Thực thi EVFTA: Luật tương thích nhưng doanh nghiệp khó hưởng

Chỉ có 2 điểm được xác định là còn vênh giữa các quy định của pháp luật Việt Nam về hải quan với các cam kết của Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA), nhưng đáng tiếc, điều này không đồng nghĩa với sự hài lòng của doanh nghiệp.
Vẫn còn khoảng cách rất lớn giữa ý chí chủ quan của người xây dựng chính sách và thực tiễn.
Vẫn còn khoảng cách rất lớn giữa ý chí chủ quan của người xây dựng chính sách và thực tiễn.

Bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO trực thuộc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã gọi đây là “hai phát hiện quan trọng nhất” trong đợt rà soát pháp luật Việt Nam với các cam kết EVFTA về hải quan và minh bạch hóa vừa được công bố cuối tuần trước.

Phát hiện thứ nhất, pháp luật Việt Nam gần như tương thích với EVFTA, trừ 2 yêu cầu cụ thể là không phân biệt đối xử với các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong thủ tục ưu tiên và yêu cầu mỗi giấy tờ hành chính chỉ phải nộp một lần.

“Phát hiện thứ hai quan trọng hơn nhiều, đó là, EVFTA đòi hỏi kết quả thực tế, chứ không chỉ trên quy định. Việt Nam cũng cam kết không chỉ về pháp luật, mà còn trên thực tiễn. Chính điều này khiến công việc để đảm bảo sự tương thích về pháp luật còn rất nhiều việc phải làm”, bà Trang phân tích.

Việc rà soát pháp luật được Nhóm nghiên cứu thực hiện theo từng điều khoản cụ thể. Chính cách làm này đã khiến họ phát hiện ra, các quy định về mức kim ngạch khiến các doanh nghiệp nhỏ và vừa không thể tiếp cận cơ chế ưu tiên; quy định: “tiêu chí doanh nghiệp công nghệ cao”, hay “hàng hóa nhập khẩu cho dự án trọng điểm tại điểm 5, 6 của Điều 10, Nghị định 08/2015/NĐ-CP quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật Hải quan về thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát, kiểm soát hải quan tạo ra sự phân biệt đối xử giữa các chủ thể liên quan.

“Trong danh sách doanh nghiệp ưu tiên theo quy định này, chỉ có 38 doanh nghiệp trong số 50.000 doanh nghiệp hoạt động kinh doanh xuất nhập khẩu, nhưng các doanh nghiệp này chiếm 25% tổng kim ngạch xuất khẩu (theo số liệu tháng 7/2015). Chúng tôi đề nghị giảm mức kim ngạch xuống phù hợp với năng lực xuất nhập khẩu trung bình của đa số các doanh nghiệp nhỏ và vừa và bỏ quy định tại điểm 5, 6 trên”, bà Trang khuyến nghị.

Vấn đề ở chỗ, theo ông Phạm Thanh Bình, chuyên gia hải quan cao cấp, nguyên Cục trưởng Cục Giám sát quản lý (Tổng cục Hải quan), thì chính quy định mức kim ngạch khác nhau là cách làm riêng của Việt Nam, với mục đích chính là tạo cơ hội cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa.

“Cơ chế ưu tiên, một mặt dành nhiều thuận lợi cho doanh nghiệp, mặt khác đòi hỏi đáp ứng nhiều điều kiện nghiêm ngặt, nhất là yêu cầu về ý thức và năng lực tuân thủ pháp luật, phương pháp quản trị chuyên nghiệp… Quan điểm của tôi là ưu tiên cho số đông thì không còn là ưu tiên nữa, nên tuy đồng ý giảm mức hạn ngạch nhưng nên từng bước, không tràn lan”, ông Bình bình luận.

Rõ ràng, chưa bàn đến sự tương thích mà chỉ xét riêng tính khả thi và hiệu quả của chính sách, có thể thấy khoảng cách rất lớn giữa ý chí chủ quan của người xây dựng chính sách và thực tiễn. Nhìn rộng hơn, đây có thể là câu trả lời cho câu hỏi, tại sao sự tương thích lớn như vậy với một hiệp định thương mại tự do được coi là một trong những hình mẫu mới cho thương mại toàn cầu, nhưng không khiến doanh nghiệp Việt Nam thuận lợi hơn trong hoạt động thương mại.

Trong đợt khảo sát doanh nghiệp về thủ tục hải quan, do VCCI thực hiện vào năm 2015, các doanh nghiệp “kêu trời” vì thủ tục thông quan rườm rà, thời gian chậm trễ, chi phí lớn. Có lẽ phải nhắc lại những ví dụ điển hình mà VCCI đã tổng hợp trình Chính phủ, như cơ quan kiểm dịch yêu cầu doanh nghiệp phải nộp Giấy chứng nhận kiểm dịch khi nhập khẩu pallet gỗ ép PDF, trong khi đây là gỗ đã được xử lý, theo công ước quốc tế (ISPM15) không phải kiểm dịch, hun trùng, và đơn vị xuất khẩu không thể có giấy chứng nhận kiểm dịch để cung cấp cho doanh nghiệp Việt Nam khi nhập khẩu; Hay như men bia là mặt hàng không thể mở ra ở môi trường bên ngoài, nên dù thực chất không kiểm tra gì mà vẫn cấp chứng nhận; Hoặc không thể cắt vải bọc của chiếc ghế để kiểm tra formaldehyte, nhưng doanh nghiệp vẫn phải làm thủ tục với hình thức dùng một miếng vải gần giống để... kiểm định!

“Rà soát của VCCI chưa thực hiện với hệ thống pháp luật chuyên ngành có liên quan, trong khi thời gian làm thủ tục kiểm tra chuyên ngành và các thủ tục khác chiếm tới 72% tổng số thời gian làm thủ tục thông quan. Nếu rà soát nội dung này với EVFTA thì sẽ thấy nhiều sự không tương thích. EVFTA thực hiện nguyên tắc quản lý rủi ro, trong khi quy định chuyên ngành của Việt Nam là kiểm tra chuyên ngành với mọi lô hàng và tại thời điểm thông quan”, ông Trần Hữu Huỳnh, Chủ tịch Ủy ban tư vấn chính sách thương mại quốc tế của VCCI, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam phân tích.

Cũng phải nói thêm, EVFTA có riêng một chương về minh bạch trong thực thi pháp luật, trong đó yêu cầu minh bạch từ cam kết thực hiện thống nhất, khách quan đến chỉ định điểm hỏi đáp, cơ chế giải đáp vướng mắc... “Tuy nhiên, rất tiếc chúng tôi đã cố tìm nhưng chưa thấy văn bản nào về nguyên tắc thực thi pháp luật. Đây là điểm không thương thích lớn, tác động trực tiếp đến việc thực thi các cam kết”, bà Trang nói.

Đó là lý do mà cam kết của Việt Nam trong tổ chức thực hiện có hiệu quả các quy định của pháp luật đang là thách thức lớn với các cơ quan liên quan. Nhưng giải tỏa thách thức này chính là cơ hội để doanh nghiệp Việt Nam thực sự hưởng lợi từ EVFTA.

Chuyên đề