển, nâng cao sức cạnh tranh, chứ không thể tận thu, vắt kiệt sức của DN”,  ông Tuấn kiến nghị.

Chia sẻ quan điểm này, theo ông Thomas McClelland, Chủ tịch Tiểu ban Thuế và Chuyển giá thuộc Hiệp hội DN châu Âu (EuroCham) tại Việt Nam, chế độ thuế của một quốc gia ảnh hưởng đến dòng vốn đầu tư và quyết định địa điểm đầu tư. Hiện nay chính sách thuế của Việt Nam mặc dù đã có nhiều cải thiện, nhưng trên thực tế vẫn còn những quy định không rõ ràng dẫn đến áp dụng không thống nhất, gây khó khăn cho DN. “Phần kê khai thuế hiện khá phức tạp khiến các DN nước ngoài dù muốn đầu tư vào Việt Nam cũng phải cân nhắc”, ông Thomas McClelland dẫn chứng.

Riêng đối với thuế nhà thầu, theo ông Thomas McClelland, loại thuế này là một trong những nguyên nhân làm tăng chi phí của các DN nước ngoài đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam. Chính việc tăng thuế nhà thầu áp dụng đối với hàng hóa nhập khẩu qua kho ngoại quan và thuế giá trị gia tăng đối với phí sử dụng bản quyền trong thời gian gần đây đã khiến hoạt động của nhiều DN gặp khó khăn.

Để hỗ trợ DN đầu tư, kinh doanh, ông Thomas McClelland đề xuất, cần xem xét việc giảm thuế suất nhà thầu và thu hẹp phạm vi áp dụng loại thuế này, chẳng hạn như không áp dụng cho việc giao hàng qua kho ngoại quan. Bên cạnh đó, cơ quan chức năng cũng cần làm rõ các điều kiện hưởng ưu đãi đối với những ưu đãi thuế dành cho các DN ngành công nghiệp hỗ trợ; xem xét áp dụng một mức thuế suất giống nhau trên tiền thu được tương tự như thuế chuyển nhượng chứng khoán đối với thuế thặng dư vốn.

Chuyên đề