Thủ tướng rút ngắn 2 tháng thời hạn trình phương án cắt giảm điều kiện kinh doanh

(BĐT) - Thủ tướng Chính phủ vừa chỉ đạo các bộ, ngành phải rà xét và xây dựng phương án, nghị định cắt giảm 50% các điều kiện kinh doanh (ĐKKD) trình Chính phủ trước ngày 15/8, tức là rút ngắn hơn 2 tháng so với thời hạn đặt ra trong Nghị quyết số 01-NQ/CP ngày 1/1/2018 của Chính phủ.
Chất lượng đơn giản hóa, cắt giảm điều kiện kinh doanh chưa đồng đều. Ảnh minh họa: Internet
Chất lượng đơn giản hóa, cắt giảm điều kiện kinh doanh chưa đồng đều. Ảnh minh họa: Internet

Áp lực tiến độ là thách thức rất lớn

Yêu cầu này đặt ra trong bối cảnh tình hình cắt giảm, đơn giản hóa các điều kiện kinh doanh của các Bộ ngành liên quan đang chững lại. Tính đến tháng 6/2018, mới chỉ có Bộ Công Thương ban hành Nghị định về cắt giảm các điều kiện kinh doanh thuộc quản lý chuyên ngành của Bộ.

Theo nhận định của nhiều chuyên gia, và cộng đồng doanh nghiệp, với mốc thời gian 31/10/2018, mục tiêu hoàn thành cắt giảm 50% tổng số điều kiện kinh doanh đã là một thách thức lớn, chưa kể quá trình soạn thảo nghị định, chờ thủ tục thông qua rất mất thời gian. Tuy nhiên trước phản ánh của cộng đồng doanh nghiệp và sự chậm trễ của các bộ, ngành, Thủ tướng không những không lùi thời hạn đã định tại Nghị quyết số 01, mà còn yêu cầu rút ngắn hơn. Điều này cho thấy sự quyết tâm cao độ của Thủ tướng, gây sức ép nặng nề lên các bộ, ngành liên quan.

Cắt giảm ĐKKD còn mang tính đối phó, không thực chất

Tại buổi làm việc của Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ diễn ra sáng ngày 12/7, ông Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng: “Chất lượng đơn giản hóa, cắt giảm điều kiện kinh doanh chưa đồng đều, có tình trạng chạy theo con số, mang tính đối phó, không thực chất”.

Qua quá trình rà soát các ĐKKD cho thấy, hiện một số điều kiện được đơn giản hóa trong các Phương án cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh được tính là cắt, giảm đơn giản hóa, nhưng theo ông Lộc, thực chất các đề xuất cắt giảm này không có nhiều ý nghĩa, điều kiện kinh doanh của doanh nghiệp cũng không đơn giản hơn là mấy. Chẳng hạn như liên quan đến điều kiện kinh doanh hàng miễn thuế, kho bãi địa điểm làm thủ tục hải quan, tập kết, kiểm tra, giám sát hải quan (Nghị định 68/2016/NĐ-CP của Chính phủ), điều kiện trước khi được đơn giản hóa và điều kiện được đơn giản hóa là không thay đổi đáng kể, nhưng vẫn được tính là 01 điều kiện được đơn giản hóa. Hay như điều kiện kinh doanh dịch vụ xếp hạng tín nhiệm (Nghị định 88/2014/NĐ-CP), thay vì phải có 04 nội dung thì giờ chỉ cần có 02 nội dung, còn điều kiện phải có phương án kinh doanh vẫn được giữ nguyên.

Theo phản ánh của doanh nghiệp, mặc dù một số điều kiện được đề xuất bãi bỏ, song không đi vào cốt lõi. Ví dụ như, hầu hết các điều kiện liên quan đến nhân thân như “có năng lực hành vi dân sự” đều được kiến nghị bãi bỏ trong nhiều Phương án, nhưng thực tế điều kiện này có cũng như không, bởi không một doanh nghiệp nào tuyển dụng một người chưa đủ năng lực hành vi dân sự vào làm việc. Do vậy, dù được nêu là bãi bỏ thì mức độ tạo thuận lợi cho doanh nghiệp cũng là không đáng kể.

Đánh giá tính cải cách trong các phương án rà soát, các doanh nghiệp cho rằng nhiều cải cách chưa thực sự triệt để. Phần lớn đề xuất trong các phương án mới chỉ dừng lại việc xem xét các điều kiện kinh doanh hiện hành ở trong Nghị định. Các kiến nghị chủ yếu xoay quanh sửa đổi, bổ sung Nghị định mà chưa mở rộng đánh giá các điều kiện kinh doanh chứa đựng trong Luật. Đây được xem là một hạn chế không hề nhỏ trong hoạt động rà soát. Mặc dù biết là bất cập, nhưng vẫn giữ và chờ đến khi sửa Luật.

Quan điểm khác biệt giữa các bộ

Kết quả rà soát của VCCI còn cho thấy, dường như vẫn có sự khác biệt về quan điểm giữa các Bộ trong việc sửa đổi các điều kiện kinh doanh. Nếu rà soát theo cùng một tiêu chí, thì các điều kiện kinh doanh có tính chất tương tự nhau sẽ được đánh giá tương tự nhau để đưa ra đề xuất cắt giảm, hay đơn giản hóa. Tuy nhiên, khi xem xét các Phương án của các bộ, thì lại thấy có một số điều kiện kinh doanh có tính chất tương tự nhau, nhưng quan điểm cắt giảm, đơn giản hóa của Bộ là khác nhau. Liên quan đến điều kiện về “vốn pháp định”, yêu cầu về vốn pháp định thường áp dụng đối với những ngành, nghề mà yếu tố vốn tác động trực tiếp đến các lợi ích công cộng quan trọng, theo diện rộng. Tuy nhiên, hệ thống pháp luật kinh doanh hiện hành có rất nhiều ngành, nghề kinh doanh yêu cầu về “vốn pháp định”, mặc dù bản chất của ngành, nghề đó không có tính chất đặc thù để yêu cầu về vốn. Liên quan đến hoạt động kinh doanh dịch vụ đòi nợ, đề xuất đơn giản hóa chỉ thay “vốn pháp định” thành “vốn điều lệ”...

Để việc cắt giảm, đơn giản hóa các điều kiện kinh doanh đi vào thực chất, đạt được mục tiêu đề ra, đại diện của VCCI kiến nghị, trong nội bộ từng bộ, đề nghị các Bộ trưởng không giao cho các Vụ, Cục đang thực hiện nhiệm vụ cấp phép lại là cơ quan chủ trì soạn thảo phương án hay chủ trì soạn thảo các nghị định, thông tư cải cách cấp phép này. Những đơn vị nào đang cấp phép thì sẽ không có động lực và sẽ tìm cách này, cách khác giữ lại quyền của mình. Quy định cải cách cần giao cho các đơn vị độc lập, chịu trách nhiệm trước bộ trưởng và chủ động tham vấn những vấn đề chuyên môn của các cơ quan khác. Các phương án cải cách cần mang tính triệt để. Các bộ cần mở rộng đánh giá các điều kiện kinh doanh chứa đựng trong Luật, để có phương án sửa đổi hoặc bãi bỏ những điều kiện kinh doanh bất hợp lý. Khi soạn thảo phương án cắt giảm điều kiện kinh doanh, các bộ cần tích cực tham vấn VCCI và các hiệp hội liên quan.

Chuyên đề