Thực thi Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp: Đang đi đúng hướng

(BĐT) - Một số bộ, ngành đã thống nhất quan điểm và cách thức xử lý những cái “vênh” giữa Luật Đầu tư và các luật có liên quan. 
Việc đăng ký thành lập doanh nghiệp đã thuận lợi hơn rất nhiều. Ảnh: Tiên Giang
Việc đăng ký thành lập doanh nghiệp đã thuận lợi hơn rất nhiều. Ảnh: Tiên Giang

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Bùi Quang Vinh, Tổ trưởng Tổ công tác Thi hành Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư (Tổ công tác) cho rằng, việc thực thi Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp “đang đi đúng hướng” bảo đảm quyền tự do kinh doanh của người dân, doanh nghiệp theo Hiến pháp. 

Đạt được thống nhất với một số bộ, ngành

Báo cáo với Bộ trưởng Bùi Quang Vinh tại cuộc họp lần thứ 2 của Tổ công tác, ông Trần Hào Hùng, Vụ trưởng Vụ Pháp chế thuộc Bộ KH&ĐT thông tin, sau khi có những trao đổi với các bộ, ngành về những cái “vênh”, không đồng bộ giữa Luật Đầu tư với các luật liên quan để xử lý thống nhất, Tổ công tác đã nhận được rất nhiều sự “hợp tác”, chia sẻ quan điểm và cách thức xử lý để thống nhất cùng thực hiện.

Cụ thể, khi làm việc với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Tổ công tác đã đạt được những quan điểm thống nhất về các vấn đề liên quan đến báo cáo đánh giá tác động môi trường. Trước đó, quy định này rất vướng khi thực hiện ở các địa phương. Tuy nhiên, sau khi thống nhất với Tổ công tác, Bộ TN&MT đã thống nhất sẽ triển khai theo Luật Đầu tư.

Với Bộ Tài chính, về các ưu đãi đầu tư liên quan đến đất đai, thuế thì Bộ Tài chính đã cơ bản thống nhất sẽ áp dụng các danh mục lĩnh vực này theo quy định của Luật Đầu tư.

Bộ Công Thương cũng có những thống nhất quan điểm về cách thức xử lý liên quan đến quy định về quyền kinh doanh xuất nhập khẩu, cấp vốn. Vấn đề này hiện rất vướng với các doanh nghiệp khi xử lý các điều kiện về quyền nhập khẩu, vốn.

Trưởng ban thư ký của Tổ công tác, TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) cho biết, kể từ khi có hiệu lực, Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp đã tạo nên những thay đổi tích cực trong đăng ký thành lập doanh nghiệp, thúc đẩy kinh doanh, đầu tư.

Ông Bùi Anh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Quản lý đăng ký kinh doanh thuộc Bộ KH&ĐT cho biết, sau khi Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp có hiệu lực, việc đăng ký thành lập doanh nghiệp đã rất thuận lợi. “Hiện nay xuống các tỉnh, thấy không khí khác hẳn. Ở Hưng Yên, người dân sáng nộp hồ sơ, chiều đã nhận được kết quả đăng ký kinh doanh mà bản thân doanh nghiệp còn không tin là thật. Riêng ở TP.HCM, đơn vị này thực hiện tới 1.200 hồ sơ/ngày, chủ yếu đăng ký thành lập doanh nghiệp qua tổng đài 1080”, ông Bùi Anh Tuấn lạc quan. 

Chúng ta không thể nhân nhượng

Tuy nhiên, khi báo cáo về những khó khăn, vướng mắc trong thực hiện Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, TS. Nguyễn Đình Cung cho biết, hiện vẫn có sự không tương thích giữa quy định của Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư với các luật khác, một số văn bản pháp lý được ban hành trước thời điểm Luật Đầu tư có hiệu lực vẫn chưa được điều chỉnh, hoàn thiện kịp thời để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với những cải cách của Luật Đầu tư. Điều này dẫn đến xung đột giữa các văn bản pháp luật, gây khó khăn cho doanh nghiệp, nhà đầu tư và cơ quan đăng ký đầu tư.

Đáng chú ý, hiện có 16 ngành nghề trong 267 ngành nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện (thuộc phạm vi quản lý của các bộ: Công an, Giao thông vận tải, Thông tin và Truyền thông, Y tế) chưa ban hành điều kiện đầu tư kinh doanh tương ứng. Thậm chí một số bộ vẫn đang tiếp tục soạn thảo, ban hành các thông tư trong đó có quy định về điều kiện kinh doanh trái thẩm quyền hoặc có những văn bản hết hiệu lực nhưng vẫn đang được áp dụng.

Lo ngại về việc làm suy giảm hiệu lực thi hành của các quy định của Luật Đầu tư về kiểm soát điều kiện đầu tư kinh doanh, ông Nguyễn Đình Cung nêu quan điểm: “Theo tôi, những ngành nghề mà đến thời điểm trên các bộ vẫn không ban hành điều kiện kinh doanh được thì phải coi như không có, vì rõ ràng là các bộ còn chưa có ý tưởng. Chúng ta phải dứt khoát từ bỏ lề lối cũ, nếu không các luật mới sẽ bị vô hiệu... Chúng ta không thể nhân nhượng với các bộ ban hành văn bản trái pháp luật”.

Dưới góc độ đơn vị thực hiện, ông Lê Xuân Hiền, Trưởng phòng Đăng ký kinh doanh tỉnh Hải Dương thông tin, với trường hợp doanh nghiệp đầu tư nước ngoài đến nộp hồ sơ giải thể thì trong Luật Doanh nghiệp quy định phải có Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp nộp kèm với hồ sơ, và hồ sơ của doanh nghiệp tự kê, tự chịu trách nhiệm. Và với sự “tự kê, tự chịu trách nhiệm” như vậy thì giá trị của những quy định quản lý đầu tư sẽ ở đâu? “Đối với các doanh nghiệp FDI, chúng ta phải có cách hành xử khác, chi tiết hơn, trách nhiệm hơn”, ông Hiền đề xuất.

Từ thực tiễn công tác, ông Lê Xuân Hiền cũng phát hiện: “Hộ kinh doanh cá thể đang là “mốt” vì các doanh nghiệp thì phải chấp hành rất nhiều điều kiện nhưng hộ kinh doanh cá thể thì đỡ hơn. Nên chúng ta đang bỏ quên một nguồn lực lớn với hơn 4 triệu hộ”. Từ những thiếu sót này, những ứng xử của các địa phương liên quan đến đất đai, vốn vay cho các đối tượng này chưa được đối xử nghiêm túc và đúng với vai trò của nó.

Nếu thấy cản trở doanh nghiệp thì phải sửa

Phát biểu tại buổi họp, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh trăn trở: “Đừng vì sự bảo thủ của chúng ta mà làm khó cho doanh nghiệp, quan điểm của tôi là phải tháo gỡ cho doanh nghiệp”. Song, việc thực hiện 2 luật “gốc” này đang đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức.

Tuy nhiên, “tôi cho rằng, việc rà soát về ngành nghề có điều kiện kinh doanh (ĐKKD) là trọng tâm nhất vì xét cho cùng, đó là những rào cản kinh doanh”, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh nhấn mạnh và yêu cầu, Tổ công tác phải rà soát kỹ để thống kê cho đủ các ngành nghề có ĐKKD hiện nay để xem có bao nhiêu ĐKKD ban hành không đúng, cái nào vi phạm để báo cáo đầy đủ với Chính phủ, Quốc hội xem xét. “Tôi muốn là người được ký văn bản này để trình lên Chính phủ, Quốc hội”. Tuy nhiên, Kỳ họp Quốc hội tới sẽ diễn ra vào tháng 3, tháng 4 và các đại biểu Quốc hội có thể biểu quyết, thông qua nhân sự Chính phủ khóa mới. Vì vậy, nếu không sớm hoàn thiện báo cáo thì ông sẽ không ký được nữa.

Bộ trưởng cho rằng, nếu việc thực thi Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp được “thông đồng bén giọt”, tất cả đi vào quỹ đạo thì là một thành công lớn vì từ Hiến pháp, chúng ta đã xây dựng được luật, cơ bản mở ra một chương mới về quyền tự do kinh doanh của người dân.

Cùng với đó, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh chỉ đạo, cần phải khẩn trương làm thí điểm và nhân rộng các điển hình trong việc thực thi tốt Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, sau đó công bố rộng rãi. Việc làm này sẽ như một áp lực cho các địa phương, bộ ngành khác phải thực hiện, cũng nhờ đó tạo hiệu quả, bớt áp lực của việc tăng biên chế nhờ những cán bộ “thạo việc”.

Chuyên đề